MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ bắt CFO Huawei: Nguyên nhân sâu xa từ bài học cay đắng với tàu chiến Mỹ 200 năm trước

17-12-2018 - 13:13 PM | Tài chính quốc tế

Vi phạm cấm vận nhằm vào Iran của Mỹ không phải lý do thực sự đằng sau vụ bắt giữ CFO Huawei Mạnh Vãn Chu.

Cây viết Simon Tisdall đã có bài phân tích trên Guardian về mối quan hệ địa chính trị và kinh tế mang tính đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, nhìn từ vụ bắt giữ CFO Huawei Mạnh Vãn Chu. Dưới đây là phần lược dịch bài viết.

Bài học "chuyên quyền" từ quá khứ

Năm 1807, giữa một cuộc chiến với Pháp, HMS Leopard của Hải quân Hoàng gia Anh đã tấn công, tiếp cận và bắt giữ một tàu chiến Mỹ, USS Chesapeake, ngoài khơi Norfolk, Virgina. Người Anh tuyên bố họ hành động như vậy là bởi trên tàu Mỹ có 4 đối tượng đào ngũ người Anh, những người mà họ đã bắt giữ.

Tuy nhiên, với Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson, đó là một sự xâm phạm thái quá, bất hợp pháp đối với chủ quyền và nền độc lập của một nước cộng hòa non trẻ, cuối cùng dẫn tới chiến tranh năm 1812.

Có thể nói, người Mỹ chưa bao giờ quên bài học từ vụ Chesapeake - và từ đó luôn trung thành áp dụng kịch bản của nước Anh. Khi trở nên hùng mạnh hơn, nước Mỹ cũng tự cho mình quyền được mở rộng quyền lực quốc gia ra ngoài bờ biển của mình.

Cách mà Bộ Tư pháp Mỹ truy đuổi các công dân nước ngoài, như tin tặc người Scotland Gary McKinnon (người được cho là đã vi phạm luật pháp Mỹ) là một ví dụ rõ nét. Vụ dẫn độ McKinnon cuối cùng đã được bà Theresa May, Bộ trưởng Nội vụ Anh khi đó, ngăn chặn vào năm 2012 sau khi vấp phải sự phẫn nộ của dư luận.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa trừng phạt bất cứ cá nhân hoặc đất nước nào, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, nếu vi phạm lệnh cấm vận đơn phương nhằm vào Iran là một ví dụ khác của hành động vượt ra ngoài lãnh thổ.

Ông Trump cũng chiếu cố miễn trừ cho những ai van nài, xin xỏ. Dù vậy, nguyên tắc chung rất rõ ràng: Theo quan điểm của mình, nước Mỹ có quyền điều khiển và kiểm soát hành động của các quốc gia có chủ quyền bằng cách đe dọa, cấm vận hoặc gần như bất cứ biện pháp nào có thể.

Ngay cả những người Mỹ có tư tưởng tự do cũng không thấy có vấn đề gì với lối hành xử chuyên quyền, tự phụ như vậy.

Mạnh Vãn Chu - Nạn nhân của đối đầu nước lớn?

Có vài người lý luận rằng, ai có thể nghi ngờ khả năng nước Mỹ, nhà bảo hộ xuất sắc cho những giá trị, hành động vì những điều tốt đẹp nhất? Thế nhưng, quyền lực của Mỹ không còn lan rộng và được tín nhiệm như cách đây 30 năm. Nhiều nước, gồm cả các đồng minh, nghi ngờ về động cơ và mục đích của nước Mỹ.

Trong đó trước hết là Trung Quốc - một đối thủ, chứ không phải bằng hữu. Phản ứng dữ dội của Bắc Kinh trước vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei, Mạnh Vãn Chu, cho thấy nỗ lực đơn phương thực thi quyền hạn của Washington đã lỗi thời, gây chướng mắt và ngày càng bất khả thi.

Vụ bắt CFO Huawei: Nguyên nhân sâu xa từ bài học cay đắng với tàu chiến Mỹ 200 năm trước - Ảnh 1.

CFO Huawei Mạnh Vãn Chu. Ảnh: Reuters

Nhìn bề ngoài, bà Mạnh bị bắt vì vi phạm cấm vận của Mỹ với Iran. Nhưng bối cảnh của câu chuyện nói lên nhiều điều hơn là hành động vi phạm cụ thể này.

Huawei là nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất đứng thứ hai toàn cầu về điện thoại thông minh, doanh thu năm ngoái ở vào khoảng 92 tỉ USD.

Các lãnh đạo tình báo phương Tây tin rằng sự thống lĩnh thị trường của Huawei, cũng như mối quan hệ của tập đoàn này với chính phủ Trung Quốc là một rủi ro an ninh. Mới đây, Mỹ, Australia, New Zealand và Nhật Bản đều đã hạn chế sử dụng công nghệ Huawei.

Tại Anh, Huawei phải cam kết chi 2 tỉ USD để sửa chữa lỗ hổng an ninh mà Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia Anh lo sợ là có thể bị khai thác để thu thập dữ liệu và do thám. Lời hứa hẹn được đưa ra sau một cuộc họp gay gắt với các quan chức Anh.

Huawei khẳng định rằng cả bà Mạnh lẫn công ty đều không vi phạm luật pháp hoặc gây ra bất cứ rủi ro an ninh nào.

Nhìn rộng hơn thì vụ bắt giữ bà Mạnh hoàn toàn phù hợp với bối cảnh đối đầu chiến lược, địa chính trị và kinh tế ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi cả hai đều coi thường luật pháp quốc tế.

Phản ứng của Mỹ đã khiến Canada mất mặt, phần vì hành động này bị nghi là lạm dụng hệ thống dẫn độ với động cơ chính trị. Còn về phía Trung Quốc, mặc dù không thừa nhận nhưng quyết định bắt giữ 2 công dân Canada có thể coi là sự trả đũa trực tiếp, nhằm gây sức ép buộc Ottawa thả bà Mạnh.

Bà Mạnh có thể coi là nạn nhân đặc trưng cho mối quan hệ đối đầu toàn cầu này. Ông Trump còn đột ngột liên hệ khả năng bỏ qua vụ bà Mạnh với việc xử lý chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Sự can thiệp vụng về của ông Trump - nhanh chóng bị Bộ Tư pháp Mỹ chối bỏ - đã khiến nước Mỹ trông cũng không khá hơn Trung Quốc.

Có vẻ như cả hai bên đều dính dáng tới hành động kiểu "bắt cóc con tin" - vốn không phải điều mà thế giới trông mong từ các cường quốc.

Theo Thi Anh

Thời Đại

Trở lên trên