MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VinSmart, Bkav cùng hàng loạt doanh nghiệp công nghệ Việt đang đứng trước một "miền đất hứa"?

Sau 4 năm tự do hoá thị trường viễn thông và công nghệ thông tin, Myanmar đang tạo ra một "sân chơi" mới, đầy hấp dẫn cho doanh nghiệp ngành công nghệ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tháng 5, những chiếc điện thoại Vsmart do Vingroup sản xuất đã được bày lên kệ của gần 1.500 của hàng tại Myanmar. VinSmart đã chọn Qua Strong Source, nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng và kinh doanh đa ngành số 1 của nước này để phân phối sản phẩm.  Thông qua đối tác này, Vsmart đồng thời hợp tác với Mytel (mạng di động của Viettel ở Myanmar) và Shop.com.mm (Alibaba).

"Thị trường Myanmar là một thị trường tiềm năng với tỷ lệ tăng trưởng mạnh các sản phẩm tiêu dùng công nghệ trong những năm gần đây. Do đó rất nhiều thương hiệu điện thoại khác cũng đã nhanh chóng nhập cuộc và cạnh tranh khốc liệt", bà Nguyễn Thị Bích Phương, Phó TGĐ Marketing công ty VinSmart nói.

Hai tháng sau bước đi của VinSmart, Bkav đã thông tin sẽ hợp tác cùng nhà mạng Mytel để đưa Bphone 3 vào thị trường nước này. Trả lời Myanmar Times, ông Lê Quang Hiệp, TGĐ Bkav Myanmar cho biết công ty đã dành 6 tháng để nghiên cứu thị trường. Tương tự như VinSmart, ông Hiệp cho biết Myanmar là thị trường di động có mức tăng trưởng ấn tượng.

Thị trường di động của Myanmar được đánh giá là non trẻ, nhiều cơ hội, bởi chỉ 8 năm trước về trước, điện thoại di động là thứ xa xỉ dành riêng cho người giàu.

Myanmar cũng hấp dẫn những startup công nghệ Việt Nam. FastGo, sau 1 năm ra mắt đã "go global" với hai điểm đến là Myanmar và Singapore. Từ cuối năm 2018, ứng dụng gọi xe máy đã hợp tác liên doanh với tập đoàn Asia Sun Group, chính thức ra mắt dịch vụ tại Myanmar.

FastGo triển khai 2 dịch vụ là FastCar (gọi xe 4 bánh) và FastTaxi (gọi xe taxi). Chiến lược của startup này là không thu % chiết khấu với đối tác lái xe, chỉ thu dịch vụ cố định.

Chủ tịch FastGo Group Nguyễn Hữu Tuất cho biết trong 2 tháng đầu tiên, ứng dụng thu hút được 100.000 khách và hơn 4.000 đối tác tài xế. Ông Tuất cũng tuyên bố mục tiêu đến cuối năm 2019 sẽ đạt 1 triệu khách và có 20.000 xế, đồng thời mở rộng hệ sinh thái FastGo, trong đó có mảng thanh toán điện tử và dịch vụ tài chính.

Với dân số 54,5 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 6% cùng với thị trường công nghệ vốn có tiềm năng lớn nhưng còn sơ khai là những lý do Myanmar đang dần trở nên hấp dẫn với các doanh nghiệp công nghệ, trong đó có Việt Nam.

Cuối năm 2018, Thứ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông Than Oo cho biết kể từ khi tự do hoá thị trường viễn thông và công nghệ thông tin cách đây 4 năm, Myanmar đã đạt được những kết quả đáng kể. Ví dụ như từ mức phí 300 USD cho 1 SIM điện thoại thì đến nay, chi phí là dưới 1 USD. Myanmar đã có 4 nhà mạng viễn thông với mật độ phủ là 92% dân số và 65% diện tích lãnh thổ, tỷ lệ thuê bao di động là 101/%. Những điều này được xem là tiền đề để hấp dẫn cho những "cuộc chơi" công nghệ trong tương lai. 

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam cũng rất được chào đón ở thị trường này mà những cái tên có thể kể đến như Mytel của Viettel, liên doanh VNPT với Streamnet hay FPT Myanmar.

Thứ trưởng Than Oo cũng nhấn mạnh Myanmar vẫn tiếp tục chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đầu tư vào Myanmar, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp phần mềm, nội dung số và công nghiệp điện tử.

Bình An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên