MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam - Miền đất hứa với doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản

25-07-2016 - 12:24 PM | Tài chính quốc tế

Chán ngán với tình trạng dân số trong nước sụt giảm, các công ty bán lẻ Nhật Bản đang đổ xô sang Việt Nam đầu tư.

Với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu gia tăng và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, Việt Nam đang trở thành "cục nam châm" thu hút các đại gia bán lẻ Nhật Bản như Aeon, Takashimaya và Seven & i Holdings. Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn khi mà hoạt động kinh doanh của các tập đoàn trên đang gặp khó khăn do sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và tăng trưởng trì trệ ở Nhật Bản.

“Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh và tầng lớp trung lưu ở đây đang bùng nổ”, Nagahisa Oyama, giám đốc Aeon Việt Nam nói với Bloomberg. “Thị trường bán lẻ của Việt Nam đang phát triển nhanh với nhu cầu tiêu dùng lớn, đặc biệt là ở giới trẻ”.

Động lực đến từ dân số trẻ

Thống kê của chính phủ Nhật Bản cho thấy dân số nước này đã giảm kỷ lục trong năm 2015, đánh dấu năm giảm thứ bảy liên tiếp. Trong khi đó, theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, gần 60% trong số 93 triệu người dân của Việt Nam là dưới 35 tuổi. Ngoài ra, thu nhập bình quân của người Việt Nam đã tăng từ 433 USD vào năm 2000 lên 2.111 USD trong năm ngoái, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Điều này lý giải tại sao các doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản lại đổ xô đầu tư vào Việt Nam.

Aeon, nhà bán lẻ lớn nhất của Nhật Bản tính theo doanh số, hiện đang điều hành 4 trung tâm thương mại và 54 siêu thị ở Việt Nam. Số siêu thị của Aeon ở Việt Nam nhiều hơn gấp đôi số siêu thị của tập đoàn này ở Trung Quốc và chiếm 1/3 số siêu thị bên ngoài Nhật Bản của họ.

Aeon không phải là công ty Nhật Bản duy nhất muốn tìm kiếm lợi nhuận ở thị trường Việt Nam. Khoảng 20 công ty bán lẻ của Nhật Bản, từ nhà sản xuất sôcôla cho đến mỳ ăn liền và trà xanh, đã gặp gỡ các đối tác Việt Nam tiềm năng tại một hội thảo đầu tư vào hôm 20/7 tại Hà Nội. Hội thảo trên được đồng tổ chức bởi tập đoàn tài chính Mitsubishi của Nhật Bản và Ngân hàng Công thương Việt Nam.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn tìm kiếm cơ hội tăng trưởng ở nước ngoài. Quý II vừa qua, Aeon đã công bố quý lỗ ròng thứ ba liên tiếp trong vòng một năm qua. Dân số Nhật Bản sụt giảm và xu hướng chi tiêu ít hơn của người tiêu dùng nước này đã làm doanh số nội địa của Aeon lao dốc.

“Chúng tôi cho rằng sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới do sự tham gia của các nhà bán lẻ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan”, Oyama nói. Ông cho biết thêm liên doanh của Aeon với các chuỗi cửa hàng bán lẻ nội địa như Citimart và Fivimart sẽ giúp mở rộng thị phần của tập đoàn này tại Việt Nam.

Sự chuyển đổi của thị trường bán lẻ Việt Nam

Theo Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam đang đòi hỏi trải nghiệm mua sắm chất lượng hơn, khiến cho vị thế của chợ truyền thống trong thị trường bán lẻ ngày càng suy yếu. Theo một báo cáo trong tháng 6 của chính phủ, Việt Nam có gần 9.000 chợ truyền thống, 800 siêu thị và hơn 1 triệu cửa hàng tạp hóa nhỏ do các hộ gia đình quản lý. Báo cáo dự đoán, hoạt động mua sắm của người tiêu dùng ở các trung tâm thương mại và cửa hàng bán lẻ chính thức sẽ tăng từ 25% vào hiện tại lên 40% vào năm 2020.

Thị trường bán lẻ Việt Nam bắt đầu chuyển mình từ hai năm trước, do “các tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước tăng cường đầu tư để chiếm lĩnh thị phần”, Roberto Butragueño, phó giám đốc phụ trách mảng dịch vụ bán lẻ của Nielsen Việt Nam cho biết.

Người tiêu dùng ở Việt Nam cũng đang ngày càng trở nên khắt khe hơn. Theo khảo sát của Nielsen, 6 trên 10 người Việt Nam được hỏi kỳ vọng các cửa hàng sẽ ở gần nhà của họ hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng muốn các cửa hàng được tổ chức sao cho làm tăng trải nghiệm mua sắm của họ.

Cuộc chơi của các ông lớn

Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Takashimaya sẽ mở một trung tâm thương mại rộng 15.000 m2 tại Saigon Center, thành phố Hồ Chí Minh trong tháng này. Đây sẽ là trung tâm thương mại đầu tiên của tập đoàn này tại Việt Nam, đánh dấu hoạt động mở rộng kinh doanh sang các thị trường nước ngoài, đặc biệt là Đông Nam Á.

Dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam là lý do khiến Takashimaya đầu tư khoảng 5 tỷ yên (47 triệu USD) vào Việt Nam kể từ năm 2012, bao gồm trung tâm thương mại kể trên và các bất động sản khác.

Năm ngoái, đại gia cửa hàng tiện lợi Nhật Bản 7-Eleven đã ký thỏa thuận nhượng quyền thương hiệu với công ty Seven System Việt Nam như là một phần trong kế hoạch mở rộng kinh doanh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Không chỉ có người Nhật, ông lớn bán lẻ Hàn Quốc Lotte đã đặt mục tiêu mở 60 siêu thị ở Việt Nam vào năm 2020. Trước đó, tập đoàn TCC Holding của Thái Lan đã mua lại Metro với giá 665 triệu euro (720 triệu USD).

Các nhà bán lẻ trong nước cũng không ngồi yên nằm ngoài cuộc chơi. Vingroup đặt mục tiêu mở tới 500 siêu thị và 8.000 cửa hàng tiện lợi dưới thương hiệu VinMart và VinMart+ trong vòng 5 năm tới, bất chấp sự canh tranh gay gắt của các ông lớn bản lẻ nước ngoài.

Thế giới Di động, nhà bán lẻ điện thoại lớn nhất Việt Nam, đã lên kế hoạch mở các cửa hàng bán thực phẩm trong năm tới. Công ty này kỳ vọng mảng kinh mới sẽ tăng trưởng nhanh hơn điện thoại và đồ điện tử.

Long Nam

Bloomberg

Trở lên trên