Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất những mặt hàng nào từ 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2022?
Theo dữ liệu của IMF, 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Anh. Vậy đâu là những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới?
- 24-01-2023Hai thành phố trực thuộc Hà Nội trong tương lai sẽ bao gồm những khu vực nào?
- 20-01-2023Tăng hệ số trượt giá BHXH 2023, những khoản tiền nào của người lao động cũng sẽ tăng theo?
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2021, Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong danh sách các quốc gia có quy mô GDP danh nghĩa lớn nhất thế giới với 22.940 tỷ USD. Trong khi đó, xếp ngay sau Mỹ là Trung Quốc với GDP danh nghĩa đạt khoảng 16.863 tỷ USD. Cùng với đó, 3 quốc gia còn lại lọt top 5 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới là: Nhật Bản (5.103 tỷ USD), Đức (4.230 tỷ USD) và Anh (3.108 tỷ USD).
Vậy đâu là những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới?
Hoa Kỳ
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, trong năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu đạt 14,47 tỷ USD. Trong đó, 5 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (3,3 tỷ USD); bông các loại (1,3 tỷ USD); chất dẻo nguyên liệu (692 triệu USD); hoá chất (678 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (968 triệu USD).
Trung Quốc
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu đạt 119,3 tỷ USD. Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác là nhóm mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất, với kim ngạch nhập khẩu đạt 24,2 tỷ USD. Theo sau là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, với kim ngạch nhập khẩu đạt 24 tỷ USD. Cùng với đó, vải các loại; điện thoại các loại và linh kiện; sản phẩm từ chát dẻo cũng là các mặt hàng Việt Nam nhập nhiều từ Trung Quốc, với kim ngạch nhập khẩu lần lượt đạt 9,1 tỷ USD, 8 tỷ USD và 4,4 tỷ USD.
Nhật Bản
Đối với Nhật Bản, trong năm 2022, kim ngạch hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ quốc gia này đạt 23,3 tỷ USD. Trong đó, 5 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (6,9 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (4,2 tỷ USD); sắt thép các loại (1,7 tỷ USD); sản phẩm từ chất dẻo (803 triệu USD); vải các loại (682,9 triệu USD).
Đức
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu từ Đức của Việt Nam trong năm 2022 đạt 3,6 tỷ USD. Theo đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác là nhóm mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất, với kim ngạch nhập khẩu đạt 1,2 tỷ USD. Theo sau là nhóm mặt hàng dược phẩm; sản phẩm hóa chất; hóa chất và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, với kim ngạch nhập khẩu lần lượt là 364 triệu USD; 270,6 triệu USD; 250,7 triệu USD và 230,3 triệu USD.
Vương quốc Anh
Trong năm 2022, kim ngạch hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Vương quốc Anh đạt khoảng 771 triệu USD. Trong đó, 5 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (184 triệu USD); dược phẩm (81,8 tỷ USD); sản phẩm hóa chất (61,4 triệu USD); nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (36,1 triệu USD); ô tô nguyên chiếc các loại (28,5 triệu USD).
Nhìn chung, trong năm 2022, báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 125,79 tỷ USD, tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 234,86 tỷ USD, tăng 7,5%.
Trong năm 2022 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 06 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%).
Về thị trường nhập khẩu, báo cáo cho biết, top 5 thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất gồm Trung Quốc (119,3 tỷ USD), Hàn Quốc (62 tỷ USD), Nhật Bản (23,3 tỷ USD), Đài Loan Trung Quốc) (22,6 tỷ USD), Hoa Kỳ (14,47 tỷ USD).
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%, tỷ trọng bằng năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,7%, giảm 1,8 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,8%, tăng 1,8 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,5%, tỷ trọng bằng năm trước.
Tổ Quốc