Vietnam Airlines triển khai đấu giá 11 tàu bay A321CEO, cổ phiếu tăng trần sau 2 tháng giảm liên tục
Việc bán thành công có thể giúp Vietnam Airlines bổ sung thêm dòng tiền cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh thứ 4 tại Việt Nam diễn ra phức tạp.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang có kế hoạch triển khai đấu giá 11 tàu bay A321CEO sản xuất năm 2004 và 2007 – 2008. Các tàu bay mang số hiệu sản xuất (MSN) 2255 / 2261 / 2974 / 3005 / 3013 / 3022 / 3198 / 3315 / 3355 / 3600 / 3737.
Cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) phản ứng tích cực với thông tin này, tăng trần với khối lượng giao dịch đột biến.
Nguồn: Vietnam Airlines
Trước đó tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 cách đây gần một năm, cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua chủ trương bán 9 tàu bay A321CEO sản xuất năm 2007 – 2008.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng đến ngành hàng không, đội bay của Vietnam Airlines hiện đang dư thừa.
Mặt khác, tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa đã khiến cho các công ty hàng không suy kiệt dòng tiền. Bản thân Vietnam Airlines đã báo lỗ lớn trong cả năm 2020 và quý đầu năm 2021.
Ngoài 6 tàu bay A321CEO kế hoạch bán năm 2020, Vietnam Airlines đã đẩy sớm chương trình bán 3 tàu bay A321CEO sản xuất năm 2008 lên giai đoạn 2020 – 2021 (kế hoạch ban đầu là vào 2023 – 2024).
Việc bán các tàu bay có tuổi thọ 12 – 13 năm được cho biết là nằm trong định hướng đổi mới đội tàu bay của Vietnam Airlines. Các tàu bay trong kế hoạch bán là các tàu bay đã trả hết nợ vay và thuộc sở hữu của công ty.
Đại diện Vietnam Airlines nói rằng trong bối cảnh hiện tại thị trường hàng không toàn cầu đang có xu hướng hồi phục trở lại nhờ tiến trình triển khai vắc xin, việc triển khai bán các tàu bay thời điểm này hoàn toàn khả thi.
Trong quý 1 năm nay, Vietnam Airlines ghi nhận mức lỗ sau thuế gần 5.000 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ luỹ kế lên 14.219 tỷ đồng.
Lỗ luỹ kế đã lớn hơn vốn điều lệ, tức công ty đứng trước nguy cơ hủy niêm yết nếu không sớm được khắc phục. Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines giảm từ 6.072 tỷ đồng xuống còn 1.031 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả là 59.550 tỷ đồng; riêng các khoản nợ vay ngắn hạn 12.694 tỷ đồng và nợ vay dài hạn 21.640 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên 57,7 lần.
Bảng cân đối kế toán của Vietnam Airlines đang trong trạng thái đáng "báo động". Tiền mặt, tiền gửi ngắn hạn của công ty ghi nhận 2.077 tỷ đồng cuối kỳ.
Vietnam Airlines sẽ cần nhanh chóng thực hiện tăng vốn để tránh tình trạng âm vốn chủ, buộc phải hủy niêm yết nếu tình hình lợi nhuận quý 2 không được cải thiện.
Vietnam Airlines dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông vào ngày 30/6/2021.
Phiên giao dịch ngày ngày 2/6, cổ phiếu Vietnam Airlines đã bất ngờ tăng trần lên 27.400 đồng. Trước đó cổ phiếu này đã giảm liên tục từ mức 34.000 đồng đầu tháng Tư xuống 25.500 đồng - tương đương mức đáy gần nhất thiết lập hồi tháng Hai.