Vỡ mộng nhà máy cồn Ethanol nghìn tỷ
Hai nhà máy sản xuất cồn Ethanol được đầu tư với quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, một nhà máy đã đóng cửa, nhà máy còn lại hoạt động cầm chừng. Hàng trăm công nhân kỹ sư thất nghiệp lâm vào cảnh khốn khó.
- 11-04-2016Hàng loạt nhà máy Ethanol dừng hoạt động do nợ đọng, phá sản
- 05-04-2016"Trùm mền" những dự án ethanol ngàn tỉ
- 04-09-2015Lo thiếu hụt nguồn cung Ethanol
Khổ cả công nhân lẫn người trồng sắn
Người dân khu đông huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) và nhiều kỹ sư, công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông dọc các tỉnh miền Trung “khát việc làm” từng coi Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất như “thiên đường” để đổi đời bởi thu nhập hằng tháng của mỗi công nhân bình thường cũng đã trên 5 triệu đồng. Riêng kỹ sư, công nhân kỹ thuật thì đều hơn chục triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Phường (34 tuổi) thôn Long Bình, xã Bình Hòa (Bình Sơn), thở dài: Hết thật rồi anh ơi! Bao nhiêu toan tính, dự định giờ đành gác lại để lo chạy ăn hằng ngày cho gia đình.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cấp thoát nước thuộc trường Trung cấp nghề Dung Quất, chị Phường được nhận vào làm ở Nhà máy đóng tàu Dung Quất. Năm 2011, chị được điều sang làm ở Nhà máy Bio - Ethanol. Sau 6 tháng cử đi học tập tại Vũng Tàu, chị Phường được ký hợp đồng làm việc 1 năm, rồi 3 năm. Đến tháng 5/2015, chị được nhà máy ký hợp đồng dài hạn, nhưng cũng từ thời điểm này, nhà máy hoạt động trong tình cảnh “thoi thóp”.
Đến cuối năm 2015 thu nhập của chị giảm còn 50% và đến tháng 3/2016 thì chị phải tạm nghỉ việc không lương. “Tôi và nhiều cán bộ kỹ sư, công nhân nhà máy rời nhà máy mà không được hưởng chế độ, quyền lợi gì cả và cũng gõ cửa khắp nơi nhưng chưa có một câu trả lời thỏa đáng…”, chị Phường kể.
Chị bị cho nghỉ việc cũng là lúc công ty của chồng chị ở Vũng Tàu cũng sa thải công nhân do làm ăn kém hiệu quả khiến gia đình 5 miệng ăn rơi vào cảnh túng quẫn. Chị Phường phải quay sang mưu sinh bằng gánh hàng cháo dinh dưỡng ở chợ Bình Hòa để kiếm tiền nuôi hai con nhỏ cùng bà nội chồng đã già yếu. Chị Phường bộc bạch: “Ngày đó, bà con anh em nghe tôi được nhận vào làm trong nhà máy ai cũng ngỡ như nhặt được vàng đấy, vì đó là giấc mơ của rất nhiều người”.
Tình cảnh như chị Phường không phải là trường hợp hiếm sau khi nhà máy Bio-Ethanol ngừng hoạt động, vì lúc còn hoạt động có trên 200 cán bộ kỹ sư, công nhân và lao động, nhưng nay nhà máy chỉ giữ lại khoảng vài chục người để bảo vệ và bảo dưỡng nhà máy.
Không riêng cán bộ kỹ sư, công nhân nhà máy, những người “ăn theo” nhà máy như người trồng mì (sắn), buôn bán, kinh doanh nhà trọ quanh nhà máy cũng bị vạ lây khi nhà máy ngừng hoạt động.
Theo một cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn, ngày Nhà máy Bio - Ethanol Dung Quất đi vào hoạt động, chính quyền và nhân dân Bình Sơn rất phấn khởi vì có cơ hội phát triển diện tích cây mì (sắn). Theo đề nghị của nhà máy, huyện và các xã khu tây và phía nam của huyện đã quy hoạch vùng trồng mì, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, nhưng rồi nay nhà máy thế này khiến nhiều nông dân bức xúc.
Cũng theo vị cán bộ này, trước những bức xúc của dư luận, phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Như Sô đã chỉ đạo BQL KKT Dung Quất, lãnh đạo nhà máy có báo cáo làm rõ nguyên nhân vì sao nhà máy dừng hoạt động để tỉnh báo cáo Chính phủ xin ý kiến, nhưng rồi đến nay vẫn chưa có tin vui gì.
Không bán được sản phẩm nhà máy phải đóng cửa
Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 2/2012, công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung đưa nhà máy Bio Ethanol Dung Quất (Khu kinh tế Dung Quất, Bình Sơn, Quảng Ngãi) vào hoạt động với công suất thiết kế 100.000m3/năm, tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỉ đồng. Phương án ban đầu là tạo nhiên liệu sinh học thành phẩm để pha với xăng khoáng thành một nguồn xăng sinh học (xăng E5) thân thiện với môi trường cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thế nhưng, khi đi vào hoạt động những tính toán ban đầu đã không thành. Theo lộ trình phát triển, cuối năm 2015, xăng E5 sẽ được tất cả các đơn vị bán lẻ xăng dầu trên cả nước là sản phẩm chính thay cho dầu khoáng thông thường. Nhưng trên thực tế số địa phương tiêu thụ xăng này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Từ tháng 4/2015, nhà máy tạm dừng sản xuất.
Nhà máy đóng cửa, chị Phường lâm vào cảnh khó khăn.
Một lãnh đạo nhà máy cho biết: Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được dẫn đến thua lỗ. Năm 2013 đến nay chỉ có thêm tỉnh Quảng Nam là bán xăng E5. Thị trường các tỉnh khác vẫn đang dậm chân tại chỗ. Việc xuất khẩu xăng sinh học gặp nhiều khó khăn do không tìm được đối tác cũng như cạnh tranh nổi với các sản phẩm của các nước Ấn Độ, Thái Lan... Trong khi việc chào hàng cho sản phẩm nhiên liệu sinh học để pha chế với xăng A92 tạo thành xăng E5 không hề dễ dàng bởi đây là sản phẩm đặc thù.
Cùng cảnh ngộ là nhà máy Nhà máy cồn ethanol Đại Tân do Công ty Cổ phần Đồng Xanh xây dựng với vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Nhà máy có diện tích 17ha, với công suất khoảng 125 triệu lít xăng/năm. Thời điểm đó, đây là nhà máy cồn ethanol lớn nhất nước. Tháng 9/2009, nhà máy cho ra đời mẻ xăng sinh học đầu tiên.
Đến cuối năm 2011, nhà máy phải ngừng hoạt động vì làm ăn thua lỗ. Tháng 6/2015, chủ nợ của nhà máy là BIDV đã bán lại nhà máy cho Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm (Hà Nội). Công ty này sửa chữa, nâng cấp và đưa nhà máy vào hoạt động vào đầu tháng 5/2016.
Ông Phạm Văn Tĩnh, Giám đốc điều hành nhà máy cho biết: Nhà máy hoạt động với công suất 1.000 tấn/năm, hiện sử dụng 170 lao động, trong đó 80% lao động địa phương. Tuy nhiên do mới tái khởi động hoạt động trở lại nên chưa có thông kế cụ thể và đưa ra nhận định gì. Hiện nhà máy đang nỗ lực để sớm thay đổi tình hình.
Tình cảnh như chị Phường không phải là trường hợp hiếm sau khi Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất ngừng hoạt động, vì lúc còn hoạt động có trên 200 cán bộ kỹ sư, công nhân và lao động, nhưng nay nhà máy chỉ giữ lại khoảng vài chục người để bảo vệ và bảo dưỡng nhà máy.
Tiền phong