Vụ Big C ngừng mua hàng dệt may Việt Nam: Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp phải hài hòa lợi ích 3 bên!
Trao đổi với một số cơ quan báo chí về kết quả buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và lãnh đạo Tập đoàn Central Group (chủ đầu tư chuỗi bán lẻ Big C) sáng ngày 4/7, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn rà soát lại các hợp đồng ký kết trên cơ sở pháp lý sao cho đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên: Lợi ích của các nhà cung ứng mặt hàng may mặc vào Big C; lợi ích của Big C và lợi ích của người tiêu dùng.
- 04-07-2019Đằng sau việc Big C ngưng nhập hàng may mặc Việt
- 03-07-2019Big C công bố: Việc tạm dừng các đơn hàng chỉ là tạm thời, tìm kiếm các nguồn cung ứng Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu
- 06-03-2018Ông chủ chuỗi Big C Việt tính chi 1,5 tỷ USD để mở rộng hoạt động ở Việt Nam và Thái Lan
Sáng ngày 4/7, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Central Group Việt Nam về việc Tập đoàn này dừng hợp đồng với các nhà cung ứng dệt may Việt Nam vào ngày 3/7. Xin ông chia sẻ đôi nét về kết quả cuộc họp này?
Sáng ngày 4/7, Bộ Công Thương đã có cuộc họp với lãnh đạo Tập đoàn Central Group Việt Nam để tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao có sự việc ngừng lấy hàng của các doanh nghiệp (DN) may mặc Việt Nam, từ đó có hướng giải quyết tiếp theo.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn Central Group cũng cho biết, nguyên nhân chủ yếu là họ thay đổi chiến lược kinh doanh theo chỉ đạo của Tập đoàn bên Thái Lan. Chúng ta biết rằng, khi Tập đoàn Central Group mua lại Big C là họ mua của người Pháp, sử dụng thương hiệu Big C và trả theo phí li - xăng. Trong chiến lược kinh doanh của họ tại Việt Nam, sắp tới họ sẽ thu hẹp một số trung tâm thương mại mang thương hiệu Big C và cách đây vài ngày, họ cũng chính thức khai trương cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu Go!Market. Chiến lược kinh doanh mới của họ sẽ tập trung vào các mặt hàng cao cấp hơn, tái cấu trúc lại tài chính, tái cấu trúc việc cung ứng hàng cũng như layout tại các cửa hàng mới mang thương hiệu Go!Market. Vì vậy họ đang rà soát lại các nhà cung cấp các mặt hàng, trong đó có mặt hàng may mặc.
Tại buổi làm việc, Tập đoàn Central Group cũng khẳng định cam kết ưu tiên mua hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối của họ. Ngay trong ngày hôm nay (4/7), họ sẽ ký lại đơn hàng cho 50/200 nhà cung ứng vừa tạm dừng đơn hàng ngày hôm qua. Đồng thời trong 2 tuần tới, họ sẽ ký thêm với 100 nhà cung cấp nữa để tiếp tục cung ứng hàng hóa vào Big C. 50 nhà cung ứng còn lại, họ sẽ phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Hiệp hội Dệt may để đi kiểm tra lại việc sản xuất, cung ứng hàng hóa tại Việt Nam nhằm đảm bảo hàng may mặc vào Big C sẽ đảm bảo chất lượng, mẫu mã, giá cả, đáp ứng tốt nhất cho người tiêu dùng Việt Nam.
Việc Tập đoàn Central Group dừng mua hàng dệt may đột ngột có phù hợp theo thông lệ chung không, thưa ông?
Thực ra phía Tập đoàn Central Group đã có thông báo trước cho các nhà cung cấp may mặc này và họ cũng làm theo thông báo, hợp đồng đã ký với các nhà cung cấp. Tuy nhiên trong buổi làm việc với Bộ Công Thương, chúng tôi cũng yêu cầu rà soát lại các hợp đồng đã ký kết với các nhà cung ứng trên cơ sở pháp lý sao cho đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên. Thứ nhất là lợi ích của các nhà cung ứng mặt hàng may mặc vào Big C; Thứ hai là lợi ích của Big C và thứ 3 là lợi ích của người tiêu dùng. Phải rà lại hợp đồng đã ký và tuyệt đối không được phá vỡ những hợp đồng pháp lý họ đã cam kết.
Hiện nay tại các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài, hàng Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ cao. Vậy liệu bài học của ngành may mặc có tiếp diễn?
Tập đoàn Central Group đã khẳng định tiếp tục duy trì tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống phân phối Big C và sắp tới là Go!Market ở tỷ lệ cao. Tỷ lệ hàng Việt ở Big C hiện nay cũng ở mức trên 90%. Những năm qua, Big C là một trong những nhà phân phối bán lẻ đồng hành với Bộ Công Thương, với các chương trình của Chính phủ như Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các hội nghị kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, bình ổn thị trường, bán hàng Việt Nam ở các khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ công nhân. Thực tế, trách nhiệm cộng đồng của Big C tương đối tốt.
Cho nên, tôi cho rằng sẽ là không có việc hàng Việt Nam sẽ không được ưu tiên trong hệ thống Big C mà sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ hàng Việt Nam tại kênh phân phối này, kể cả hàng dệt may cũng cũng như các mặt hàng khác.
Hiện nay ta có quy định tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống phân phối không, thưa ông?
Trước hết tôi khẳng định không có quy định nào về tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống siêu thị của các nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam. Thay vào đó, trong quá trình xem xét cấp phép, chúng tôi sử dụng ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế). Trong đó, xem xét kỹ khả năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương, đóng góp cho an sinh xã hội, môi trường và tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, do tác động của quá trình hội nhập, trong vòng vài năm tới, ENT cũng sẽ xóa bỏ theo cam kết hội nhập. Tuy nhiên với các nhà bán lẻ nước ngoài, chúng tôi cũng luôn yêu cầu họ có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng tốt, thực hiện tốt những chủ trương của Đảng, Chính phủ, các chương trình của các Bộ, ngành Việt Nam.
Trước sự việc của Big C, Bộ Công Thương có giải pháp gì để bảo vệ hàng hóa trong nước tại hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay?
Bộ Công Thương và Vụ Thị trường trong nước đã và đang có nghiên cứu các giải pháp phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay, nhiều quốc gia như Malaysia đang có những quy định nhất định về hàng hóa nước sở tại như tỷ lệ hàng hóa nước họ tại siêu thị nước ngoài, hàng nước sở tại được trưng bày ở vị trí ưu tiên, những quầy kệ có lượng khách lớn. Tuy nhiên việc xây dựng các quy định này ở nước ta phải có nghiên cứu kỹ để không vi phạm luật pháp WTO, lấy ý kiến rộng rãi để có sự đồng thuận của người dân và xã hội. Đồng thời giúp các nhà sản xuất trong nước phát triển, giúp các nhà phân phối nước ngoài phát triển ở thị trường Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Báo Công thương