VNFin Lead là một trong số ít quỹ ETF tăng trưởng dương hai tháng đầu năm
Phần lớn các quỹ ETF đầu tư tại Việt Nam đều tăng trưởng âm hai tháng đầu năm qua. V.N.M ETF có hiệu suất thấp nhất âm 8,5%, FTSE Vietnam ETF âm 6%... Một trong số ít quỹ ETF vẫn duy trì mức tăng trưởng dương có thể kể đến SSIAMVNFin Lead với tỷ suất sinh lời 3,4%.
- 24-01-2022'Cuộc đua' giữa Warren Buffett và quỹ ETF hot nhất 2020: Đầu tư giá trị thắng thế, mua cổ phiếu giá rẻ luôn mang lại 'cơ hội vàng'!
- 07-01-2022Thêm một quỹ ETF VN30 niêm yết trên sàn chứng khoán
- 26-12-2021Dòng tiền đổ mạnh vào quỹ VNFinLead ETF trong những tháng cuối năm
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận diễn biến ảm đạm trong hai tháng đầu năm khi đi ngang và liên tục có những pha giảm điểm mạnh. Đóng cửa phiên cuối tháng 2, VN-Index ở mức 1.490,13 điểm, giảm 0,5% so với mức 1.498,28 vào ngày 31/12/2021. Một trong những yếu tố khiến chỉ số chung biến động giằng co, rung lắc thời gian qua có thể kể đến căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine.
Trước bối cảnh này, phần lớn các quỹ ETF đầu tư tại Việt Nam đều tăng trưởng âm hai tháng đầu năm. Trong đó, Vaneck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF) có hiệu suất thấp nhất, ở mức âm 8,5%.
Top 5 khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất của quỹ là VHM, MSN, VNM, VIC và HPG (6,02%). 4/5 cổ phiếu này đều ghi nhận giá sụt giảm hai tháng đầu năm. Cụ thể, giá VIC giảm mạnh nhất 19%; MSN giảm 8,8%; VNM giảm 7,2%; VHM giảm 5,5%.
Đây cũng là những khoản đầu tư lớn nhất tại quỹ ETF ngoại khác là FTSE Vietnam ETF, theo đó hiệu suất hai tháng đầu năm kém khả quan với mức âm 6%.
MV Index Solutions (MVIS) sắp tới sẽ công bố kết quả cơ cấu danh mục quý I của MVIS Vietnam Index - chỉ số cơ sở của VNM ETF vào ngày 11/3. Sau đó, quỹ sẽ giao dịch trong thời gian 14-18/2.
SSI Research và BVSC đều dự báo cổ phiếu của Tập đoàn C.E.O và PVDrilling có thể được thêm vào chỉ số do đã đạt đủ các yêu cầu. Trong khi đó, sẽ không có cổ phiếu nào bị loại ở kỳ cơ cấu lần này.
Hiện tại tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục của quỹ V.N.M ETF đang chiếm khoảng 78,4%. Tổng giá trị tài sản của quỹ đạt khoảng 544 triệu USD.
FTSE Russell sẽ công bố danh mục mới của FTSE Vietnam Index - chỉ số cơ sở của quỹ FTSE FTSE ETF vào 4/3. Quỹ này sẽ có thời gian 7 – 18/3 để điều chỉnh danh mục. FTSE ETF hiện có tổng tài sản 378 triệu USD.
SSI Research dự báo cổ phiếu của VNDirect và Đầu tư Nam Long có thể được thêm vào chỉ số do đã đạt đủ các yêu cầu. Trong khi đó, APH của Tập đoàn An Phát Holdings có thể bị loại.
Tỷ suất sinh lời của quỹ ETF đến từ Đài Loan - Fubon FTSE Vietnam âm 3,3% trong hai tháng đầu năm. Từ đầu năm đến nay, quỹ hút ròng 84 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương hơn 1.100 tỷ đồng. Lượng hút ròng phần lớn vào tháng 1 (ngày 18/1 - 42 triệu chứng chỉ quỹ, ngày 19/1 - 18 triệu, ngày 25/1 - 13,5 triệu).
Trước khi huy động thêm vốn, quỹ ngoại đã liên tục bị rút ròng trong những tháng cuối năm ngoái. Tính từ tháng 8 đến tháng 12/2021, lượng vốn rút khỏi Fubon lên tới 125 triệu USD (khoảng 2.850 tỷ đồng), qua đó trở thành quỹ ETF bị rút vốn mạnh nhất thị trường.
Các quỹ sử dụng tham chiếu VN30 như MAFM VN30 ETF, VFMVN30… cũng có tỷ suất lợi nhuận âm.
Một trong số ít quỹ ETF vẫn duy trì mức tăng trưởng dương trong hai tháng đầu năm qua có thể kể đến SSIAM VNFin Lead với tỷ suất sinh lời 3,4%. VNFin Lead được quản lý bởi Quản lý quỹ SSI (SSIAM), quỹ mô phỏng chỉ số ngành tài chính bao gồm các công ty trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Trong đó, một số mã chiếm tỷ trọng đầu tư lớn đều có biến động về giá tích cực như MBB (tăng 19%), VPB (tăng 6%), STB (tăng 3%), TCB (tăng 2,2%)...
Từ đầu năm, SSIAM VNFin Lead đã hút ròng 10,5 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng với hơn 230 tỷ đồng. Trong đó, ngày 25/11 có lượng phát hành nhiều nhất với 2,7 triệu đơn vị.
Quỹ VFMVN Diamond có hiệu suất đầu tư ở mức 3,1%. Cuối tháng 1, danh mục quỹ gồm các cổ phiếu cạn room ngoại như MWG, FPT, PNJ, TCB, VPB… Hầu hết các cổ phiếu này đều tăng trưởng dương về giá từ đầu năm.
Xét đến các quỹ chủ động, VFMVSF thuộc Dragon Capital có hiệu suất cao nhất thị trường với 4,2%. Quỹ thành viên Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) của Dragon Capital ghi nhận tỷ suất sinh lời 2%. Tại ngày 24/2, quy mô quỹ đạt hơn 2,6 tỷ USD được phân bổ nhiều nhất vào cổ phiếu HPG (11,65%), VPB (10,98%), MWG (9,78%), ACB (9,71%)…
Đáng chú ý, từ 31/12/2021 đến 25/2, VEIL đã mua ròng khoảng 7 triệu cổ phần Đất Xanh, qua đó trở thành cổ đông lớn khi sở hữu hơn gần 31 triệu cổ phiếu DXG, tương đương 5,2%. Theo đó, tỷ trọng đầu tư DXG liên tục thăng hạng trong danh mục 10 khoản đầu tư giá trị nhất. Cụ thể, DXG vượt FPT, TCB và VIC để lên vị trí thứ 7 với tỷ trọng 5,62%.
Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL tại ngày 24/2. Ảnh: VEIL |
Nhờ đầu tư hiệu quả trong tháng 1, quy mô PYN Elite Fund tăng lên 886,3 triệu Euro, tương ứng hơn 1 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên danh mục quỹ Phần Lan vượt mốc 1 tỷ USD. Diễn biến khả quan của PYN Elite Fund được dẫn dắt bởi các cổ phiếu như VRE, MBB và CTG. VHM tiếp tục là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục PYN Elite Fund với tỷ trọng 18,4%, tiếp theo lần lượt là CTG (16,1%), VRE (10%), TPB (9,7%), MBB (9,3%)…
Tuy nhiên sang tháng 2, quỹ ngoại đã ghi nhận hiệu suất âm 2,9% do các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đều có xu hướng giảm. Cụ thể, VHM giảm 3,5% xuống 77.500 đồng/cp; CTG giảm 10,2%; VRE giảm 4%.... Như vậy sau hai tháng đầu năm, hiệu suất quỹ âm 0,2%, song vẫn tốt hơn mức giảm 0,5% của VN-Index.
Mới đây, Ban điều hành của PYN Elite Fund đã đưa ra quyết định về việc không chấp nhận bất cứ nhà đầu tư nào đang sinh sống và trả tiền thuế cho chính phủ Nga. Quyết định này dựa trên cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Người đồng hành