Việt Nam cần giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn ODA
Việt Nam không còn nhận được ODA dồi dào như trước, phải tiếp cận, huy động cả các nguồn vốn đắt hơn với các điều kiện khắt khe hơn.
- 04-06-2016Công trình trồng rau an toàn tiền tỉ từ nguồn vốn ODA bị bỏ hoang phế
- 17-06-2015Đề xuất thí điểm đầu tư nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ODA
Việt Nam đã thành công nhiều mặt khi thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của các nhà tài trợ. Việt Nam đã từ một nước nghèo vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. Đây là một thành công lớn nhưng cũng đặt ra thách thức trong tương lai không xa, Việt Nam không còn nhận được ODA dồi dào như trước, phải tiếp cận, huy động cả các nguồn vốn đắt hơn với các điều kiện khắt khe hơn...
Với thời hạn cho vay kéo dài hàng chục năm và mức lãi suất ưu đãi, nguồn vốn ODA thực sự đã góp phần tạo cho nền kinh tế Việt Nam một diện mạo mới chỉ trong vòng hơn một thập kỷ qua khi được đầu tư tập trung cho các lĩnh vực trọng điểm như: giao thông, năng lượng điện, nông, lâm nghiệp - thủy sản, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ - môi trường, cấp thoát nước, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, cải cách kinh tế…
Tuy nhiên, theo công bố mới đây của Bộ Tài chính, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình nên mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt.
Cùng với đó, đến tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng sẽ chấm dứt ODA ưu đãi với Việt Nam và Việt Nam phải chuyển sang sử dụng nguồn vay kém ưu đãi, tiến tới vay theo điều kiện thị trường.
Sau Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho biết, theo kế hoạch, kể từ 1/1/2019, Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ ngừng một phần ưu đãi gói viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết: "Quyết định ngừng vốn vay ưu đãi từ Quỹ phát triển Châu Á cho Việt Nam sẽ dựa trên đánh giá về vị thế của Việt Nam đang ở đâu và triển vọng của Việt Nam sẽ thế nào. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là vào một thời điểm nào đó, Việt Nam cũng sẽ không được vay vốn ưu đãi từ Quỹ phát triển Châu Á".
Theo các chuyên gia kinh tế, ODA từ lâu được coi như một “bầu sữa” quý giá đối với sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Vay nợ ODA, Việt Nam không phải lo đến thời hạn phải trả, cũng như không bị áp lực về lãi suất.
Đặc biệt, giai đoạn 2016 – 2020, tổng nhu cầu huy động và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Việt Nam là rất lớn, khoảng 39,5 tỷ USD. Nếu không có nguồn vốn ODA, Việt Nam sẽ thiếu vốn để giải quyết những nhu cầu cấp bách của nền kinh tế.
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, cho hay: Nếu như trước đây, trong giai đoạn trước 2010, khoản vốn vay thường 30-40 năm thì trong giai đoạn như hiện nay chỉ còn 20-25 năm và đối với nhiều nhà tài trợ có khi chỉ còn 10 năm. Bây giờ thời gian vay thì ngắn hơn, chi phí vốn để có các khoản vay ODA cũng ở mức 2% - đắt hơn rất nhiều.
Về lâu dài, theo ông Long, đối với những lĩnh vực có khả năng xã hội hóa hay hoàn vốn trực tiếp của dự án thì sẽ phải chuyển sang cơ chế thị trường. Phải đi vay vốn thương mại thì đương nhiên là các dự án đầu tư mà không thuộc trách nhiệm của ngân sách nhà nước phải cấp phát nữa thì chúng ta phải huy động vốn từ thương mại.
Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, với việc thu hẹp nguồn vốn ODA trong thời gian tới, gánh nặng trả nợ sẽ bị áp lên người dân và doanh nghiệp thông qua thuế, phí.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, vẫn có thể nhìn thấy mặt tích cực khi Việt Nam không còn quá phụ thuộc vào ODA nữa, bởi vay thương mại, lãi suất cao, áp lực trả nợ lớn, buộc người đi vay phải có những tính toán để sử dụng nguồn vốn vay sao cho hiệu quả nhất.
"Về cơ bản, muốn nâng cao hiệu quả sử dụng vốn thì phải gắn trách nhiệm sử dụng vốn với một đơn vị hoặc một cá nhân nào đó. Vừa rồi, Chính phủ dự định nguồn vốn ODA sẽ về cho vay lại chứ không mang tính cấp phát như trước. Địa phương như vậy sẽ phải tính nếu như những nguồn vốn đấy có thể mang lại hiệu quả từ việc thu phí, thu thuế để có thể trả nợ được thì họ có thể sẽ vay, còn nếu như dự án mà không hiệu quả, không thể trả nợ thì sẽ vay ít hơn," ông Độ nói.
Thời gian qua, việc sử dụng vốn ODA thoải mái đã dẫn đến việc thất thoát, lãng phí. Do vốn dễ tiếp cận và trách nhiệm của người đi vay không cao nên đã dẫn đến thực trạng, nhiều dự án sử dụng vốn ODA kém hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc nền kinh tế cần giảm dần phụ thuộc vào nguồn vốn ODA. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tái cấu trúc dòng vốn ODA, xác định lĩnh vực, ngành trọng tâm ưu tiên dùng vốn ODA và vốn vay ưu đãi để hỗ trợ thực hiện các ưu tiên phát triển, các đột phá chiến lược./.
VOV