Việt Nam nhập siêu cao su lần đầu tiên trong một thập kỷ
Với chênh lệch khối lượng giữa nhập khẩu và xuất khẩu cao su lên tới gần 100.000 tấn, lần đầu tiên trong ít nhất 10 năm Việt Nam nhập siêu cao su trong quý I/2021. Kim ngạch xuất và nhập khẩu cao su quý I đều tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái
- 16-04-2021Nhu cầu cao su thế giới đang hồi phục mạnh mẽ
- 09-04-2021Giá cao su thế giới đột ngột lao dốc xuống "đáy" 2 tháng
- 07-04-2021Giá cao su sẽ tiếp tục tăng
Trong bối cảnh nhu cầu cao su hồi phục mạnh mẽ trên toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu cao su của cả nước trong quý I/2021 đã tăng 103% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 674 triệu USD.
Số liệu sơ bộ do Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý I/2021 đạt 406.471 tấn với trị giá 674,67 triệu USD, tăng mạnh 78,5% về lượng và tăng 103% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020; giá xuất khẩu bình quân cũng tăng 14% lên 1.660 USD/tấn.
Riêng trong tháng 3/202, xuất khẩu cao su của cả nước đạt 111.923 tấn, tương đương 196,08 triệu USD; tăng 6,8% về lượng và tăng 13% về kim ngạch so với tháng liền trước; giá xuất khẩu trung bình cũng tăng 6% so với tháng 2/2021.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang top 10 thị trường hàng đầu, chiếm tổng cộng khoảng 95% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của cả nước, đều đồng loạt tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Với 71,4% trong tổng khối lượng và 68,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam, việc xuất khẩu cao su sang Trung Quốc quý I/2021 tăng 103% về lượng (đạt 290.159 tấn) và tăng 128% kim ngạch (đạt 463,08 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2020 là động lực chính đẩy xuất khẩu cao su của cả nước tăng mạnh trong quý đầu năm.
Thị phần về kim ngạch của top 5 thị trường xuất khẩu cao su chủ chốt của Việt Nam
Xuất khẩu sang EU - thị trường lớn thứ 2 cũng tăng mạnh 43,2% về lượng và tăng 77,4% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020, đạt 22.138 tấn, trị giá 39,98 triệu USD, chiếm gần 6% trong tổng lượng và tổng kim ngạch. Tương tự, xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ đạt 20.448 tấn, trị giá 37,02 triệu USD (tăng 43,5% về lượng và tăng 70,8% về kim ngạch).
Xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng tăng mạnh từ 80% đến 220%, như sang Hàn Quốc, Sri Lanka, Pakistan, Nga, Bangladesh, Hongkong (TQ) và Ukraina số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy.
Mỗi năm, khoảng 80% cao su thiên nhiên từ Việt Nam, bao gồm lượng nhập khẩu từ Campuchia và Lào được xuất khẩu.
Nhập khẩu cao su vào Việt Nam trong quý I/2021 cũng tăng mạnh. Theo đó, khối lượng nhập khẩu đạt 504.940 tấn, trị giá 691 triệu USD, tăng 176,9% về lượng và tăng 136,9% về kim ngạch so với quý 1/2020. Với khối lượng chênh lệch gần 100.000 tấn, đây là lần đầu tiên trong ít nhất 10 năm ngành cao su Việt Nam nhập siêu.
Phần lớn cao su nguyên liệu được nhập khẩu để tái xuất và một phần đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất trong nước.
Trong quý 1/2021, Campuchia là thị trường cung cấp cao su lớn nhất cho Việt Nam đạt 312.000 tấn, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 61,8% trong tổng khối lượng cao su nhập khẩu vào Việt Nam, giá nhập khẩu bình quân đạt 1.021 USD/tấn, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ. Trong quý I/2021, lượng cao su nhập khẩu từ các thị trường khác như: Lào, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan… cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Về giá cả, mức giá nhập khẩu cao su từ Campuchia thấp hơn nhiều so với giá nhập cao su từ các thị trường khác như Hàn Quốc (2.051 USD/tấn), Trung Quốc (2.231 USD/tấn), Nhật Bản (2.544 USD/tấn)...
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn thứ 3 trên thế giới, với sản lượng hiện đạt khoảng 1,1 triệu tấn/năm. Khoảng gần 20% trong tổng lượng cung, bao gồm cả từ lượng nguyên liệu nhập khẩu, được đưa vào chế biến sâu trong nước, với sản phẩm đầu ra chủ yếu bao gồm lốp xe, linh kiện ô tô, đế giày, sản phẩm thể thao và các sản phẩm khác. Các sản phẩm này được sử dụng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.