Việt Nam đã hết thời lao động giá rẻ?
Nếu như trước đây, Việt Nam thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài bởi lợi thế nguồn lao động dồi dào với giá nhân công rẻ thì nay điều này đã không còn là thế mạnh của Việt Nam. Bởi theo nhiều chuyên gia, với việc lương tối thiểu liên tục tăng qua các năm, đi cùng với đó là các chi phí về bảo hiểm, công đoàn cũng tăng lên, trong khi đó năng suất lao Động lại không có sự thay đổi rõ rệt, do đó Việt Nam đã không còn lợi thế này nữa.
- 26-05-2017Cách mạng 4.0: “Lợi thế của Việt Nam không phải là lao động giá rẻ”
- 01-05-2017Lao động giá rẻ trong ngành công nghiệp thời trang - nơi tuổi thơ là những cơn ác mộng
- 19-04-2017Hết thời lao động giá rẻ, "công xưởng thế giới" tiến hóa lên "Trung Quốc 2.0"
Mất dần lợi thế
Báo cáo nghiên cứu Xu hướng phân phối thu nhập và tiền lương ở Việt Nam của Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã chỉ rõ, tốc độ tăng tiền lương thực tế bình quân hàng tháng của lao động làm công hưởng lương giai đoạn 2010- 2016 là khá nhanh với 12,59%. Tốc độ này cao hơn khá nhiều so với tốc độ tăng GDP và năng suất lao động, mức tăng này cũng khá cao trong bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lao động Việt Nam không còn sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đánh giá về khả năng cạnh tranh quốc tế của Việt Nam, ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho rằng, trong những năm qua, mức tăng lương tối thiểu hàng năm tại Việt Nam đã vượt đáng kể so với chỉ số CPI. Kết quả là, mức lương tối thiểu hiện tại của Việt Nam (ở khu vực 1) cao hơn mức lương ở lĩnh vực công nghiệp chính của Phillipines, trong khi Malaysia và Thái Lan đã hạn chế tăng lương tối thiểu. Nếu bao gồm cả chi phí về phúc lợi xã hội và công đoàn thì chi phí lao động ở Việt Nam đã ngang bằng với chi phí lao động ở Thái Lan.
Trong khảo sát đối với doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tại Việt Nam 75,5% doanh nghiệp đã trả lời rằng việc tăng lương đang ảnh hưởng tới việc kinh doanh, bên cạnh Indonesia và Trung Quốc, tiền lương tăng đang là vấn đề kinh doanh lớn nhất. Để cắt giảm chi phí, tỷ lệ doanh nghiệp nỗ lực thực hiện tự động hóa sản xuất cũng đang cao hơn các nước khác.
“Tất nhiên, việc tăng lương tối thiểu sẽ góp phần mở rộng nhu cầu trong nước nhưng với tốc độ tăng nhanh như vậy chúng tôi lo ngại rằng Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh tương đối so với các nước láng giềng. Những ngành đầu tàu trong nền kinh tế Việt Nam như may mặc, giày da hay ngành công nghiệp gia công xuất khẩu lại chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự điều chỉnh tăng này. Để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam với vai trò là một nước sản xuất, tôi cho rằng vấn đề hết sức quan trọng là Việt Nam cần làm giàu môi trường công nghiệp để tạo ra các giá trị gia tăng ngoài khả năng cạnh tranh về chi phí lao động”, ông Hiroshi Karashima nhấn mạnh.
Trước cuộc cách mạng 4.0, lao động giá rẻ sẽ dần bị mất vị trí là một nguồn lợi thế cạnh tranh vào tay các quy trình sản xuất tự động, bắt đầu từ giai đoạn thiết kế xuyên suốt đến giai đoạn thử nghiệm, sản xuất thương mại, giao hàng và dịch vụ hậu mãi và bảo hành. Mọi giai đoạn trong chuỗi cung ứng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Công ăn việc làm của hàng triệu người hiện nay có thể sẽ bị mất trong một hoặc hai thập kỷ tới và được thay thế bằng các công việc mới đòi hỏi các kỹ năng mới và tiên tiến hơn. Lao động tay nghề thấp, làm trong những những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, chế biến thủy hải sản, dịch vụ bán lẻ..., nơi có số lượng doanh nghiệp và số lao động đang làm việc đông, sẽ có nguy cơ bị thay thế bởi các quá trình tự động hóa và robot. Điều này sẽ làm mất lợi thế về lao động giá rẻ của Việt Nam.
Thiếu vắng lao động chất lượng cao
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, dù năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm nhưng vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore; 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia.
Nhưng cơ cấu lao động theo trình độ và lao động qua đào tạo vẫn còn rất thấp. Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, tương quan giữa lao động có trình độ đại học trở lên – cao đẳng – trung cấp – sơ cấp (năm 2015) là 1 – 0,35 – 0,63 – 0,38 và hậu quả là sự thiếu hụt rõ ràng lao động có kỹ năng thực hành, thiếu trầm trọng công nhân kỹ thuật bậc cao. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến - chế tạo, ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ chiếm 9% tổng số lao động trình độ cao, trong khi với các nước phát triển tỷ lệ này lên đến 40 - 60%.
Thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực lao động việc làm Việt Nam là cơ cấu lao động lạc hậu và trình độ lao động thấp. Đa số việc làm ở Việt Nam đều thuộc loại có trình độ tay nghề thấp và dễ bị tự động hóa. Những lao động không có tay nghề hoặc tay nghề thấp sẽ có nguy cơ bị mất việc làm hoặc khó tìm việc làm (do bị thay thế bởi robot). Đồng thời, những doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ lạc hậu hoặc dựa trên việc sử dụng nhân công trình độ thấp sẽ mất lợi thế cạnh tranh và dần dần bị tụt hậu dẫn đến phá sản.
Và tất nhiên, nếu chỉ thu hút đầu tư bằng lợi thế nhân công giá rẻ, thì thật đáng lo ngại khi lao động của chúng ta không tham gia được vào chuỗi sản xuất đòi hỏi trình độ công nghệ cao. Vì vậy, thách thức lớn nhất đối với lao động Việt Nam là tăng năng suất lao động bởi với sự tự động hóa trong các dây chuyền sản xuất sẽ đặt ra những yêu cầu về kỹ năng, tay nghề và cách thức làm việc đối với lao động.
Theo nhiều chuyên gia, lao động giá rẻ thời kỳ hội nhập sẽ không còn là việc lao động trẻ, chăm chỉ, với mức lương thấp mà sẽ là lao động có kỹ năng, có tay nghề và mức lương sẽ được trả theo nguyên lý một ngày lao động đó sẽ làm ra được bao nhiêu sản phẩm hoặc tạo ra được bao nhiêu lợi nhuận. Cùng với số tiền bỏ ra, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn những nước có nguồn lao động chất lượng cao. Do đó, điều chúng ta cần bây giờ là đầu tư để xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao.
Việc cần làm ngay đó là nâng cao chất lượng đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ công nhân có kỹ năng và tay nghề để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu có mức giá trị gia tăng cao hơn thay thế cho lợi thế nhân công giá rẻ như hiện nay. Bởi, muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta không thể cứ ở trình độ gia công mãi như hiện nay.
Báo hải quan