Việt Nam tiếp tục tăng bậc trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc
Việt Nam đứng thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc về chính phủ điện tử.
- 14-07-2020Mở cửa trở lại nền kinh tế, những dữ liệu này cho thấy nền kinh tế nào sẽ rơi vào suy thoái
- 14-07-2020PGS.TS Trần Đình Thiên: Đây không phải là vấn đề Nhà nước "cứu" Vietnam Airlines, mà là phải có trách nhiệm!
- 14-07-2020CEO Central Retail: Mở 6 trung tâm thương mại GO! Mall mới và chuyển 4 siêu thị Big C thành trung tâm thương mại tại Việt Nam
Ngày 10/7 vừa qua, Liên Hợp Quốc vừa công bố Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020. Theo Liên Hợp Quốc, báo cáo năm nay phản ánh sự phát triển chính phủ điện tử trên toàn cầu và cho thấy sự thay đổi của nhiều quốc gia trong việc phản ứng với các thách thức toàn cầu cũng như theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.
Chỉ số EGDI được chia thành 4 nhóm: nhóm có giá trị EGDI rất cao nằm trong khoảng từ 0,75 đến 1; nhóm có giá trị EGDI cao nằm trong khoảng từ 0,5 đến 0,75; nhóm có giá trị EGDI trung bình nằm trong khoảng từ 0,25 đến 0,5; nhóm có giá trị EGDI thấp nằm trong khoảng từ 0 đến 0,25.
Việt Nam nằm trong nhóm 69 quốc gia có giá trị cao (từ 0,5 đến 0,75), đứng thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và vẫn duy trì trong nhóm H3 (nằm trong nhóm có EGDI cao) kể từ năm 2018.
Việt Nam đã có bước tiến đáng kể so với vị trí 88 vào năm 2018. Việt Nam cũng đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong suốt giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020.
Dẫn đều bảng xếp hạng trong năm 2020 của 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc hiện có Đan Mạch, Hàn Quốc, Estonia; theo sau là Phần Lan, Úc, Thuỵ Điển, Vương quốc Anh, New Zealand, Hoa Kỳ, Hà Lan, Singapore, Iceland, Na Uy và Nhật Bản.
Đáng chú ý là sự tăng hạng của một số nước như Bangladesh, Bhutan và Campuchia. Đây là những quốc gia đã tăng hạng từ nhóm có chỉ số EGDI trung bình vào năm 2018 sang nhóm có chỉ số EGDI cao vào năm 2020. Các quốc gia này cũng đang thực hiện các đổi mới về Chính phủ điện tử để cải thiện hiệu quả và năng lực trong cung cấp dịch vụ công.
Ngoài chỉ số Chính phủ điện tử (EGDI), Việt Nam còn đạt được chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI) cao, tại mức 0,6529, nằm trong 29 quốc gia có EGDI và OSI đều cao. Một chỉ số khác là chỉ số Trực tuyến địa phương (LOSI) được đánh giá dựa trên bốn tiêu chí: công nghệ, cung ứng dịch vụ, tỷ lệ tham gia và tỷ lệ cam kết. Khảo sát đã chọn ra 100 thành phố dựa trên vị trí địa lý và phân bố dân cư.
Tuy nhiên, 14 thành phố được chọn không có cổng thông tin điện tử riêng để đánh giá, nên bảng báo cáo chỉ xét đến 86 thành phố. Mỗi quốc gia sẽ có một khu vực đại diện, dựa trên các tiêu chí công bằng. Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là một trong những thành phố có chỉ số LOSI cao, nằm trong nhóm 19% có thành tích cao trong tổng 86 thành phố được khảo sát.
Báo cáo cho biết thêm, bất chấp những thách thức, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ nhất định theo hướng chuyển đổi số. Cơ quan thuế ở Việt Nam đã thực hiện các đổi mới trong việc khai thuế điện tử, thanh toán điện tử và hải quan điện tử. Những bước đi này đã giúp cải thiện việc thu và quản lý thuế, đồng thời giảm chi phí đối với người nộp thuế.
Theo Bộ Thông tin – Truyền Thông, với vị trí xếp hạng hiện nay, để đạt mục tiêu "Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI)" được nêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các bộ, ngành, địa phương chắc chắn sẽ phải nỗ lực vượt bậc trong giai đoạn mới.