MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietcombank kiến nghị Chính phủ gỡ khó chuyện tăng vốn điều lệ, muốn nâng lên 57.200 tỷ vào năm 2020

11-04-2019 - 12:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng là hơn 37.000 tỷ. Theo ông Nghiêm Xuân Thành mặc dù đã thành công phát hành riêng lẻ cho NĐT nước ngoài với tổng giá trị 6.180 tỷ đồng trong năm 2018 nhưng so với kế hoạch đề ra thì nhu cầu tăng vốn của Vietcombank vẫn còn lớn.

Tại Hội nghị triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam sáng nay (11/4), Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, Vietcombank đã xây dựng Phương án cơ cấu lại VCB gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 và là nhóm ngân hàng đầu tiên được Thống đốc NHNN phê duyệt Phương án theo Quyết định số 02/QĐ-NHNN ngày 8/1/2018.

Ngay sau đó, Vietcombank đã ban hành Kế hoạch chi tiết trong đó xác lập rõ tầm nhìn đến năm 2020 Vietcombank là ngân hàng số 1 Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới và được quản trị theo thông lệ quốc tế.

Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của Vietcombank đã tăng trưởng vượt bậc, chuyển dịch theo hướng bền vững; chất lượng tài sản được kiểm soát thực chất, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, năng lực tài chính được nâng cao, mức sinh lời tăng mạnh, các tỷ lệ an toàn được đảm bảo.

Lãnh đạo ngân hàng cho hay, chiến lược của Vietcombank đến năm 2025, định hướng năm 2030 xác định trọng tâm kinh doanh vào 3 trụ cột là dịch vụ, bán lẻ, đầu tư kinh doanh vốn. Ngân hàng sẽ tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng trên tổng thu nhập (trọng tâm là dịch vụ), chủ động tăng mạnh nguồn thu dịch vụ từ các sản phẩm, dịch vụ mới gắn với chuyển đổi ngân hàng số. Vietcombank cũng sẽ chuyển đổi ngân hàng số, hướng tới trở thành ngân hàng đi đầu trong hệ thống về chuyển đổi số và áp dụng dịch vụ ngân hàng số, là ngân hàng phục vụ chính phủ điện tử.

Để đạt được những mục tiêu nói trên, Vietcombank đã kiến nghị và đề xuất với Chính phủ và NHNN một số nội dung.

Trong đó, đáng chú ý là vấn đề tăng vốn. Theo ông Nghiêm Xuân Thành, các NHTMNN đều đang rất thiếu vốn, và riêng Vietcombank dù đã thực hiện thành công giao dịch phát hành riêng lẻ cho NĐT nước ngoài với tổng giá trị 6.180 tỷ đồng trong năm 2018 nhưng so với kế hoạch đã đề ra thì nhu cầu tăng vốn của VCB trong thời gian tới là khá lớn.

"Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tăng vốn của các NHTMNN trở thành vấn đề nhức nhối, hết sức cấp thiết", ông Thành nói.

Theo đó, Vietcombank kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các NHTM có vốn Nhà nước tăng vốn bằng việc giữ lại lợi nhuận như cho phép trả cổ tức bằng cổ phiếu, cho phép tăng vốn từ nguồn thặng dư và lợi nhuận giữ lại tích lũy.

Ngoài ra, đề xuất Chính phủ cho phép tăng tỷ lệ sở hữu cho các NĐT nước ngoài tại các NHTM, cho phép sử dụng một phần Quỹ hỗ trợ sắp xếp DNNN để tăng vốn cho các NHTMNN, đáp ứng vốn an toàn tối thiểu theo Basel II.

Về đẩy mạnh thanh toán điện tử, Vietcombank đề xuất Chính phủ xem xét cho phép nhà băng này là ngân hàng thí điểm phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu xây dựng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trên Cổng dịch vụ công quốc gia cho các công dân, tổ chức.

Cuối năm 2018, tổng tài sản của Vietcombank đạt 1,072 triệu tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tín dụng đạt 640.314 tỷ đồng, vốn điều lệ ở mức 35.978 tỷ đồng.

Ngân hàng cho biết muốn tăng vốn điều lệ lên mức 57.201 tỷ đồng vào năm 2020, tức tăng trưởng bình quân 10,5% hàng năm. Tổng tài sản đến năm 2020 dự kiến vượt 1,3 triệu tỷ đồng; huy động vốn vượt 1 triệu tỷ; dư nợ tín dụng 870,6 nghìn tỷ.

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên