MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2/3 lao động Việt không đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng

09-11-2012 - 17:02 PM |

66% người sử dụng lao động nước ngoài không hài lòng với chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực Việt.

Con số này ở các doanh nghiệp trong nước là 36%. 

Thông tin đưa ra từ cuộc khảo sát giữa Ngân hàng thế giới (WB) và Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) một trong những đơn vị nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam, với sự tham gia của 350 công ty thuộc lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Theo báo cáo này, thiếu hụt lao động có kỹ năng đều là trở ngại đối với cả DN trong và ngoài nước. 

Hơn 60% các công ty nước ngoài nhận xét lực lượng lao động có sẵn gây trở ngại trong quá trình sản xuất của họ, trong đó gần 30% các công ty coi đây là trở ngại lớn. Với công ty trong nước, tỷ lệ trên lần lượt là 40% và gần 17%.

Với lao động được đào tạo nghề, 31% công ty nước ngoài được hỏi đánh giá lực lượng này là trở ngại lớn với họ. Con số trên với các công ty trong nước là gần 23%.

Các kỹ năng được đưa ra đánh giá bao gồm khả năng giải quyết vấn đề, trình bày, khả năng đọc viết,  tư duy phản biện, khả năng ngoại ngữ và kỹ năng làm việc theo nhóm

Các lĩnh vực bị than phiền nhiều gồm: quản lý (71%), văn phòng (57%), dịch vụ - bán hàng (46%),…

Ông Christian Bodewig, Trưởng ban Phát triển Con người của WB tại Việt Nam cho biết “Nền kinh tế của Việt Nam, của các nước láng giềng và của các đối thủ cạnh tranh đang thay đổi nhanh chóng. Mức lương tăng ở các quốc gia Đông Nam Á là một dấu hiệu cho thấy các việc làm chi phí thấp, tay nghề thấp sẽ mất đi nhanh chóng hơn so với việc xây dựng một lực lượng lao động được giáo dục và đào tạo phù hợp cho các việc làm kỹ thuật cao. nếu Việt Nam muốn đi trước đón đầu thì đây là thời điểm phù hợp để bắt đầu hành động”.

Ông Vũ Tuấn Anh, GĐ điều hành Viện nghiên cứu và đào tạo về quản lí (VIM) cho rằng, lao động của Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng lao động Việt, hướng tới mô hình giá trị gia tăng hay đầu vào cao hơn

“20 năm sau khi chuyển đổi mô hình kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đều dựa trên giá rẻ: từ giá nhân công, nguyên vật liệu, trong các nhà xưởng. Mô hình kinh doanh giá rẻ như vậy không phù hợp nữa. Nếu chỉ làm như vậy chúng ta sẽ chỉ tự kéo nhau đi xuống, DN Việt sẽ tự chặn lối thoát của mình”.

“DN chê người lao động thiếu kỹ năng nhưng nhân lực yếu kém lại ảnh hưởng đến DN đầu tiên, sau đó mới tới các trường đào tạo. Nhân lực thấp dẫn tới năng suất thấp và DN cũng không thể phát triển”, ông Tuấn Anh cho biết.

Để giải quyết vấn đề này, theo chuyên gia của WB, cần có sự hợp tác giữa cả nhà trường, người lao động và nhà tuyển dụng.

“Cải cách giáo dục thường khó đạt được thành công nếu nó đến từ chỉ thị của các quan chức chính phủ. Kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới cho thấy rằng để chuẩn bị lực lượng lao động Việt Nam trong tương lai đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp, các trường phổ thông và các trường đại học, cha mẹ và học sinh, các cơ quan có thẩm quyền các cấp. Những người sử dụng lao động cần truyền đạt những gì họ đang tìm kiếm và phải đảm bảo tất cả mọi người đều nhận được thông điệp này.”

“Tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp và làm việc theo nhóm là các kỹ năng cần thiết cho tương lai”, ông Christian nhận định.

Quốc Dũng

dungtq

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên