MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam - EU ký EVFTA, thuế về 0% nhưng dệt may, giày dép trong ngắn hạn có thể gặp bất lợi

EVFTA mở ra cả cơ hội, thách thức cho Việt Nam. Hiệp định này có hiệu lực giúp tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng thêm 0,48% điểm. Các ngành như dệt may, giày dép được hưởng lợi nhiều nhất.

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới có báo cáo chuyên đề “Cơ hội cho nhiều ngành thế mạnh của Việt Nam khi EVFTA được ký kết và phê chuẩn”, theo đó đánh giá EVFTA mở ra cơ hội cho nhiều ngành thế mạnh hiện nay của Việt Nam khi lộ trình cam kết về giảm thuế hoàn tất (phổ biến từ 3-7 năm).

Theo đó, các ngành nông sản, dệt may, giày dép của Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn. Mặc dù vậy, cần lưu ý là ngay trong ngắn hạn, các ngành hàng trên có thể gặp bất lợi nhất định do trong thời gian chờ thuế được giảm về 0% theo lộ trình của EVFTA, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ không còn được hưởng mức thuế GSP mà phải chuyển sang chịu mức thuế MFN cao hơn.

EVFTA có lỏng hơn so với CPTPP nhưng vẫn đặt ra nhiều thách thức

Cụ thể, đối với ngành dệt may, để có thể được giảm thuế theo quy định tại hiệp định, các sản phẩm phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ, thỏa mãn 2 điều kiện là vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU và việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU. Tuy nhiên, hiệp định EVFTA cũng có cam kết linh hoạt về quy tắc xuất xứ cộng gộp.

Tiêu biểu là đối với trường hợp nếu vải được doanh nghiệp sử dụng có xuất xứ từ nước có FTA với EU và cả Việt Nam (như Hàn Quốc) thì sản phẩm của doanh nghiệp cũng được coi là xuất xứ hợp lệ để được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại hiệp định EVFTA.

Nếu có thêm bất kỳ nước nào trong tương lai có hiệp định FTA với cả Việt Nam và EU như trường hợp của Hàn Quốc thì Việt Nam sẽ thông báo cho Ủy ban Hải quan của EVFTA và Ủy ban này sẽ quyết định việc có cho phép cộng gộp hay không. Mặc dù quy tắc xuất xứ trong EVFTA có lỏng hơn so với CPTPP nhưng vẫn đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam. Nguyên nhân là do phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chỉ thực hiện công đoạn may cắt chứ chưa sản xuất vải và sợi.

Thêm vào đó, nguyên liệu (vải) mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc và Đài Loan – là những nước chưa có hiệp định FTA với EU. Do vậy, để có thể tối đa hóa lợi ích thu được từ EVFTA, cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp dệt và công nghiệp phụ trợ ngành dệt may nhằm cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp may – cắt.

Thêm vào đó, cần phải tăng cường việc sử dụng vải có xuất xứ từ Hàn Quốc sớm để có thể tận dụng được lợi ích từ hiệp định EVFTA trong khi ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển kịp. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tận dụng việc hiệp định EVFTA ký kết và nhập khẩu các nguyên vật liệu (đặc biệt là vải) có xuất xứ từ châu Âu, qua đó nâng cao giá trị và chất lượng của sản phẩm.

Về xuất khẩu nhóm sản phẩm dệt may được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà Việt Nam hiện ít gia công (sản phẩm may mặc) hoặc xuất khẩu vào EU (ví dụ nguyên liệu dệt may).

Do đó Việt Nam sẽ ít được hưởng lợi từ nhóm cam kết này. Cơ hội trong ngắn hạn sẽ đến với các doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu xơ sợi, nếu tìm kiếm được khách hàng EU sẽ được hưởng lợi từ các cam kết này (bởi mức thuế MFN mà EU đang áp dụng là khoảng 6-8%). Nhóm sản phẩm EU cam kết loại bỏ thuế theo lộ trình bao gồm phần lớn các sản phẩm may mặc mà Việt Nam đang xuất khẩu sang EU.

Hiện tại, nhóm này đang được hưởng mức thuế ưu đãi trung bình là 9% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP - ưu đãi mà EU đơn phương dành cho cho các sản phẩm chưa có năng lực cạnh tranh tốt từ các nước đang/kém phát triển nhất định theo các tiêu chí mà EU quyết định).

Việt Nam - EU ký EVFTA, thuế về 0% nhưng dệt may, giày dép trong ngắn hạn có thể gặp bất lợi - Ảnh 1.

Các mặt hàng Việt Nam xuất sang EU và nhập từ EU

Sau khi EVFTA có hiệu lực, GSP sẽ tự động chấm dứt, các mức thuế nhập khẩu đối với hàng may mặc sẽ giảm dần đều xuống 0% tính từ mức MFN (khoảng 12%) theo lộ trình 3-7 năm.

"Như vậy, trong một vài năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn các sản phẩm may mặc sẽ chưa được hưởng lợi từ EVFTA (do mức thuế giảm từ 12% vẫn sẽ cao hơn mức 9% theo GSP). Nhưng khi lộ trình cắt giảm thuế kết thúc, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ hưởng lợi đáng kể từ EVFTA do các ưu đãi thuế quan theo EVFTA là ổn định (trong khi GSP thì biến động tùy vào quyết định mỗi năm của EU) và giảm dần xuống 0%", báo cáo của BVSC nêu.

Bên cạnh đó, phần lớn các nước xuất khẩu dệt may vào EU hiện nay đều chưa có FTA với EU do vậy nếu các doanh nghiệp Việt đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ thì EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu dệt may Việt Nam.

Một vài năm đầu, giày da thậm chí bị ảnh hưởng bất lợi

Đối với ngành giày dép, trong nhiều năm, EU luôn là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam. Trong EVFTA, EU cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày dép (các loại giầy chống thấm cao su/nhựa, dép lê và dép đi trong nhà, nguyên phụ liệu ngành giày dép…). Số còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 đến 7 năm (phần lớn các loại giầy dép mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu thuộc nhóm này).

Tuy nhiên, tương tự như nhóm ngành dệt may, nhóm sản phẩm giày dép được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà Việt Nam ít gia công hoặc xuất khẩu vào EU. Do đó Việt Nam dự kiến sẽ ít được hưởng lợi từ nhóm cam kết này.

Với nhóm sản phẩm EU cam kết loại bỏ thuế theo lộ trình từ 3-7 năm bao gồm phần lớn các sản phẩm giày dép mà Việt Nam đang xuất khẩu sang EU. Hiện tại, nhóm này đang được hưởng mức thuế ưu đãi trung bình là 3-4% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP. Và khi EVFTA có hiệu lực, GSP sẽ tự động chấm dứt, các mức thuế nhập khẩu đối với giày dép sẽ giảm dần đều xuống 0% tính từ mức MFN (khoảng 12,4%) theo lộ trình 3- 7 năm.

Như vậy, trong một vài năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn các sản phẩm giày da sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA, thậm chí là bị ảnh hưởng bất lợi (do mức thuế giảm dần đều từ mức 12,4% vẫn sẽ cao hơn mức 3-4% theo GSP).

Theo Bảo Vy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên