MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, với kỷ lục gần 30 tỷ USD

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, năm 2023 nước ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn nhiều so với dự báo; nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của nước ta tăng trưởng chậm lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro; lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao dẫn đến nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, nhu cầu các nước suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam...

Trong bối cảnh đó, được sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô được bảo đảm…

Về xuất nhập khẩu, trong năm 2023, tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống của nước ta để đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể.

Việt Nam xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, với kỷ lục gần 30 tỷ USD - Ảnh 1.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%).

5 giải pháp trọng tâm cho năm 2024

Bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm (2021-2025). Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; hoạt động SXKD của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch được giao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại; nhất là các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Hai là, khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ba là, đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện cơ cấu lại ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao (như sản xuất chíp bán dẫn, khai thác chế biến khoáng sản) để trở thành một động lực thúc mới đẩy sự phát triển của Ngành.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia nhằm chống đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu và lợi thế, như: Công nghiệp điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới, Chíp và chất bán dẫn; đồng thời, tăng cường thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Năm là, chấn chỉnh, sốc lại kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Theo Yến Nhi

Vnmedia

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên