MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam được gì sau hơn 1 năm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung?

Vốn FDI cấp mới từ Trung Quốc 7 tháng tăng 290% so với cùng kỳ 2018. Chưa thể nói rạch ròi chiến tranh thương mại làm dịch chuyển dòng vốn FDI.

Là nước có quan hệ thương mại, đầu tư lớn với Trung Quốc và Mỹ, sau hơn 1,5 năm căng thẳng thương mại bùng nổ, quan hệ về đầu tư và xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các thị trường này có sự thay đổi.

Vốn FDI chuyển dịch nhưng chưa đủ thông tin kết luận

Vốn FDI - đặc biệt là phần vốn đăng ký cấp mới từ Trung Quốc vào Việt Nam được ghi nhận tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2019. Sau 7 tháng, vốn đăng ký cấp mới của Trung Quốc là gần 1,79 tỷ USD, tăng 290% so với cùng kỳ năm 2018.

Hiện có nhiều thông tin về việc các doanh nghiệp dự định chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam, tuy nhiên, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành & doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin & Dự báo xã hội quốc gia, cho rằng, hiện chưa đủ cơ sở để thấy rõ dòng dịch chuyển này do chiến tranh thương mại. Thực tế, có nhiều yếu tố dẫn tới bùng nổ đầu tư FDI. Vốn FDI vào Việt Nam được ghi nhận tăng mạnh từ những năm 2016, 2017, trước khi cuộc chiến xảy ra.

Việt Nam được gì sau hơn 1 năm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung? - Ảnh 1.

Vốn FDI các quốc gia, vùng lãnh thổ vào Việt Nam 7 tháng đầu năm. Số liệu: Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

"Khó có thể nói rạch ròi chiến tranh thương mại làm dịch chuyển dòng vốn FDI. Muốn có được kết luận chính xác phải xem xét thật kỹ các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nào, có mục đích tránh thuế hay không", ông Thắng nói.

Chuyên gia phân tích, nếu dịch chuyển với mục đích tránh thuế của Mỹ, doanh nghiệp FDI sẽ tập trung vào nhóm lắp ráp nhiều hơn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư và tiến độ sản xuất. "Hiện chúng tôi chưa có đủ thông tin về từng dự án của Trung Quốc có đúng theo mô hình đó không. Tuy nhiên, những dự án lớn gần đây theo tôi biết đều nhằm cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, tận dụng lợi thế của các FTA như CPTPP và đón đầu EVFTA", ông Thắng cho hay.

Thực tế chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa thực sự gây ra tác động đủ lớn để doanh nghiệp phải đưa ra quyết định dịch chuyển sản xuất. Phải đến năm 2020 và năm 2021 mới có thể nói xu thế dịch chuyển FDI có thực sự diễn ra hay không.



Việt Nam được gì sau hơn 1 năm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung? - Ảnh 2.

Một dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Nhà đầu tư cũng không thể quyết định quá gấp cho việc chuyển hướng đầu tư khi căng thẳng thương mại chưa ngã ngũ. Theo ông Thắng, chỉ trong trường hợp kéo quá dài và không giải quyết được xung đột thương mại, xu hướng dịch chuyển vốn mới có đột biến rõ hơn.


Phân tích về dòng vốn Trung Quốc trước đó, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR) cho hay, tuy tăng nhanh nhưng vốn FDI Trung Quốc không quá đặc biệt. Nước này đầu tư khá đều cả về địa bàn phân bổ cũng như ngành nghề.

Một số mặt hàng hưởng lợi xuất nhập khẩu


Tại báo cáo Triển vọng thương mại và dòng vốn đầu tư FDI công bố mới đây, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 40% trong quý I.


Khi đối chiếu mã HS trong danh sách đánh thuế trị giá 250 tỷ USD của Mỹ lên Trung Quốc với danh sách hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam, đơn vị này nhận thấy các ngành trọng điểm đều tăng trưởng vượt bậc và bỏ xa mức trung bình quý I của 3 năm trước đó. Mặt hàng nhựa và nguyên phụ liệu dệt may tăng trưởng mạnh nhất. Về quy mô, sản phẩm nội thất và máy móc thiết bị có mức đóng góp cao nhất.


"Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại Việt Nam là những người hưởng lợi nhiều nhất trong thời gian qua", báo cáo ghi nhận. Tuy nhiên, các mặt hàng trong danh sách trên chỉ chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam.


Theo VDSC, tác động lan tỏa từ các ngành này nhìn chung chưa cao do tập trung nhiều vào nguyên phụ liệu hơn là các mặt hàng tiêu dùng. Điển hình như ngành dệt may, các mặt hàng Trung Quốc hiện tại bị Mỹ đánh thuế vốn là các loại nguyên phụ liệu, sợi vải, sản phẩm mà Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong trường hợp Mỹ đánh thuế gần 300 tỷ USD hàng còn lại từ Trung Quốc như đe dọa gần đây, ảnh hưởng sẽ trở nên sâu rộng hơn khi tác động trực tiếp vào các mặt hàng tiêu dùng.  Đơn cử như các sản phẩm may mặc xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam.


Hầu hết các ngành đều nhập khẩu từ Trung Quốc vượt trội so với cùng kỳ các năm trước. Nhập khẩu nhiều nhất ở 3 nhóm ngành chính gồm nhóm hàng thâm dụng lao động (dệt may và đồ gỗ), nhóm hàng chế biến & giao thương trong khu vực (thực phẩm, giấy, nhựa và cao su, sản phẩm kim loại, và vật liệu xây dựng) và sáng tạo toàn cầu (sản xuất máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử).


"Với điều kiện sản xuất hiện tại của Việt Nam, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu và hàng hóa trung gian từ Trung Quốc để sản xuất là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, quan ngại đến từ các mặt hàng xuất khẩu chứa hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất tại Việt Nam thấp", VDSC khuyến cáo.


Theo Nam Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên