MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietnam Airlines nâng tầm trải nghiệm dịch vụ giải trí không dây trên chuyến bay

31-10-2019 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Việc liên tục mang lại cho hành khách những dịch vụ mới vừa hiện đại vừa độc đáo đang giúp hãng hàng không quốc gia – Vietnam Airlines từng bước xây dựng vị thế là một trong những hãng bay được yêu thích hàng đầu trong khu vực.

Tiện ích độc đáo

Từ khoảng 9 tháng gần đây, mỗi khi có dịp bay vào Đà Nẵng, chị Trần Thị Hồng Loan – một trong những hành khách thân thiết của Vietnam Airlines tại Hà Nội luôn đón chờ được bay trên một trong những chiếc Airbus A321neo.

Có hai lý do khiến nữ hành khách này chờ đợi chiếc máy bay A321neo. Đầu tiên là việc A321neo hiện là đội tàu bay thân hẹp lớn nhất trong gia đình máy bay A320/321, có cấu hình xếp ghế ít hơn với độ ngả ghế rộng hơn. Quan trọng hơn, những chiếc tàu bay hiện đại mới được hãng hàng không quốc gia đưa vào khai thác từ tháng 11/2018 còn có hệ thống giải trí rất độc đáo thông qua công nghệ Wireless Streaming (hệ thống giải trí không dây). Đây là tiện ích mới và hiện chỉ xuất hiện duy nhất trên các chuyến bay được thực hiện bởi 14 chiếc A321neo của Vietnam Airlines. 

Theo đó, ngay sau khi tàu bay ổn định độ cao (khoảng 2.250ft), hệ thống Wireless Streaming sẽ tự động kích hoạt giúp các hành khách như chị Loan có thể có thể truy cập từ thiết bị cá nhân như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh…) vào thẳng thư viện giải trí tải sẵn của Vietnam Airlines. 

Chỉ với vài thao tác kết nối đơn giản, không cần sử dụng Internet, hành khách đã có thể thưởng thức những bộ phim điện ảnh, phim truyền hình và nghe nhạc theo sở thích, ngay trên chính thiết bị điện tử và tai nghe cá nhân mà không  hề mất phí. Với khả năng lưu trữ nội dung lên tới 400 GB, hệ thống này có thể nạp hàng trăm chương trình phim, nhạc. 

Trong giai đoạn hiện nay, hệ thống thư viện giải trí không dây trên A321neo của Vietnam Airlines đang có 24 phim điện ảnh, 26 phim truyền hình và 43 chương trình audio. Hãng sẽ sớm tiếp tục bổ sung thêm nhiều chương trình giải trí thú vị khác, bảo đảm thư viện điện tử trên những chiếc A321neo phong phú không kém những người đàn anh thân rộng Airbus A350 hoặc Boeing 787 -9/10.

"Việc có thêm chương trình giải trí này giúp hành trình trở nên ngắn và thú vị hơn", chị Loan đánh giá.

Vietnam Airlines nâng tầm trải nghiệm dịch vụ giải trí không dây trên chuyến bay - Ảnh 1.

Ký hiệu trên máy bay cung cấp dịch vụ W-IFE cho hành khách của Vietnam Airlines

Ngoài Vietnam Airlines, không có nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới lắp đặt hệ thống Wireless Streaming trên tàu bay thân hẹp. Trong đó, các hãng hàng không truyền thống lớn trên thế giới như Delta, Air France, Korean Air, ANA và Qatar Airways đang cung cấp các phim điện ảnh (cũ), phim truyền hình, âm nhạc. Một số hãng hàng không giá rẻ (jetstar Asia, Scoots Air) cũng đưa ra dịch vụ này nhưng với mức phí vào khoảng 10 USD/chuyến. 

Nắm bắt xu hướng mới

Cần phải nói thêm rằng, việc cá nhân hoá hệ thống giải trí hiện đang là xu hướng mới của ngành hàng không thế giới, được cập nhật ngay trên những tàu bay nhỏ, thân hẹp mà tiên phong chính là những chiếc tàu bay Airbus A321neo. Chính vì vậy, bước nâng cấp này của Vietnam Airlines được đánh giá là giúp hãng bắt kịp xu hướng chuộng tự trang bị các thiết bị cá nhân đi muôn nơi (Bring Your Own Device) của thế hệ công dân toàn cầu.

Ông Trịnh Ngọc Thành - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết: "Airbus A321neo thực sự sẽ là bước đột phá với Vietnam Airlines. Đầu tư lớn cho thành viên lớn nhất của gia đình A320 hôm nay, Vietnam Airlines mong muốn đem đến cho khách hàng không chỉ những công nghệ, tiện ích hiện đại, mà sẽ là những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt".

Ngoài hệ thống Wireless Streaming trên Airbus A321neo mà hành khách đã làm quen từ gần 1 năm trở lại đây, Vietnam Airlines cũng vừa chính thức khai trương dịch vụ dịch vụ IFC (In-flight Connectivity) trên 4 tàu bay thân rộng Airbus A350.

Dịch vụ mới này của Vietnam Airlines cho phép hành khách sử dụng thiết bị điện tử cá nhân như các loại điện thoại thông minh (smart phone), máy tính bảng, máy tính xách tay có kết nối wifi có thể kết nối internet hoặc các dịch vụ OTT như Whatsapp, Facebook Messenger, iMessage,…

Mặc dù chưa thể tải các ứng dụng, chương trình có dung lượng lớn như Youtube nhưng với việc nhắn tin, gọi điện thoại qua Facetime, Viber, Zalo… khá mượt mà, IFC chắc chắn là một dịch vụ đáng giá đối với các hành khách có nhu cầu được làm việc trực tiếp thông qua kết nối internet, nhất là trên các chuyến bay đường dài tới Châu Âu hoặc Châu Úc. 

Vietnam Airlines nâng tầm trải nghiệm dịch vụ giải trí không dây trên chuyến bay - Ảnh 2.

Dịch vụ IFC đang được Vietnam Airlines cung cấp phục vụ khách hàng

Nhờ việc đầu tư lớn để nâng cao chất lượng dịch vụ, Vietnam Airlines đang tiếp tục giữ vững vị thế là lực lượng hàng không nòng cốt của Việt Nam. Hiện hãng đang hiện đang khai thác hơn 95 đường bay tới 22 điểm nội địa và 29 điểm đến quốc tế với tổng cộng trên 400 chuyến bay mỗi ngày. 9 tháng vừa qua, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines và Jetstar Pacific) đã giữ vị thế số 1 ở cả thị phần vận chuyển khách tại thị trường quốc tế (23,9%) và tại thị trường nội địa (52,5%), (Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam).

Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, hãng đang quyết tâm sớm trở thành hãng hàng không top 3 về quy mô  trong khu vực Đông Nam Á và Top 10 hãng hàng không được ưa thích tại châu Á. Đây là những điều kiện để hãng khẳng định vị thế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường nội địa và quốc tế.

"Để đạt mục tiêu này, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục đầu tư đổi mới đội tàu bay hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí; đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, từng bước đạt chứng nhận hãng hàng không 5 sao sau năm 2020 gắn với cung cấp các dịch vụ truyền thống đặc trưng Việt Nam", ông Thành cho biết.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên