MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ BiG C Đà Nẵng: Cho hoạt động 10 năm rồi… rút lại

10-07-2016 - 14:13 PM | Doanh nghiệp

Cho rằng Big C Đà Nẵng là bên thứ ba, không trực tiếp ký hợp đồng thuê mặt bằng nên chủ tòa nhà Vĩnh Trung (nơi Big C đang hoạt động) đã bất ngờ thu hồi lại mặt bằng tại đây.

Điều đáng nói, dù Big C hoạt động suốt 10 năm ở đây, chủ tòa nhà vẫn không phản ứng. Chỉ đến đúng vào thời điểm hợp đồng cho thuê được sửa đổi, bổ sung theo kỳ hạn thì chủ nhà mới đưa ra lý do “không chính chủ” ký hợp đồng để đòi thu hồi mặt bằng.

Bỏ qua quyết định của tòa vì... lo cháy nổ?

Theo bà Nguyễn Nữ Tố Nga - quản lý vận hành trung tâm thương mại Big C Đà Nẵng, đơn vị này có hợp đồng thuê mặt bằng từ tầng hầm tới tầng 4 của tòa nhà Vĩnh Trung, thuê từ năm 2006 với thời hạn 40 năm được sửa đổi bổ sung theo từng 
thời điểm.

Tuy nhiên, vào tháng 11-2015 chủ tòa nhà gửi thông báo chấm dứt hợp đồng thuê, đồng thời yêu cầu Big C Đà Nẵng trả lại mặt bằng vào cuối năm. Từ đầu năm 2016, đơn vị chủ tòa nhà là Công ty CP Đức Mạnh tự ý thông báo thu hồi mặt bằng với các cửa hàng nhỏ lẻ tại các khu vực do Big C quản lý, đồng thời có nhiều hành vi cản trở kinh doanh.

Cho rằng Đức Mạnh vi phạm điều khoản hợp đồng nên hai bên đưa nhau ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam tại TP.HCM để giải quyết tranh chấp.

Theo bà Nga, trong khi chờ Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam giải quyết thì Công ty Đức Mạnh có những hành động cản trở kinh doanh nên Big C đã nộp đơn lên TAND Đà Nẵng đề nghị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Vào tháng 3-2016, TAND Đà Nẵng đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong đó nêu rõ “buộc Công ty CP Đức Mạnh chấm dứt việc thực hiện bất kỳ hành vi nào có thể cản trở hoặc gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh ở khu vực thuê và siêu thị Big C tại trung tâm thương mại Vĩnh Trung bao gồm rào chắn ở lối ra vào cũng như phong tỏa bãi đậu xe”.

“Vậy mà đơn vị này lại tiếp tục hành động cản trở như nhiều lần khóa nước, khóa bể phốt gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh và phục vụ khách hàng khiến hoạt động kinh doanh tê liệt. Đỉnh điểm vào lúc 9g ngày 7-7 họ lại cho phong tỏa lối ra vào tầng hầm khu nhà khiến nhân viên 
Big C bức xúc” - bà Nga nói.

Giải thích lý do bỏ qua quyết định của tòa, bà Nguyễn Thị Chi - tổng giám đốc Công ty Đức Mạnh - cho rằng vì lo các hoạt động cháy nổ xảy ra. Theo bà Chi, Cảnh sát PCCC Đà Nẵng đã rất nhiều lần nhắc nhở và kiểm tra các hoạt động dễ xảy ra cháy nổ ở đây, đồng thời có nhiều cảnh báo tới đơn vị sở hữu tòa nhà.

“Hiện nay tòa nhà có tới 3.000-5.000 người, không riêng Big C mà còn gồm các căn hộ và các công ty đang hoạt động. Có sự việc kéo rào chắn lối ra vào tầng hầm ngày 7-7 là vì trước đó tôi đã thông báo tới Big C phải di dời gấp những bình gas ở khu vực không phải trong sơ đồ chúng tôi cho thuê, cũng như trong hợp đồng cho thuê cũng không cho phép sử dụng nhiều khu vực nấu nướng có thể dẫn tới cháy nổ. Nếu xảy ra sự cố thì người chịu trách nhiệm là tôi chứ không phải họ. Vậy mà họ không có động thái khắc phục nên chúng tôi phải hành động” - bà Chi nói.

Theo bà Chi, các vụ việc mà 
Big C phản ảnh như việc phong tỏa khu vực nước thải là vì đơn vị này sử dụng tới 90% công suất, trong khi so với mặt bằng thuê 
Big C chỉ được sử dụng 40/120m3 mỗi tháng.

Không tiếp tục cho thuê vì... lo Big C chuyển chủ

Theo tài liệu mà PV có được, hợp đồng cho thuê các khu vực mà Big C Đà Nẵng đang sử dụng tại tòa nhà Vĩnh Trung được Công ty Đức Mạnh ký vào năm 2006 với Công ty VINDEMIA (công ty thành lập và có trụ sở tại Pháp) với thời gian lên tới 40 năm (được sửa đổi bổ sung theo từng thời điểm).

Các nội dung điều khoản trong hợp đồng đều buộc các bên giữ kín, tuy nhiên có điều khoản buộc bên cho thuê nếu phá vỡ hợp đồng phải bồi thường số tiền hơn 5 triệu USD. Ngoài ra, khi có tranh chấp, hai bên sẽ đưa nhau ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam tại TP.HCM để giải quyết.

Giải thích quyết định thu hồi mặt bằng của Big C dẫn đến việc phải ra trọng tài giải quyết tranh chấp, bà Chi nói: “Chúng tôi chỉ ký hợp đồng làm việc với Công ty VINDEMIA nên chỉ có công ty này mới sử dụng khu vực thuê. Big C không có tư cách, thẩm quyền sử dụng. Trong khi chờ phán quyết của trọng tài, với tư cách chủ tòa nhà, chúng tôi cũng nhiều lần có công văn gửi tới Công ty VINDEMIA và Big C yêu cầu chấm dứt ngay hoạt động sản xuất, chế biến tại tòa nhà vì không nằm trong hợp đồng cho thuê. Ngoài ra, trong thời gian qua chúng tôi nghe thông tin Big C đổi chủ, chúng tôi không biết sẽ làm việc với phía cho thuê hay với ai”.

Tại sao Big C hoạt động tại đây suốt 10 năm qua đều êm thắm, hợp đồng vẫn trả đủ hằng năm nhưng gần đây lại xảy ra “hục hặc”? Bà Chi cho biết do trước đây không rành luật!

“Do hạn chế về pháp luật nên chúng tôi vẫn để Big C tiếp tục hoạt động. Vừa qua khi xem lại hợp đồng, chúng tôi thấy rằng nếu phía thuê là VINDEMIA muốn cho ai đó thuê lại thì phải được sự đồng ý của chúng tôi. Sau khi phát hiện sự việc này, chúng tôi đã yêu cầu Big C đưa giấy ủy quyền thuê nhà ra nhưng Big C không trình được. Tôi rất hoang mang vì tình trạng đem con bỏ chợ, cứ thuê rồi liên tục chuyển nhượng mà không biết làm việc với ai, khi có sự cố xảy ra thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Thế nên chúng tôi buộc phải ra văn bản thu hồi” - bà Chi giải thích.

Trong khi đó, PV nhiều lần liên hệ nhưng Big C Đà Nẵng từ chối cung cấp thông tin về mối liên hệ giữa Công ty VINDEMIA và Big C. Một đại diện Công ty cổ phần thương mại quốc tế và dịch vụ đại siêu thị Big C Hải Phòng (công ty mẹ của Big C Đà Nẵng) cho biết việc Big C không phải là “chính chủ” ký tên trong hợp đồng thuê là điểm mấu chốt pháp lý mà hai bên không tìm được tiếng nói chung nên mới đưa nhau ra trọng tài phân xử.

“Hiện nay trọng tài đang phân xử, do vậy hiệu lực hợp đồng thuê vẫn có giá trị nên chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền Đà Nẵng có biện pháp yêu cầu các bên liên quan phải tôn trọng hoạt động kinh doanh bình thường lâu nay” - vị đại diện này nói.

Yêu cầu chấm dứt các biểu hiện chèn ép

Ông Hồ Kỳ Minh, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nói rằng đây là tranh chấp dân sự giữa hai bên với nhau, vì thế trong thời gian chờ đợi Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam phân xử, các bên liên quan phải tôn trọng quyết định của TAND Đà Nẵng.

“Đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì cứ căn cứ đó mà làm. Nếu có hành vi chống đối thì lập biên bản và phạt tiền. Nếu bên nào có hành vi cản trở, gây rối nhiều lần có ý đồ thì lập biên bản chuyển cho cơ quan tư pháp xử lý theo quy định. Trong thời gian chờ phân xử, văn phòng UBND TP Đà Nẵng sẽ tổ chức cuộc họp với các bên liên quan để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, yêu cầu chấm dứt các biểu hiện chèn ép” - ông Minh nói.

Tòa bác đơn khiếu nại của Công ty Đức Mạnh

Sau khi Tand Đà Nẵng ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phía Công ty Đức Mạnh đã có đơn khiếu nại tuy nhiên bị tòa bác bỏ.

Trao đổi với chúng tôi, thẩm phán Bùi Thị Hương - TAND Đà Nẵng - cho rằng trong khi chờ đợi trọng tài phân xử, tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì trách nhiệm thi hành, giải quyết các khiếu nại liên quan đến cản trở kinh doanh thuộc về Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng căn cứ theo Luật thi hành án mà áp dụng.

Theo Trường Chung

Tuổi trẻ

Trở lên trên