MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vị thế ‘vua tìm kiếm’ của Google lung lay vì ‘quái vật’ SEO: Chủ đích kiếm tiền bằng mọi giá, khiến trải nghiệm người dùng bị ‘ăn mòn’ nghiêm trọng

11-05-2023 - 09:45 AM | Tài chính quốc tế

Google Search không còn là 'vua tìm kiếm'?

Google năm nay tròn 25 tuổi. Chúng ta không thể sống thiếu nó và Google Search đã xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, trong mọi cuộc tranh luận và cả mọi sự tò mò - hữu ích và phổ biến đến mức sức ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống hằng ngày lớn đến kỳ lạ.

Theo The Verge, Google tự hứa sẽ sắp xếp thông tin cho thế giới, song trong suốt 1/4 thế kỷ qua, một lượng lớn thông tin thế giới đã được sắp xếp để phục vụ Google. Mọi thứ người dùng truy cập trên Internet từ website, bài báo, hộp thông tin… đều được thiết kế để Google hiểu và trong nhiều trường hợp, Internet đã trở nên dễ tiếp cận hơn nhờ các công cụ tìm kiếm như vậy.

Chúng ta đang sống trong một hệ sinh thái thông tin bị chi phối bởi Google Search. Nó chiếm ưu thế đến mức Liên minh Châu Âu đã dành cả 1 thập kỷ chỉ để nghiên cứu cách thức hạn chế sự bành trướng vô độ. Kết quả, EU thất bại vì bản năng của chúng ta là luôn luôn sử dụng Google. Mọi người thích đặt câu hỏi, còn Google lại thích kiếm tiền bằng cách trả lời chúng.

Tuy nhiên, lần đầu tiên sau 25 năm, Google Search phải đối mặt với một loạt thách thức liên quan đến AI. Nguyên nhân bắt nguồn từ “quái vật” SEO - thứ đã “ăn mòn” trải nghiệm tìm kiếm của người dùng. Nhiều nội dung lọt top hiển thị song lại không giải quyết được nhu cầu thực sự lúc đó của đa số người dùng.

Bằng chứng là những năm gần đây, người dùng Google thường xuyên phàn nàn về công cụ tìm kiếm phổ biến. Họ nói không thể tìm thấy lời giải đáp thỏa đáng cho những câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản, chẳng hạn như “đâu là chiếc máy tính chơi game tốt nhất?”.

Google lúc này hiển thị loạt liên kết tài trợ thay vì đưa ra lời khuyên hữu ích. Tất cả đã được sắp xếp để tối ưu hóa công cụ tìm kiếm vốn được thiết kế để kiếm tiền thay vì cung cấp các câu trả lời chất lượng cao. Tóm lại, trong mắt một số người dùng, dịch vụ hàng đầu của Google hiện đang rất tệ.

Trong khi đó, các công cụ tìm kiếm dựa trên trò chuyện như Bing của Microsoft và Bard của chính Google lại đang được tung hô là tương lai của tìm kiếm. Nếu Google Search tiếp tục lao dốc, mọi người sẽ chuyển sang những sự lựa chọn tốt hơn - nơi các công ty khởi nghiệp được trợ vốn bởi liên doanh hoặc các đối thủ của Google sẵn lòng cung cấp dịch vụ chất lượng.

Thực tế, Google đã phải trả hàng chục tỷ USD mỗi năm cho các nhà sản xuất thiết bị như Apple và Samsung để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại. Tuy nhiên sau một thời gian, những thỏa thuận đó sẽ cần được gia hạn lại và việc lợi nhuận Google giảm sút sẽ tác động không nhỏ đến thương vụ này.

Vị thế ‘vua tìm kiếm’ của Google lung lay vì ‘quái vật’ SEO: Chủ đích kiếm tiền bằng mọi giá, khiến trải nghiệm người dùng bị ‘ăn mòn’ nghiêm trọng - Ảnh 1.

Google Search không còn là 'vua tìm kiếm'?

Đây hoàn toàn không phải là dự đoán về sự diệt vong bởi dù gì, Google vẫn là một tập đoàn lớn có sức ảnh hưởng, được điều hành bởi những Giám đốc điều hành thông minh và sắc sảo nhất nhì lĩnh vực công nghệ.

Tuy nhiên, thách thức lần đầu tiên sau 2 thập kỷ của Google là có cơ sở. Google Search có thể sẽ thay đổi nếu Google phản ứng và theo các chuyên gia, bất kỳ sự thay đổi nào cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với Internet.

Rất dễ để thấy và nói về một số sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, dịch vụ phát trực tuyến hay ứng dụng hẹn hò; song không dễ để bàn về Google Search. Nó chính là “hố đen”: một trong những ngành kinh doanh sinh lợi nhất trong lịch sử thế giới nhưng bằng một cách nào đó không thể nhìn tường minh.

Theo BI, Google không phải là gã khổng lồ công nghệ duy nhất đang xuống cấp các sản phẩm cốt lõi. Facebook, nền tảng mạng xã hội kết nối bạn bè giờ đây cũng tràn ngập các nội dung được tài trợ hoặc đề xuất - những thứ dường như chôn vùi mọi thông tin mọi người muốn xem. Amazon cũng bị cho là đang “hóa rác” vì khiến người dùng gần như không thể tìm thấy sản phẩm chất lượng cao vì liên tục bị chuyển hướng đến các trang quảng cáo chứa đầy sản phẩm kém chất lượng.

Nguyên nhân một phần là do trải nghiệm người dùng bị phụ thuộc vào giá cổ phiếu. Google, Amazon, Meta và các công ty công nghệ khác đều đã kiếm tiền bằng cách can thiệp và thao túng người dùng. Thay vì cố gắng đổi mới và cải thiện một cách có ý nghĩa dịch vụ, các công ty này chạy theo xu hướng ngắn hạn hoặc cố gắng đại tu toàn bộ hoạt động kinh doanh nhằm giành được sự ưu ái của giới đầu tư Phố Wall. Trong khi đó, các trải nghiệm trực tuyến ngày càng trở nên tồi tệ — khó mua những thứ muốn mua, khó tìm những thứ muốn tìm và khó giao tiếp với những người cần giao tiếp.

Vị thế ‘vua tìm kiếm’ của Google lung lay vì ‘quái vật’ SEO: Chủ đích kiếm tiền bằng mọi giá, khiến trải nghiệm người dùng bị ‘ăn mòn’ nghiêm trọng - Ảnh 2.

Vị thế ‘vua tìm kiếm’ của Google lung lay vì ‘quái vật’ SEO

Từ năm 2000 đến đầu những năm 2010, các công ty công nghệ cho ra mắt rất nhiều những sản phẩm mới, thú vị, từ đó giúp cuộc sống con người trở nên dễ dàng. Điều này gián tiếp thúc đẩy sự phát triển bùng nổ của Thung lũng Silicon - nơi các công ty chứng kiến mức định giá tăng cao, song song với số liệu doanh thu không tưởng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng người dùng gia nhập các nền tảng trực tuyến có dấu hiệu giảm tốc và sự chậm lại này gây ra một cuộc khủng hoảng.

Các tập đoàn công nghệ dành vài năm qua cố gắng tìm ra động cơ tăng trưởng kỳ diệu mới để tái tạo đà tăng trưởng bùng nổ trước đó. Nhiều doanh nghiệp hoàn toàn từ bỏ sứ mệnh ban đầu, tham vọng kiếm tiền bằng mọi giá và tận dụng sự tương tác của người dùng để thu hút Phố Wall.

Ví dụ điển hình nhất cho việc từ bỏ giá trị cốt lõi tai hại là Meta. Tháng 10/2021, CEO Mark Zuckerberg quyết định đổi tên Facebook với lời cam kết chuyển hướng sang vũ trụ ảo, qua đó chứng minh rằng Facebook không chỉ đơn thuần là một mạng xã hội thông thường.

Tuy nhiên, hơn một năm trôi qua, giấc mơ lớn tiêu tốn hàng tỷ USD của Mark Zuckerberg vẫn xa tầm với. Meta hiện vẫn chỉ là một tập đoàn kiếm tiền chủ yếu dựa vào mạng xã hội, trong bối cảnh tình hình tài chính ngày càng trở nên áp lực vì mải mê đốt tiền vào tham vọng nhà sáng lập.

Theo: The Verge, BI 

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên