Vốn đâu cho Đề án phát triển logistics TP.HCM?
TP.HCM vừa phê duyệt Đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn còn trăn trở về nhiều vấn đề, nhất là nguồn vốn thực hiện Đề án.
- 25-12-2020Từ 1/1/2021, chính thức mở rộng không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội
- 25-12-2020Nikkei Asia: Myanmar đã mất nhiều cơ hội thu hút đầu tư khu công nghiệp vào tay Việt Nam
- 25-12-2020Chủ tịch TAB Trần Trọng Kiên: Trong ngành du lịch, có những giám đốc, tổng giám đốc sẵn sàng không nhận lương hàng tỷ đồng để giúp công ty vượt khó khăn
Đề án đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP.HCM đến năm 2025 đạt 15% và năm 2030 đạt 20%, tỷ trọng đóng góp vào GRDP năm 2025 đạt 10% và tăng lên 12% vào năm 2030, góp phần kéo giảm chi phí logistics bình quân cả nước xuống còn 10- 15% vào năm 2025.
Tăng kết nối liên vùng
Đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng, đề án này là cần thiết, sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp ngành logistics của TP.HCM phát triển. Tuy nhiên, cần triển khai Đề án theo từng bước, tránh làm dàn trải, trước mắt cần phải quy hoạch hệ thống kho bãi hợp lý, vì hiện nay kho bãi đang rất thiếu.
Ngoài ra, chi phí kho bãi hiện nay cũng đang khá cao, góp phần làm tăng chi phí vận chuyển, trong khi hệ thống cảng chưa đáp ứng được nhu cầu. Đây là những khó khăn trước mắt của các doanh nghiệp vận tải, cũng như của ngành logistics, cần phải được tháo gỡ.
"Phát triển logistics cần giải được bài toán về kết nối hạ tầng, phải giải quyết được tình trạng kẹt xe xung quanh cảng, sau đó mới đến quy hoạch bến bãi, xây dựng các trung tâm logistics, đào tạo nhân lực", đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. HCM cho biết.
Nếu được thực hiện, Đề án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng khép kín các tuyến đường vành đai, cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh thành phía Nam, tăng cường kết nối vận tải đa phương thức đến các trung tâm logistics.
Những vấn đề cần xử lý
Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện Đề án lên đến gần 96.000 tỷ đồng, khiến nhiều người không khỏi trăn trở về việc huy động vốn như thế nào và thực hiện giải ngân ra sao? "Liệu trong thời gian 10 năm, TP.HCM có thực hiện được Đề án với một nguồn vốn khổng lồ như vậy? Trong khi hàng loạt dự án trọng điểm của Thành phố vẫn đang ngưng trệ nhiều năm do thiếu vốn", một chuyên gia phân vân.
Ngoài kết nối giao thông, vị chuyên gia này cho rằng cần tính đến phương án kết nối với các khu, cụm công nghiệp, phải có sự phân công chuyên môn hóa theo từng địa phương, theo vùng; đồng thời thực hiện quy hoạch đồng bộ giữa các địa phương nhằm phát huy tối đa sức mạnh từ liên kết vùng trong phát triển logistics.
Một trong những bất cập hiện nay của ngành logistics là chưa khai thác hết lợi thế địa lý kinh tế và tiềm năng của mỗi địa phương. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin, cả trong nước và với khu vực còn chưa cao. Việc thực hiện quy hoạch như thế nào để tránh những "lỗ hổng" cũng cần được quan tâm khi thực hiện đề án này.
Ngoài ra, theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện có đến 40% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc giao nhận container rỗng tại các nơi tập kết container. Điều này đã khiến các doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều chi phí, đây là một bất cập cần sớm được tháo gỡ khi thực hiện đề án này.
Diền đàn doanh nghiệp