MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp: 'Trông' vào ngân hàng hay chứng khoán?

07-05-2019 - 08:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong khi ngân hàng “than” phải gánh nặng tới hơn 50% vốn trung dài hạn gây tiềm ẩn rủi ro hệ thống, thì thị trường chứng khoán cho hay đang là “bà đỡ” tốt cho hơn 1000 doanh nghiệp niêm yết. Trong tương lại, doanh nghiệp nên trông cậy vào kênh dẫn vốn nào?

50% vốn trung dài hạn; đang dựa ngân hàng

Vốn trung, dài hạn hiện vẫn phải dựa 50% vào hệ thống ngân hàng, đó là vấn đề nêu tại Hội thảo “Khơi thông dòng vốn trung dài hạn cho nền kinh tế”  (Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019).

Chia sẻ về việc dẫn vốn cho nền kinh tế trong đó có kinh tế tư nhân, Phó Thống đốc NHNN - Đào Minh Tú  cho hay: Nghị quyết số 10-NQ-TW xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước  (NHNN) nhiều năm qua đã và đang triển khai nhiều giải pháp tiêu biểu như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế được mở rộng vay vốn theo năng lực tài chính, kinh doanh đồng thời mở rộng kênh cấp vốn tín dụng khác (bảo lãnh, thuê tài chính...) của tổ chức tín dụng cho nền kinh tế.

“Tuy nhiên, sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn bất cập. Trong khi nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh rất lớn, nhưng thị trường vốn chưa phát triển đủ cả về quy mô và chất lượng để có thể đáp ứng được nhu cầu này. Do đó, vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 50,6% tổng dư nợ).”, Phó Thống đốc Tú nói.

Thực trạng này theo Phó Thống đốc , đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Do đó, để đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, đại diện NHNN cho rằng việc phát triển thị trường chứng khoán là điều kiện tất yếu, giảm dần lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng, đặc biệt là các nhu cầu vốn trung, dài hạn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cũng lưu ý nền kinh tế hiện nay tạo áp lực quá lớn đến hệ thống các tổ chức tín dụng. Nguyên nhân chính gồm: phía doanh nghiệp chưa có báo cáo kế hoạch kinh doanh dài hạn, việc quen thói quen sử dụng vốn dài hạn và xây dựng các kế hoạch phát triển dài hạn. doanh nghiệp chưa có kế hoạch dẫn đến ảnh hưởng lâu dài. Hoặc doanh nghiệp còn ngại công bố thông tin, báo cáo thông tin tài chính chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng. Thông tin chưa được minh bạch, công khai, chỉ tập trung vào trái phiếu chính phủ, bảo lãnh.

Chứng khoán - “Bà đỡ” tốt?

Ngoài hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp tư nhân nên trông chờ vào dòng trung dài hạn chính trên TTCK? Cũng tại hội thảo này, đại diện Bộ tài chính thứ trưởng Trần Xuân Hà đã nêu rõ: "TTCK với vai trò là kênh huy động vốn trung - dài hạn cho đầu tư phát triển đã có sự phát triển đáng ghi nhận". Ông Hà dẫn chứng, những năm 1998, 2000, Việt Nam chỉ có trong tay một nghị định phát triển TTCK, cơ quan nhà nước làm hết tất cả mọi việc để hình thành và phát triển thị trường chứng khoán. "Chúng tôi đánh giá cơ quan nhà nước của Việt Nam đã trở thành "bà đỡ" cho thị trường chứng khoán phát triển", ông Hà nhấn mạnh.

"Kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản phát triển, trong đó có vấn đề tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn".

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa -

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN chia sẻ,  dù thị trường chứng khoán mới có từ năm 2000 song đến nay đã phát triển nhanh và tương đối bền vững. Mỗi năm, thị trường này tăng trưởng bình quân 25%. Nếu như năm 2010, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán chiếm 52,5% GDP thì đến năm 2018, quy mô thị trường vốn là 111% GDP. "Hiện, trên 1.000 doanh nghiệp niêm yết, tỷ lệ các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa lớn. Huy động vốn qua thị trường chứng khoán tốt.Các doanh nghiệp lấy tiền vay ngân hàng để phát triển nguồn vốn thì gặp nhiều rủi ro nên việc huy động vốn qua chứng khoán có thể hạn chế điều này”, ông Sơn nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, năm 2018, tỷ lệ dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng so GDP hơn 130%; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 71,6% GDP; tổng giá trị trái phiếu niêm yết trên thị trường đạt 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương với 20,3% GDP. “Việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, nhất là tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân là nhiệm vụ quan trọng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo Khánh Minh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên