MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam mới đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp

Việt Nam mới đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi bình quân các nước ASEAN là 80-100 người dân/doanh nghiệp...

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 sáng 26/6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, năm 2019, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến không thuận lợi so với những năm trước đây. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, nhiều nền kinh tế gặp khó khăn và suy giảm tăng trưởng. 

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, là một trong những điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và thế giới.

Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp

Năm tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát theo mục tiêu, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đạt thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Thị trường tiền tệ, ngoại hối và mặt bằng lãi suất khá ổn định, thanh khoản tốt.  Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản được bảo đảm. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục gia tăng.

Cả nước có gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cao nhất trong 5 năm qua và 19,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá, trong đó sản phẩm điện tử, máy vi tính, bắt đầu phục hồi sau 2 tháng liên tiếp tăng trưởng âm.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý 1/2019 so với quý 3/2018 cho thấy 85,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng tốt lên và ổn định.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Phó thủ tướng cho rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Năng suất, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ Việt Nam vẫn còn thấp.

Quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng… còn khó khăn; chi phí về vốn, logistics, thủ tục hành chính còn cao.

Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp. So sánh với một số nước, , trong khi bình quân các nước ASEAN là 80-100, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10-12 người dân/doanh nghiệp.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Việt Nam với mục tiêu phải phát triển kinh tế nhanh để tránh tụt hậu, giảm khoảng cách với các nước đang phát triển. Đồng thời phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Trước hết phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, bảo vệ môi trường. Tăng trưởng kinh tế phải góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xa hội.

Nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài chính, tiền tệ...

Bảy giải pháp lớn

Để thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ trên, Phó thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết tâm triển khai các giải pháp lớn.

Một là, giữ vững môi trường vĩ mô, ổn định chính trị xã hội. Đây chính là một lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới biến động, khó lường, là nhân tố quyết định, tạo tiền đề cho phát triển bền vững.

Hai là, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trường hợp lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Trước hết là tái cơ cấu đầu tư; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng; tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực. Phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi, phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Ba là, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bền vững nhằm tạo ra các kết nối "thông minh", giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế.

Bốn là, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và sáng tạo đổi mới trong kinh doanh. Đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh lan tỏa của Cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi lực lượng lao động giản đơn, năng suất thấp vẫn chiếm tỷ lệ cao tại Việt Nam.

Năm là, hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Sáu là, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Hoàn thiện hệ thống thể chế để thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) và trí tuệ nhân tạo. Không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Cuối cùng, tiếp tục đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ đối ngoại, tích cực hội nhập khu vực và quốc tế. Đặc biệt là tích cực tham gia các Hiệp định, thoả thuận thương mại tự do thế hệ mới với các khu vực, các quốc gia phát triển. Đây chính là nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt nam; là động lực, là mục tiêu "ép" Việt Nam phải đổi mới để hội nhập quốc tế.

Theo Kiều Linh

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên