MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VNIndex giảm mạnh nhưng dòng tiền “nóng” của các quỹ ETF đã quay trở lại

Dòng tiền đổ vào quỹ ETF vốn được đánh giá là dòng tiền "nóng", ra vào rất nhanh theo xu hướng của thị trường chứ không "buy and hold" như quỹ đầu tư thông thường. Một điểm tích cực có thể nhận ra là dù các quỹ khác bán ròng nhưng hiện dòng tiền tại các quỹ ETF không bị rút ra.

Rút vốn quy mô toàn cầu khiến thị trường ảm đạm

VNIndex đã giảm 20% từ vùng đỉnh 1.200 và đã trở về vùng giá của đầu năm 2018 của chỉ số này. Một tác nhân quan trọng gây ra sự sụt giảm trên đó là sự rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) - ngược hẳn với quá trình đi lên trước đó. 

Theo báo cáo mới nhất của SSI Retail Research, tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổng giá trị bán ròng của NĐTNN tính từ đầu tháng 2 là 10,6 nghìn tỷ, lớn hơn giá trị mua ròng trong tháng 1 là 5,3 nghìn tỷ.

Tuy nhiên, sự rút vốn này không chỉ tồn tại ở riêng thị trường Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức 3,11% trong ngày 17/5/2018 đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc FED sẽ đẩy nhanh việc tăng lãi suất, và hoàn toàn có khả năng sẽ có đợt nâng lãi suất lần thứ 4 trong năm nay.

VNIndex giảm mạnh nhưng dòng tiền “nóng” của các quỹ ETF đã quay trở lại - Ảnh 1.

Biến động VN-Index trong 6 tháng

Lãi suất tăng cao, đồng đô la tăng giá khiến cho chi phí vốn của các quỹ hoạt động bằng vay nợ USD tăng lên, và khối này buộc phải bán ra để thu hồi vốn. Dòng vốn nóng đổ về các thị trường mới nổi (Emerging Market/EM) ở những năm trước thì nay cũng chính là luồng tiền bị rút ra mạnh mẽ nhất và điều này thực sự đã tạo ra những sự chao đảo không chỉ trên thị trường chứng khoán mà còn tới tiền tệ của các EM. Đồng tiền của các EM như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina đã giảm hơn 15% so với với đồng bạc xanh trong năm nay. Đồng Zloty của Ba Lan hay Ruble của Nga cũng giảm trên 8% so với đô la Mỹ.

Sự lo lắng của giới đầu tư trên toàn thế giới còn tăng lên do những căng thẳng quan hệ kinh tế Trung – Mỹ và sự quan ngại về một cuộc chiến tranh thương mại tiềm tàng. Ngoài ra, căng thẳng khu vực trung đông, trong đó có sự liên quan của các cường quốc sản xuất dầu mỏ như Mỹ, Nga, Iran, A rập Xê út, Xi ri… đã làm giá dầu gia tăng nhanh chóng với dầu Brent vượt 80 USD và dầu WTI tiệm cận 72 USD/thùng cũng khiến triển vọng tại các EM kém khả quan kèm theo một cuộc "tháo chạy" khỏi các thị trường này.

Tín hiệu tích cực từ các quỹ ETF

Dòng tiền đổ vào quỹ ETF vốn được đánh giá là dòng tiền "nóng", ra vào rất nhanh theo xu hướng của thị trường chứ không "buy and hold" như quỹ đầu tư thông thường. Một điểm tích cực có thể nhận ra là dù các quỹ khác bán ròng nhưng hiện dòng tiền tại các quỹ ETF không bị rút ra.

VNIndex giảm mạnh nhưng dòng tiền “nóng” của các quỹ ETF đã quay trở lại - Ảnh 2.

Hiện tại trên TTCK Việt Nam có 3 quỹ ETF lớn là quỹ VNM quản lý bởi Van Eck Global, quỹ FTSE quản lý bởi Deutsche bank và quỹ ETF nội quản lý bởi VFM. Tính từ đầu tháng 4 tới nay thì quỹ VNM rút ròng khoảng 4,5 triệu USD sau khi thu hút được hơn 48 triệu USD trong quý 1. Quỹ FTSE huy động được 9,3 triệu USD trong thời gian này, đặc biệt là giai đoạn 2 tuần gần đây khi chỉ số VNIndex đã giảm đáng kể từ vùng đỉnh của tháng 4.

VNIndex giảm mạnh nhưng dòng tiền “nóng” của các quỹ ETF đã quay trở lại - Ảnh 3.

Quỹ ETF nội VFMVN30 từ đầu tháng 4 tới nay đã phát hành thêm 8,3 triệu chứng chỉ quỹ (CCQ) và thu về khoảng 120 tỷ đồng. Nhìn vào biểu đồ lượng chứng chỉ quỹ của VFMFN30 có thể thấy quỹ này thường "đi trước" chỉ số VNIndex.

Lượng tiền đổ vào quỹ ETF nội tạo ra sự tăng trưởng cho nhóm VN30 và thời điểm lượng chứng chỉ quỹ tăng lên trong tháng 1 cũng giúp VNIndex tăng giá mạnh mẽ. Có thời điểm quỹ này quản lý danh mục gần 5.500 tỷ đồng.

Lượng ccq giảm đi từ cuối tháng 3, trước khi VNIndex bước vào nhịp giảm giá. Và ở thời điểm hiện tại, sau khi VNIndex giảm giá 20% từ đỉnh, lượng ccq của quỹ ETF nội có đang xu hướng tăng lên.

Kỳ vọng gì ở TTCK Việt Nam

Những yếu tố vĩ mô vẫn đang diễn biến theo chiều hướng tích cực. GDP quý I tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tăng trưởng GDP trong 3 tháng năm 2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. Cho thấy triển vọng lạc quan về một năm 2018 có mức tăng trưởng kỳ vọng cao hơn năm 2017.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 2,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2017 tăng 4,8%), lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ (con số này ở cùng kỳ 2017 là 1,62%).

Xuất khẩu 4 tháng qua đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%. Xuất siêu tiếp tục duy trì ở mức 3,39 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Dự trữ ngoại hối đã đạt gần 63 tỷ USD, như vậy trong hơn 2 năm qua chúng ta đã mua thêm 32 tỷ USD. Thu ngân sách đạt hơn 33% dự toán. Dự trữ ngoại hối không ngừng cải thiện là một nhân tố rất tích cực hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá.

Những chỉ số vĩ mô của Việt Nam đều ấn tượng hơn so với những nước trong khu vực thuộc khối EM.

VNIndex giảm mạnh nhưng dòng tiền “nóng” của các quỹ ETF đã quay trở lại - Ảnh 4.

So sánh tình hình vĩ mô quý I với các quốc gia khác trong khu vực (Nguồn: VPBS)

Theo thống kê của VPBS, các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận mua ròng hơn 1,7 tỷ USD trên thị trường cổ phiếu và mua ròng 84,9 triệu USD trên thị trường trái phiếu Việt Nam từ đầu năm 2018, cho thấy sự hấp dẫn tương đối của thị trường nước ta so với các quốc gia ASEAN đang phát triển khác.

Nếu trừ đi lượng mua ròng của khối ngoại trong 2 thương vụ đình đám gần nhất là FPT Retail và Vinhomes, thì khối ngoại vẫn mua ròng một lượng cổ phiếu giá trị hơn 7.000 tỷ đồng, tương đương 309 triệu USD. Đây là một con số đáng khích lệ khi so sánh với các thị trường trong khu vực. Từ đầu năm tới nay NĐTNN đã rút ròng 3,2 tỷ USD tại Thái Lan, hơn 3 tỷ USD tại Indonesia, 900 triệu USD tại Philipines.

VPBS cho rằng thị trường nhà đầu tư đã phản ứng "thái quá" với những rủi ro trên thị trường. Việc bán ròng của NDTNN không loại trừ khả năng, dòng tiền nước ngoài bán ra trong 2 tuần gần đây nhất có thể từ quá trình tái cơ cấu của các quỹ hoặc của các nhà đầu tư cá nhân, và mang tính đầu cơ, ngắn hạn.

Trong khi đó, dòng tiền tham gia mua ròng, đặc biệt đấu giá các thương vụ chào sàn lớn từ đầu năm, phần nhiều là của các nhà đầu tư tổ chức, mang tính chiến lược và lâu dài hơn. Nhiều cổ phiếu bluechips với mức giảm hơn 30% từ đỉnh đã trở nên hấp dẫn hơn và phù hợp để đầu tư dài hạn.

Mai Ngọc

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên