MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VNDirect có thể hoạt động trở lại sớm nhất vào sáng 28/3

Đại diện VNDirect cho biết, nhanh nhất đến sáng thứ năm (28/3), sự cố của công ty chứng khoán này có thể khắc phục hoàn toàn và hệ thống hoạt động trở lại.

Trả lời VTC News sáng 26/3, đại diện truyền thông của VNDirect cho biết: “Hiện công ty đang tiếp tục làm việc với đối tác để khắc phục toàn bộ lỗi hệ thống đã xảy ra. Phía đối tác cho biết, nhanh nhất đến sáng thứ năm (28/3) là có thể khắc phục được sự cố và hoạt động trở lại”.

Về chính sách hỗ trợ khách hàng, vị đại diện trả lời: “Hiện chưa thể đánh giá được khách hàng bị ảnh hưởng như thế nào. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tìm hiểu, đánh giá để xem xét, đề xuất chính sách phù hợp”.

Trước đó, từ sáng sớm, trên website của VNDirect đã đăng tải thông báo với nội dung: "Hệ thống VNDirect hiện đang trong quá trình khắc phục và kết nối trở lại. Toàn bộ thông tin và tài sản của khách hàng đều được đảm bảo trạng thái an toàn, không bị ảnh hưởng.

Sự cố chỉ gây ảnh hưởng đến việc giao dịch hiện tại của quý khách hàng. Chúng tôi đang tiến hành kết nối lại hệ thống, do dữ liệu quá lớn nên mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Chúng tôi chân thành xin lỗi vì những bất tiện của quý khách hàng và rất mong nhận được sự thông cảm".

VNDirect có thể hoạt động trở lại sớm nhất vào sáng 28/3- Ảnh 1.

Đại diện VNDirect cho biết hệ thống có thể hoạt động trở lại sớm nhất vào sáng 28/3. (Ảnh minh họa)

Như vậy, hệ thống giao dịch trực tuyến của công ty đã ngừng hoạt động từ 10h sáng 24/3 đến nay, sau khi bị đối tượng từ bên ngoài tấn công.

Trong phiên giao dịch chứng khoán hôm qua, hàng triệu khách hàng của VNDirect không thể giao dịch qua hệ thống này. Trước đó, công ty thông báo đến sáng 25/3 đã khắc phục sự cố, đang trong quá trình kết nối lại giao dịch và kỳ vọng sẽ khôi phục trở lại vào đầu giờ chiều 25/3.

Trong khi VNDirect chưa thể kết nối thì website của nhiều công ty có liên quan đến công ty này cũng không thể truy cập được. Cụ thể, nhà đầu tư khi truy cập vào website của Tổng Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) chỉ nhận được thông báo xác nhận hệ thống bị tấn công.

Website của các công ty như: Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán I.P.A (IPAAM), Tập đoàn Đầu tư I.P.A (IPA), Công ty cổ phần Thực phẩm Homefood cũng không thể truy cập.

Trong bối cảnh này, dù được cam kết rằng tài sản và thông tin cá nhân không bị ảnh hưởng nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn lo lắng khi tình trạng không thể giao dịch bị kéo dài.

Trên mội hội nhóm đầu tư chứng khoán gần 500.000 thành viên, tài khoản Mạn Nhi bày tỏ: “ Nhà đầu tư dùng app VNDIRECT nay như ngồi trên đống lửa. 10 cổ phiếu của tôi sập gần sàn mà chỉ biết trơ mắt nhìn, không thể làm gì. Cho hỏi mai tôi lên trụ sở đăng ký bán liệu còn được không? ”.

Nhà đầu tư Khang Duy cũng bình luận: “ Không vào được hệ thống không thể giao dịch, chuyển tiền với rút tiền cũng không được. Tài sản khác gì bị đóng băng ".

Nhà đầu tư Quyên Quyên thì nói: “ Mở lại là tôi bán sạch, yếu kém thế này, tôi mất cả trăm triệu ”.

Trong khi đó, nhà đầu tư Tùng Nguyễn đưa ra nhận định: “ Nếu không xử lý nhanh chóng thì một lượng tiền đáng kể đổ vào thị trường sẽ mất, trong thời gian VND khắc phục hệ thống ”.

Theo nguồn tin của VTC News , đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) cho biết, đơn vị hiện đang điều tra, xác minh việc hệ thống của VNDirect bị tấn công.

Còn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng đã lên tiếng cảnh báo về sự cố của VNDirect. Theo đó, UBCKNN yêu cầu các công ty đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), cơ sở dữ liệu dự phòng hoạt động an toàn và liên tục theo quy định.

Chủ động rà soát, kiểm tra ngay các phương án bảo mật cho hệ thống CNTT của công ty, đặc biệt là hệ thống giao dịch chứng khoán và các hệ thống có kết nối mạng Internet để kịp thời khắc phục các lỗ hổng bảo mật (nếu có).

Thực hiện kiểm tra các quy trình giao dịch trực tuyến; quy trình kiểm soát rủi ro; quy trình sao lưu dự phòng hệ thống, dữ liệu; quy trình quản trị vận hành các hệ thống CNTT; xây dựng các biện pháp ứng phó và khắc phục các rủi ro về an toàn bảo mật tiềm ẩn.

Trong trường hợp công ty phát hiện các dấu hiệu mất an toàn bảo mật phải chủ động, tập trung nguồn lực để xử lý, khắc phục.

UBCKNN cũng yêu cầu các công ty nghiêm túc, khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả rà soát, kiểm tra, phương án khắc phục (nếu có) cho UBCKN và các đơn vị có liên quan trước ngày 1/4/2024.

Theo Phạm Duy/VTCnews

VTCNews

Trở lên trên