MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sẽ tiến đến bỏ chế độ "biên chế suốt đời"

Việc thực hiện tinh giản biên chế trong cả hệ thống chính trị đến năm 2021 phải đạt 10%, đồng thời thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản trả lời đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) về vấn đề chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Về đạo đức, lối sống và số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Thủ tướng cho biết tại một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý; kỷ luật kỷ cương trong thực thi công vụ chưa nghiêm; vẫn nảy sinh những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà tới người dân, doanh nghiệp.

Biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ. Tình trạng vi phạm pháp luật, quy chế, quy định trong hoạt động công vụ, có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố, xét xử.

Nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1847 phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.

Đề án tập trung thực hiện các nội dung về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức và về trang phục của cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án văn hóa công vụ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan trong hệ thống chính trị cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như hệ thống hoá lại quy định Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm cho người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Về tinh giản biên chế, tại khối Chính phủ quản lý, tính đến năm 2019, biên chế công chức đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015; biên chế viên chức giảm 3,87% so với năm 2015.

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng 68 đã thực hiện tinh giản theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP từ năm 2015 đến 31/12/2018 là 41.268 người.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng việc thực hiện giảm số lượng đơn thuần, chưa gắn việc giảm số lượng với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Biên chế sự nghiệp y tế và giáo dục thừa, thiếu cục bộ.

Trước những tồn tại như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ đã được phân công, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương tinh giản biên chế, chính sách tinh giản biên chế đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý, trong đó chú trọng công tác hoàn thiện thể chế;

Các đơn vị cần rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; xây dựng đề án vị trí việc làm phù hợp; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trước mắt, Chính phủ sẽ bổ sung biên chế sự nghiệp y tế, giáo dục cho một số địa phương tăng dân số cơ học để bảo đảm nguyên tắc có học sinh có giáo viên đứng lớp, có người bệnh có cán bộ y tế theo Kết luận của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời". Kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khoẻ, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.

Ngoài ra, cần chú trọng công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm thực chất; tăng cường tự thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm…

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên