VPBank đang sống dựa quá nhiều vào Fe Credit?
Quý 3 vừa rồi, hơn 2/3 lợi nhuận của VPBank hợp nhất đến từ Fe Credit. Ngân hàng mẹ đang ngày càng lép vế so với công ty con.
- 03-11-2017MB bán 49% công ty tài chính Mcredit cho đối tác Nhật, đặt mục tiêu vào top 3 trong 5 năm tới
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – VPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2017.
Theo đó, lợi nhuận của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm đã lên đến hơn 5.600 tỷ đồng, chính thức lọt vào top 3 ngân hàng lãi nhiều nhất chỉ sau Vietcombank và VietinBank. BIDV – vốn là 1 trong 3 ông lớn ngân hàng từ trước tới nay vẫn vững vàng ở top đầu, nay bị VPBank soán ngôi.
Song đáng chú ý, không như các ngân hàng còn lại là lợi nhuận phụ thuộc vào ngân hàng mẹ, kết quả kinh doanh của VPBank lại đang lệ thuộc quá nhiều vào công ty con – Fe Credit, trong đó thể hiện rõ nhất ở quý 3 năm nay.
Báo cáo tài chính và số liệu tính toán của chúng tôi cho thấy, tại thời điểm 30/9/2017, VPBank hợp nhất có dư nợ cho vay khách hàng hơn 165.100 tỷ, trong đó đến từ ngân hàng mẹ là hơn 124.700 tỷ còn lại hơn 41.000 tỷ là của Fe Credit. Huy động vốn của ngân hàng hợp nhất đạt hơn 127.700 tỷ trong khi công ty con đóng góp hơn 5.500 tỷ.
Điều đó có nghĩa là, quy mô huy động vốn của Fe Credit chỉ tương đương khoảng 4,5% của VPBank (điều này là hợp lý vì công ty tài chính không được phép huy động vốn từ cá nhân còn ngân hàng lại sống nhờ tiền của dân). Trong khi đó, quy mô cho vay của Fe Credit bằng 1/3 so với lượng cho vay ra thị trường của ngân hàng.
Tuy nhiên thu nhập thuần từ lãi của công ty con lại lớn hơn rất nhiều so với ngân hàng mẹ (do vênh nhau về lãi suất). Trong 9 tháng đầu năm, trong tổng thu nhập lãi thuần hơn 14.900 tỷ của ngân hàng hợp nhất thì Fe Credit đóng góp tới hơn 8.300 tỷ, tức bằng 126% so với của VPBank làm ra.
Song nếu xét riêng quý 3/2017, lãi thuần của Fe Credit đạt được nhiều hơn so với của VPBank (2.940 tỷ so với 2.422 tỷ, tức bằng 121%), còn tổng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh và dịch vụ trước dự phòng thì nhiều hơn khoảng 10%.
Sau khi trừ đi các khoản dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động, lợi nhuận trước thuế của Fe Credit quý 3 năm nay đạt 1.600 tỷ (tương đương kết quả đạt được trong cả năm 2016), trong khi ngân hàng mẹ chỉ đạt 771 tỷ. Điều này cũng có nghĩa là, riêng quý 3, lợi nhuận của ngân hàng VPBank hợp nhất có tới hơn 2/3 đến từ công ty con – tỷ lệ đóng góp của công ty con vào công ty hợp nhất lớn nhất từ trước tới nay ở VPBank nói riêng và của hệ thống tài chính ngân hàng nói chung.
Fe Credit vốn đã được lãnh đạo VPBank xác định là con át chủ bài trong chiến lược kinh doanh, ít nhất trong năm nay và năm sau, với bằng chứng là ngân hàng đã đổ thêm gần 1.700 tỷ đồng vốn điều lệ cho công ty con hồi tháng 8 vừa qua và kỳ vọng lợi nhuận ròng năm 2018 sẽ đạt trên 8.000 tỷ trong đó gần 5.000 tỷ do Fe Credit mang lại.
Việc VPBank gặt hái nhiều thành công từ công ty tài chính tiêu dùng là điều dễ hiểu bởi lĩnh vực này còn khá mới mẻ và nhiều tiềm năng. Đang có nhiều ngân hàng mong muốn lập một công ty tài chính tương tự để cạnh tranh, song có lẽ Fe Credit vẫn khá vững tin bởi họ đang chiếm trên 50% thị phần. Song với tỷ lệ đóng góp đến hơn 2/3 kết quả kinh doanh như quý 3 vừa rồi chắc chắn chẳng mấy ai nghĩ tới. Nhưng điều này đồng thời cũng đặt ra câu hỏi ngược lại cho ngân hàng, rằng phải chăng nhà băng này đang dựa quá nhiều vào công ty tài chính mà ngó lơ hoạt động cốt lõi?
Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính kỳ cựu, thị trường tài chính tiêu dùng tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi toàn bộ các khoản vay không có tài sản đảm bảo, nếu việc quản trị rủi ro không cẩn trọng thì kết quả thế nào ai cũng hình dung được. Bên cạnh đó, thị trường cũng có thể bão hòa và thay đổi bất cứ lúc nào, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng khác đang “hừng hực khí thế” nhảy vào tài chính tiêu dùng, nhiều bên còn tìm đến sự trợ giúp đắc lực từ các đối tác nước ngoài để có thêm tiềm lực về tài chính và năng lực quản trị rủi ro.
Tuy nhiên điều gì cũng có thể xảy ra và câu trả lời chính xác nhất vẫn phải chờ thời gian quyết định. Còn trước mắt, VPBank nói chung và Fe Credit nói riêng vẫn được đánh giá là đối thủ cạnh tranh lớn của bất cứ ai muốn nhảy vào tài chính tiêu dùng.
Tính đến 30/9/2017, ngân hàng VPBank có tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ 2,6% trên dư nợ cho vay khách hàng còn tỷ lệ nợ xấu của Fe Credit là 4,45%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng hợp nhất ở mức 3,05%.
Trí Thức Trẻ