Việt Nam có đang bỏ lỡ cơ hội từ kinh tế đêm để tạo ra một trạng thái "bình thường mới" tốt hơn cho ngành du lịch hậu Covid-19?
Từng là "cứu cánh" cho du lịch châu Á hậu Sars, lần này, kinh tế đêm lại tiếp tục được đẩy mạnh tại Trung Quốc để thúc đẩy tiêu dùng, hồi sinh ngành công nghiệp không khói.
- 20-05-2020CEO Vietravel: Bình thường mới của ngành du lịch Việt Nam là không có khách hoặc rất ít khách nên cần kích cầu mạnh!
- 12-05-2020CEO Brand Finance châu Á – Thái Bình Dương: Việt Nam không bao giờ được phép lãng phí một cuộc khủng hoảng như Covid-19!
12 giờ đêm, tất cả các hàng ăn, quán nước, quán karaoke… phố cổ Hà Nội đều phải đóng cửa. Chỉ còn lại lác đác ánh đèn ở Circle K. Một vài cửa hàng bánh cuốn nóng, trà đá còn sáng đèn nhanh chóng bị nhắc nhở đóng cửa. Các khu phố Tây như Tạ Hiện và Lương Ngọc Quyến thường ngày vẫn còn ồn ào nhưng giờ cũng vắng đi nhiều vì chỉ còn khách Việt.
Ở các tỉnh thành phố khác của Việt nam, các hoạt động kinh tế, du lịch về đêm thậm chí còn kém phát triển hơn rất nhiều. Trong khi, nhiều chuyên gia nhận định kinh tế đêm sẽ là một cơ hội lớn để hồi phục nhanh chóng ngành du lịch sau khi bị ảnh hưởng quá lớn bởi đại dịch.
Xu hướng du lịch "hậu Sars"
Kinh tế đêm đã từng là một động lực lớn hồi phục tăng trưởng du lịch cho châu Á hậu Sars.
Năm 2003, dịch Sars bùng phát không chỉ gây ra khủng hoảng trong ngành du lịch nhiều nơi ở châu Á mà còn gây hoang mang trên toàn thế giới. Vào ngày 15/3/2003, WHO đã khuyến nghị áp dụng các hạn chế đi lại khẩn cấp.
Nhiều chính phủ thời điểm đó đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp để chống lại sự lây lan của căn bệnh. Họ kêu gọi cả doanh nghiệp và cá nhân duy trì việc đi lại và các cuộc họp không cần thiết ở mức tối thiểu.
Hong Kong là một trong những điểm du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Thời điểm đó, hình ảnh Hong Kong được mô tả là một "bệnh viện khổng lồ" với 7 triệu "bệnh nhân" đeo mặt nạ y tế chuyên dụng để phòng nguy cơ lây nhiễm. Số lượng khách quốc tế đến Thái Lan cũng sụt giảm nghiêm trọng, 70% khách châu Âu và 90% khách châu Á. Doanh thu của ngành công nghiệp không khói này thiệt hại 1 tỷ USD chỉ trong vòng 9 tháng. Singapore không tránh khỏi lâm vào cảnh khốn đốn, chỉ sau vài tuần, lượng khách quốc tế đã giảm 74% so với cùng kỳ. Các khu du lịch nổi tiếng như Công viên chim hay Sentosa gần như bỏ hoang. Sân bay Changi vốn tấp nập du khách nhất châu Á trở nên đìu hiu, tỷ lệ lấp đầy khách sạn chỉ còn ở mức 10%.
Sau Sars, hàng loại nền kinh tế châu Á phải chuyển mình sang hoạt động du lịch đêm để cứu ngành công nghiệp không khói này, và dần dần, du lịch đêm còn trở thành đặc trưng của nhiều địa điểm.
Dịch vụ mua sắm, giải trí về đêm đã hình thành ở ngóc ngách của Thái Lan, nổi tiếng phải kể đến Chatuchak, Rot Fai, Pratunam, Talad Neon, Patpong, Khao San Road… Thái Lan cũng tổ chức nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống như Calypso Cabaret và Siam Niramit.
Hong Kong cũng có chiến lược tương tự với điểm đến nổi tiếng nhất là Lan Kwai Fong. 2 khung giờ “cao điểm” ở Lan Kwai Fong là Happy Hour (từ 17h - 21h) và Spree Hour (sau 22h), thường có khuyến mãi 50% hoặc mua 1 tặng 1 để thu hút khách hàng tại tất cả các quán bar.
Tại Singapore, du khách luôn hào hứng với những màn trình diễn ánh sáng hoành tráng tại Marina Bay Sand, các buổi tiệc tại bờ biển đảo Sentosa, vườn thú về đêm độc đáo ở Rainforest Lumina & Night Safari và các quán bar lớn, nhở ở khu vực bến tàu Clarke Quay.
Từ đó, du lịch đêm không chỉ còn gói gọn ở một vài con phố, một vài khu chợ đêm, mà đã trở thành "bình thường mới" đối với du lịch châu Á.
Trạng thái "bình thường mới" của du lịch đêm Trung Quốc
Kinh tế đêm cũng chính là một trong những yếu tố góp phần hồi sinh ngành du lịch hậu Covid-19 cho Trung Quốc - nơi được cho là điểm bùng phát đầu tiên của dịch bệnh.
Vì buộc phải tuân thủ các quy định giãn cách để tránh dịch bùng phát mạnh trở lại, Chính phủ Trung Quốc và chính quyền các tỉnh thành phố đang nỗ lực khuyến khích các hoạt động và sự kiện vào ban đêm trong nỗ lực lớn để tái khởi động nền kinh tế. Đầu tháng này, Thượng Hải và Thiên Tân đã mở lại các hội chợ đêm giữa lúc các biện pháp chống dịch vẫn còn được thực hiện nghiêm ngặt.
Chính quyền địa phương đã tặng các phiếu mua hàng với tổng trị giá hàng tỷ CNY tại hơn 50 thành phố của Trung Quốc kể từ giữa tháng 3 thông qua các ứng dụng di động của Alipay, Meituan, Dianping và WeChat.
Những biện pháp này đã mang lại kết quả rất lớn cho ngành du lịch và cả nền kinh tế trong kỳ nghỉ 5 ngày mới đây. Hầu hết các thành phố lớn báo cáo mức tăng tiêu thụ khổng lồ, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ, ăn uống và du lịch. Ở Bắc Kinh, chính nền kinh tế ban đêm đã thúc đẩy mức tiêu thụ lớn .
"Từ vài tuần trước, chúng tôi có thể nhận thấy rằng ngày càng có nhiều người trở lại trên đường phố. Tiêu dùng đã tăng trở lại, với các lễ hội mua sắm khác nhau ở nhiều thành phố, nhưng mọi người vẫn rất cẩn thận và các biện pháp vệ sinh phòng dịch vẫn còn được thực hiện", Aurelien Rigart, một doanh nhân người Pháp sống ở Trung Quốc nói.
"Các thành phố cũng đang thích nghi dần, củng cố an ninh, lên kế hoạch cho các chương trình ban đêm. Hơn 100 triệu CNY đã được chính quyền địa phương đầu tư để hỗ trợ nền kinh tế cuộc sống về đêm của họ. Hầu hết các doanh nghiệp và dịch vụ đều kéo dài thời gian mở cửa", ông nói. "Nền kinh tế ban đêm sẽ tiếp tục đóng góp một phần đáng kể của toàn bộ nền kinh tế quốc gia trong một thế giới hậu Covid-19. Covid-19 sẽ thay đổi các doanh nghiệp, dịch vụ sang một trạng thái "bình thường mới" tạo ra một nền kinh tế 24 giờ an toàn và khả thi cho cộng đồng.
Việt Nam có đang bỏ lỡ thời cơ?
Dịch Covid-19 đã khiến Việt Nam phải tạm ngưng nhận khách quốc tế, thực hiện các biện pháp xã hội nghiêm ngặt, làm ngành du lịch gần như đóng băng. Giờ đây, dù đã mở cửa trở lại với du lịch nội địa, toàn ngành chật vật với nhiều khó khăn khi khách quốc tế thì chưa có lại, khách nội địa thì phải "tranh nhau".
Ở Việt Nam, Đà Nẵng đang là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Theo thống kê, tổng thiệt hại của các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch, vận chuyển đến ngày 14/2 ước tính khoảng 685 tỷ đồng. Tổng lượng khách đến Đà Nẵng trong quý I/2020 ước gần 1,3 triệu lượt, giảm 31,2 % so với cùng kỳ 2019.
Để cứu lấy sinh kế của các doanh nghiệp, người dân ở "đầu tàu" du lịch này, ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam nhận định: "Đà Nẵng cần chỉ đạo cho các nhà đầu tư lớn, những khu du lịch trọng điểm nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch về đêm. Từ đó, tăng thời gian nghỉ ngơi, sinh hoạt, mua sắm chi tiêu của du khách. Tiếp đó, cần có những cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích về thuế, phí, mặt bằng, sử dụng đất… để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư những sản phẩm kinh tế đêm".
Một số chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi để làm kinh tế đêm khi quy tụ được nhiều nhà đầu tư lớn. Hiện nhiều khu du lịch nổi tiếng như Bà Nà Hills, Sun World Danang Wonders… cũng chưa khai thác được du lịch đêm, một điều rất lãng phí.
Nền kinh tế ban đêm đã là một nỗi trăn trở của Thủ tướng từ lâu. Năm 2019, trong kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng nói: "Tôi mong các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn phát triển tốt kinh tế ban đêm, để thực hiện câu mà lần trước chúng ta đã trả lời trước Quốc hội: Làm gì để du khách đến đông hơn? Làm gì để du khách ở lâu hơn? Làm gì để du khách tiêu tiền nhiều hơn? Làm gì để du khách kể về những trải nghiệm thú vị ở Việt Nam, nhất là về ban đêm? Làm gì để du khách quay trở lại sớm nhất có thể?".
Thủ tướng cũng thừa nhận, kinh tế ban đêm cũng có mặt trái, nhưng chính vì vậy mà các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế ban đêm phải chú trọng công tác quản lý, không để tiêu cực xảy ra.
Thủ tướng chia sẻ: "Ban đêm mà tôi vào Cần Thơ, sầm uất lắm các đồng chí ạ! Còn một số các thành phố thì đến 22 giờ đêm đã không còn hoạt động gì về kinh tế, xã hội, giải trí. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng bắt đầu xây dựng một hướng kinh tế mới - kinh tế ban đêm". Phát triển kinh tế ban đêm được Thủ tướng nhận định là xu hướng mà các nước đang vận dụng, Việt Nam cũng nên tận dụng thời cơ này.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, CEO Vietravel, thực tế cho thấy chúng ta đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều nhưng những sản phẩm này chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ. Trong khi đó, các sản phẩm dịch vụ thu được nhiều tiền nhất là từ 6 giờ tối đến 2 giờ sáng, mang lại doanh thu khoảng 70% thì chúng ta lại không phát triển.
Mặc dù thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm đến xây dựng, phát triển các phố đi bộ ban đêm, một phần của kinh tế ban đêm. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch hợp lý nên hoạt động của các mô hình này chưa hiệu quả. Tại nhiều địa phương, những chương trình giải trí, văn hóa vào ban đêm cũng rất ít nên không hấp dẫn du khách.
Hiện tại, theo nhiều chuyên gia du lịch, trở ngại lớn nhất của ngành du lịch đang là việc vừa không có cách quốc tế, vừa vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội. Chúng ta bị hạn chế về không gian, nên lượng khách không thể quá lớn trong cùng một thời điểm. Thế nhưng nếu tính đến việc có thể mở rộng khoảng thời gian thì việc đón nhiều khách hơn là hoàn toàn khả thi.
Bằng cách kéo dài thời gian mở cửa của các địa điểm vui chơi giải trí, Việt Nam có thể thúc đẩy nền kinh tế hồi phục nhanh hơn. Cả một nền kinh tế sẽ có được nhu cầu cao hơn trong ngày. Sau khi Việt Nam mở cửa trở lại với du khách, việc kích thích kinh tế đêm cũng sẽ tiếp tục có lợi cho việc thu hút khách nước ngoài.