MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam cần nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để đón đầu làn sóng FDI mới

25-06-2020 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Dù vốn FDI có dấu hiệu chững lại do Covid-19, song theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư mới sau đại dịch nếu cạnh tranh được với những điểm đến hấp dẫn khác.

Cơ hội cho Việt Nam

Theo Báo cáo Đánh giá khả năng ảnh hưởng kinh tế của Covid-19 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới công bố tháng 5/2020, do hậu quả của đại dịch Covid 19, nền kinh tế toàn cầu có thể chịu thiệt hại từ 5,8 nghìn tỷ đến 8,8 nghìn tỷ đô la Mỹ, tương đương 6.4% đến 9.7% GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội vàng hiếm có cho các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam bởi nhiều quốc gia và tập đoàn kinh tế lớn đã rút ra những bài học kinh nghiệm quí giá từ đại dịch Covid đó là sự cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn cung, tránh phụ thuộc vào một nền kinh tế hay một quốc gia để giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng.

Để thu hút vốn đầu tư, đón làn sóng chuyển dịch mới, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định số 850/QĐ-Ttg thành lập tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài vào ngày 17/6 vừa qua

Ngày 19/6 vừa qua, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã phối hợp cùng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm Kết nối thương mại, đầu tư Hoa Kỳ - Đà Nẵng nhằm trao đổi thông tin và cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Đà Nẵng

Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút làn sóng FDI mới

Để nắm bắt cơ hội vàng hiếm có này, Việt Nam cần phải vượt qua những thách thức đang trực tiếp ảnh hưởng lên môi trường đầu tư như sự thiếu ổn định về chính sách, các qui định pháp luật chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, gây ra những khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện; cơ sở hạ tầng cho các hoạt động logistic chưa phát triển đồng bộ; nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao còn hạn chế, … Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần đối thoại, phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp để xem xét, rà soát những quy định chưa phù hợp với thực tế hay thông lệ quốc tế, hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện đầu tư thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho các nhà đầu tư.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019, ông Takahisa Onose, Đại diện Nhóm Công tác Thuế & Hải quan đã chia sẻ quan điểm về một vấn đề nổi cộm mà doanh nghiệp nào cũng quan tâm –các nguyên tắc trong lĩnh vực thuế và kế toán. Theo ông Takahisa, Việt Nam cần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư rằng khi phải đối mặt với những thách thức và cơ hội từ các mô hình kinh doanh và giao dịch mang tính đổi mới và phức tạp, cơ quan thuế Việt Nam sẽ có cơ chế chính sách công bằng và hợp lý trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cốt lõi. Áp dụng các nguyên tắc thuế cốt lõi cho những vấn đề như khấu trừ chi phí hợp lý, ghi nhận doanh thu, định giá mua bán ngoài cho những giao dịch liên quan đến các khu vực tài phán có thuế suất khác… sẽ giúp củng cố niềm tin rằng cơ quan thuế đã và đang tích cực tiếp thu và hoàn thiện

Bên cạnh đó đại diện của nhóm công tác về thuế và hải quan tại diễn đàn cũng nhấn mạnh : "Quyền được khiếu nại độc lập không thông qua hệ thống tòa án đối với các quyết định hay kết luận về thuế là một nguyên tắc cơ bản tồn tại ở gần như tất cả các khu vực tài phán và Việt Nam cũng nên có quy định này, đồng thời chỉ nên áp dụng các biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc như phong tỏa tài khoản ngân hàng sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp khắc phục hợp lý và quy trình khiếu nại đã kết thúc".

Thực tế hiện nay các doanh nghiệp ở Việt Nam hầu như không có cơ hội khiếu nại các quyết định hay kết luận thanh tra thuế trước khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế như phong tỏa tài khoản hay vô hiệu các hóa đơn giá trị gia tăng. Chính vì vậy, quyền được khiếu nại và giải quyết khiếu nại với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn độc lập và những cơ hội được đối thoại, giải trình với các cơ quan quản lý ở các cấp cần được coi là những quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư vào một môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch.

Cũng ở diễn đàn này, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch AmCham cho rằng, xây dựng một khung pháp lý công bằng, minh bạch, ổn định và hiệu quả mà trong đó coi trọng sự đổi mới sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút, duy trì và phát triển thương mại và đầu tư chất lượng cao, bao gồm và thông qua các doanh nghiệp thành viên AmCham.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên