MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VnIndex mất mốc 1.000 điểm, thanh khoản ngày càng “teo tóp”, nỗi buồn cho cổ phiếu chứng khoán quý 2?

Thanh khoản thị trường giảm mạnh, cũng như hoạt động tự doanh sẽ không còn đột biến sẽ là những thách thức không nhỏ cho ngành chứng khoán quý 2.

Được coi là 2 mảng kinh doanh cốt lõi của hầu hết các CTCK, doanh thu từ môi giới và cho vay giao dịch ký quỹ (margin) luôn đem lại những con số tăng trưởng ấn tượng khi thị trường sôi động và chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu hoạt động.

Thị trường giao dịch tích cực trong quý 1/2018 giúp các CTCK đều báo lãi rất lớn. Chứng khoán SSI báo lãi trước thuế tăng 46%; HSC lãi sau thuế tăng 242%; Vndirect và chứng khoán VCSC lần lượt báo lãi tăng trưởng 30% và 188%. Với kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu các CTCK như SSI, HCM, VND, SHS, VCI…đều tăng bằng lần trong năm 2017, quý 1 năm 2018 và trở thành một trong những nhóm ngành "hot" nhất thị trường.

Đóng góp lớn trong tổng doanh thu hoạt động của các CTCK vẫn là 2 mảng môi giới và cho vay margin, khi tại chứng khoán SSI là 54%; HSC là 46%; VCSC là 70%; Vndirect là 64%; MBS là 68%.

VnIndex mất mốc 1.000 điểm, thanh khoản ngày càng “teo tóp”, nỗi buồn cho cổ phiếu chứng khoán quý 2? - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh của các CTCK quý 1 vừa qua cũng đem lại lợi nhuận vượt trội. Nhiều CTCK đã mang "của để dành" từ năm 2017 ra chốt lời tại thời điểm đỉnh của thị trường. Điển hình là HSC khi bán đi 548 tỷ đồng giá trị các tài sản tài chính, giá trị còn lại chỉ gần 65 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 1/2018. Hoạt động này ghi nhận khoản lãi đạt hơn 400 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ có 9,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều khả năng những thuận lợi trong thời gian qua sẽ không còn lặp lại trong quý 2 này bởi thanh khoản thị trường đã giảm mạnh, cũng như hoạt động tự doanh sẽ không còn đột biến bởi diễn biến thị trường không thuận lợi.

Thanh khoản thị trường hiện tại tăng nhẹ so với quý 2/2017, nhưng đang giảm so với quý 1/2018  

Sau khi trải qua khoảng thời gian thăng hoa trong quý 1, chỉ số VN-index đã chính thức thiết lập đỉnh tại mốc 1.200 điểm và kể từ thời điểm đó thị trường bắt đầu quá trình điều chỉnh và thậm chí mốc 1.000 điểm cũng đã bị xuyên thủng. Cùng với sự sụt giảm của chỉ số, thanh khoản cũng đang giảm tốc khá nhanh.

Trên sàn HOSE, trong quý 2/2018 (tính đến ngày 18/05) khối lượng khớp lệnh trung bình đạt 164 triệu cổ phiếu, giảm 14% so với quý 2/2017 (190 triệu cổ phiếu) và giảm gần 20% so với quý 1/2018 (230 triệu cổ phiếu). Về giá trị khớp lệnh, trong quý 2/2018 đạt trung bình 4.967 tỷ đồng, tăng 10,3% so với quý 2/2017 (4.500 tỷ đồng) nhưng lại giảm 14,2% so với quý 1/2018 (6.338 tỷ đồng).

Về giao dịch thảo thuận trong quý 2/2018 cũng giảm 14,2% so với giá trị trung bình đạt được trong quý 1 trước đó. Tuy nhiên số liệu giao dịch thỏa thuận chưa tính đến thương vụ đột biết 1,35 tỷ USD của Vinhomes được thực hiện vào ngày 18/05.

VnIndex mất mốc 1.000 điểm, thanh khoản ngày càng “teo tóp”, nỗi buồn cho cổ phiếu chứng khoán quý 2? - Ảnh 2.

Trên sàn HNX, khối lượng giao dịch trung bình quý 2/2018 đạt 52,4 triệu cổ phiếu, giảm gần 9% so với quý 2/2017 và giảm 22% so với quý 1/2018. Về giá trị giao dịch, trung bình quý 2/2018 đạt 879,5 tỷ đồng, tăng 42% so với quý 2/2017 nhưng lại giảm 17,8% so với trung bình quý 1/2018.

Không chỉ vậy, theo một số CTCK thì dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) cũng hạ nhiệt đáng kể, kéo theo nguồn thu từ cho vay sẽ không còn nhiều như những quý trước đó.

"Điểm nóng" phái sinh chưa đủ cứu CTCK

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong quý 1/2018, hoạt động giao dịch tăng trưởng mạnh ở tất cả các chỉ tiêu. Tổng khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh đạt 1.350.182 hợp đồng, tương ứng giá trị giao dịch (theo quy mô danh nghĩa hợp đồng) đạt hơn 146.127,15 tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 22.884 hợp đồng/phiên, tăng 63% so với quý 4/2017 và gấp 2,1 lần so với khối lượng giao dịch bình quân phiên của năm 2017.

Cũng theo HNX, khối lượng hợp đồng phái sinh khớp lệnh trung bình mỗi phiên trong quý 2/2018 (tính đến ngày 18/05) đạt 42.000 hợp đồng, tăng 83% so với quý 1/2018; giá trị giao dịch đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 85% so với quý trước.

Việc thị trường phái sinh ra đời đã tạo cho NĐT một kênh đầu tư hấp dẫn ngay cả khi thị trường chứng khoán đi xuống, giúp họ tối đa hóa lợi nhuận một cách hiệu quả nhất. Điều này khiến cho giao dịch phái sinh trở nên sôi động khi mà thị trường cơ sở trầm lắng, qua đó giúp các CTCK bù đắp phần nào khó khăn từ việc sụt giảm thanh khoản. Dù vậy, hiện mới chỉ có một vài CTCK triển khai phái sinh nên khó có thể kỳ vọng hiệu quả lan rộng ra toàn nhóm ngành.

Do đó, với những khó khăn của thị trường trong quý 2 này thì việc cổ phiếu chứng khoán có diễn biến kém tích cực cũng là điều không quá bất ngờ.

Quách Tĩnh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên