Công nghệ nông nghiệp Israel nhìn các nước Đông Nam Á như "khách sộp"
Các công ty công nghệ nông nghiệp của Israel đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan hay Philippines trong bối cảnh khu vực đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
- 15-04-2021Nông dân Pháp đốt lửa sưởi ấm cây nho với hy vọng cứu ngành công nghiệp rượu vang lớn nhất thế giới
- 01-03-2021Hé lộ lý do khiến tỷ phú Bill Gates mua nhiều đất nông nghiệp tại Mỹ
- 16-01-2021Bill Gates chính là “địa chủ” lớn nhất tại Mỹ: Sở hữu 98.000 hecta đất nông nghiệp, trải dài khắp 18 bang
- 07-09-2020Làm giàu từ nông nghiệp, gia tộc này đã sản sinh 14 tỷ phú USD và chi phối chặng đường từ nông trại đến bàn ăn trên khắp thế giới
- 10-07-2020Thất nghiệp, người dân Anh đổ xô đến nông trại hái dâu, kiếm được hơn 500 USD/tuần
Công nghệ nông nghiệp Israel hướng về Đông Nam Á
Các chương trình nông nghiệp song phương được xem là con đường để người nông dân ở các nước Đông Nam Á có thể tiếp cận những đổi mới công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của Israel. Nikkei đưa tin, Việt Nam chuẩn bị ký Hiệp định Hợp tác Lao động với Israel trong năm 2021.
Theo thỏa thuận, người lao động Việt Nam sẽ được đưa sang Israel để học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp của nước này. Việt Nam cũng đang vận hành các nhà kính do phía Israel hỗ trợ ở tỉnh Vĩnh Phúc, nơi người nông dân trồng thành công một số loại cây bằng kỹ thuật thủy canh.
Không chỉ Việt Nam, Thái Lan cũng đang đẩy mạnh nỗ lực tiếp cận công nghệ nông nghiệp của Israel nhằm thay đổi phương thức nông nghiệp của mình. Khu nhà kính thứ 2 đã được khai trương ở tỉnh Petchburi vào tháng 10 năm ngoái. Trước đó, nhà kính đầu tiên được lắp đặt năm 2018 như một phần chương trình quảng bá công nghệ mà Israel tiến hành.
Các dự án mà phía Israel mang đi giới thiệu đều có hệ thống tưới và phun nước ưu việt nhằm đáp ứng mục tiêu sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Các chuyên gia của Israel cũng sẵn sàng có mặt để giúp đưa công nghệ vào trồng trọt.
"Những gì Israel cung cấp thường là công nghệ, bao gồm công nghệ tưới nhỏ giọt, để cây trồng có thể hấp thụ tốt hơn, giảm lượng nước sử dụng cũng như ít phụ thuộc hơn vào năng lượng", Ông Sagi Karni, Đại sứ Israel ở Singapore, cho biết.
Theo ông Karni, Israel có khoảng 600 công ty nông nghiệp và công nghệ thực phẩm với nhiều công nghệ của họ có thể được tinh chỉnh để đáp ứng nhu cầu canh tác ở các quốc gia khác. Israel cũng đang nỗ lực trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về quản lý nước và nông nghiệp dù 2/3 diện tích của họ là đất thường xuyên thiếu nước hoặc kém chất lượng.
Công nghệ khiến sa mạc cho quả ngọt
Với hơn một nửa diện tích đất là sa mạc, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và thiếu nước hoàn toàn không phù hợp cho nông nghiệp, Israel vẫn là một trong những nhà xuất khẩu nông sản của thế giới và đứng đầu trong công nghệ dùng cho nông nghiệp. Chính nhờ công nghệ, Israel đã tự chủ 95% nhu cầu thực phẩm của đất nước.
Thiếu nước là vấn đề nghiêm trọng hàng đầu của Israel. Không thể trông chờ vào nguồn nước tự nhiên, quốc gia này đã đẩy mạnh khử muối từ nước biển, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người mà còn dùng phục vụ nông nghiệp. Ngoài ra, việc tái chế nước thải lên tới 75% cũng giúp Israel có thêm nguồn nước phụ vụ nhu cầu.
Việc chủ động được nguồn nước giúp Israel có cơ hội phát triển nhiều loại cây nông nghiệp khác nhau, từ ngũ cốc tới các loại cây ăn quả. Thậm chí, quốc gia này còn có thể trồng nho để xây dựng ngành chế biến rượu lớn mạnh, cạnh tranh với nhiều quốc gia khác. Điểm khác biệt của Israel là ở năng suất cây trồng.
Thành tựu nổi bật của Israel phải kể đến sản xuất 300 tấn cà chua mỗi ha, cao hơn nhiều so với mức bình quân 50 tấn của cả thế giới. Quốc gia này cũng đi đầu trong công nghệ xử lý sau thu hoạch. Lượng ngũ cốc lưu kho bị thất thoát của Israel chỉ là 0,5%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 20% trên toàn thế giới.
Những thành tựu này giúp nông nghiệp đóng góp 2,8% vào GDP Israel. Mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Israel là trái cây thuộc chi cam chanh. Ngoài ra, các sản phẩm nông nghiệp trong nhà kính cũng là thế mạnh của quốc gia này. Các sản phẩm công nghệ cho nông nghiệp cũng đóng góp lớn cho xuất khẩu của Israel.
Đông Nam Á duy trì an ninh lương thực nhờ công nghệ
Khi Đông Nam Á phải vật lộn với những mối đe dọa về an ninh lương thực do biến đổi khí hậu và gián đoạn nguồn cung do đại dịch Covid-19, kinh nghiệm về nông nghiệp của Israel có thể là lời giải. Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng đã nhận ra điều đó trong nỗ lực đẩy mạnh hiệu quả canh tác.
Với hơn 100 triệu ha đất nông nghiệp, một số quốc gia Đông Nam Á là những nhà cung cấp lương thực chính của thế giới, đặc biệt là gạo. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khi các biện pháp dập dịch ảnh hưởng tới việc cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và quốc tế.
Trong một nghiên cứu năm 2019, Oxford Economics đã nhấn mạnh đảm bảo an ninh lương thực là chìa khóa quan trọng đối với Đông Nam Á, khu vực mà ngành nông sản đóng góp 717 tỷ USD cho các nền kinh tế của Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Ngành này cũng sử dụng 48% lực lượng lao động của các quốc gia, tạo ra 127 triệu việc làm.
James Lambert, tư vấn kinh tế trưởng khu vực châu Á của Oxford Economics, cho biết: "Khi khu vực này đang nổi lên như một trong những nơi hạn chế được tác động của dịch bệnh, các nhà hoạch định chính sách cần tạo ra điều kiện thuận lợi nhất để ngành nông sản có thể tái thiết thành công".
Công nghệ và kinh nghiệm của Israel có thể thúc đẩy điều này. Tuy nhiên, chi phí cũng là một bài toán khó. Các công nghệ mà Israel cung cấp chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu giá cả của chúng không quá cao để người dân có thể tiếp cận. Ngoài ra, nhiều công ty của Israel cũng đã chủ động tiếp cận người nông dân ở Đông Nam Á nhằm tiếp thị giải pháp với họ.
Trên thực tế, nếu người dân nhận thức được giá trị công nghệ mang lại nhiều hơn so với chi phí họ bỏ ra, nhiều người cũng sẵn sàng đầu tư.