MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam trong nhóm nước được dự báo dẫn đầu tăng trưởng kinh tế châu Á

Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang nắm lấy vai trò dẫn đầu tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á...

Đông Nam Á đang nắm lấy vai trò dẫn đầu tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á - hãng tin Bloomberg dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết.

Theo dự báo này, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm của nhóm ASEAN 5, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, và Việt Nam, sẽ vượt mức 5% trong thời gian từ nay đến năm 2022.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của kinh tế khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông...) được dự báo chỉ đạt trung bình khoảng 3%.

“Có một sự hợp nhất của những làn gió thuận như cơ cấu dân số tốt cho tăng trưởng kinh tế” mà nhờ đó Đông Nam Á có thể giữ chi phí lao động ở mức thấp và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, ông Weiwen Ng, một chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng ANZ ở Singapore, nhận định. “Khu vực Đông Bắc Á đã ở vào một giai đoạn phát triển cao hơn, bởi vậy sự tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ diễn ra khiêm tốn”.

Trong khi những nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông đều chứng kiến sự suy giảm của lực lượng lao động từ năm 2015, dân số trong độ tuổi lao động của khu vực Đông Nam Á lại sẽ tiếp tục tăng đến năm 2020 - theo dự báo của ngân hàng Nomura.

Chẳng hạn, dân số trong độ tuổi từ 15-65 được dự báo Nomura tăng 1,9% trong năm nay ở Philippines, tăng 1,6% ở Malaysia.

Viễn cảnh tăng trưởng khả quan của kinh tế Đông Nam Á đang thu hút nhiều công ty đa quốc gia như Coca-Cola, tập đoàn đồ uống đang mở rộng hoạt động ở Việt Nam và Myanmar.

Hãng công nghệ Mỹ Apple đang xây dựng trung tâm nghiên cứu ở Indonesia, trong khi hãng bia Heineken đang cạnh tranh với các đối thủ Anheuser-Busch InBev, Asahi, và Kirin để thâu tóm cổ phần trong Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn của Việt Nam.

Nomura cho rằng triển vọng dân số góp phần quyết định triển vọng tăng trưởng kinh tế của mỗi khu vực. Dân số lão hóa sẽ hạn chế tốc độ tăng trưởng tiềm năng của tất cả các nền kinh tế lớn ở khu vực Bắc Á trong những năm sắp tới, trong khi tốc độ tăng trưởng tiềm năng của các nền kinh tế Đông Nam Á có thể tăng lên, ngoại trừ Singapore.

Ngoài ra, các nước Đông Nam Á cũng đang thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Công ty tư vấn và kiểm toán Ernst & Young dự báo vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ đạt trung bình 110 tỷ USD mỗi năm trong thời gian từ nay đến năm 2025.

Những dự án này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc di chuyển hàng hóa, dịch vụ và con người giữa các nước ASEAN, theo ông Max Loh, Giám đốc phụ trách khu vực ASEAN và Singapore của Ernst & Young, nhận định.

“Không may là luôn có những trở ngại khi bạn cố gắng làm việc này”, ông Loh nói. “Một vài trong số những dự án này là dự án xuyên quốc gia. Bởi vậy bạn sẽ phải vượt qua được những vấn đề về chính trị, xã hội và kinh tế”.

Cũng theo ông Loh, khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, các nước Đông Nam Á cần giữ vững hướng đi đúng.

“Trong bối cảnh sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc và dân túy ở nhiều quốc gia, sẽ là sai lầm nếu các nước đi thụt lùi trong vấn đề toàn cầu hóa”, ông Loh khuyến cáo.

“Nhưng nếu các quốc gia xích lại gần nhau và có một tầm nhìn chung, họ sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng cao”.

Theo Bình Minh

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên