MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ công ty của chồng Thu Minh bị tố lừa đảo: Các đối tác đều gặp phải "mẫu số chung" hàng kém chất lượng

16-08-2016 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Tuần qua, những thông tin ông Otto De Jager - Tổng giám đốc Công ty Global Home S.R.O (trụ sở tại Cộng hòa Séc), được biết đến là chồng ca sĩ nổi tiếng Thu Minh - bị nhiều doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai và Đà Nẵng tố lừa đảo tiền tỷ liên tiếp xuất hiện.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, sau khi phía công ty Global Home tại Việt Nam đã có những phản hồi ban đầu, nhiều doanh nghiệp gỗ nhận xét rằng chưa biết bên nào đúng bên nào sai do cả hai phía đang "cố tình" chưa đưa ra hết những bằng chứng quyết định.

Một doanh nghiệp gỗ tại TP.HCM cũng cho biết nhiều khi ký kết hợp đồng với đối tác, đứng ở khía cạnh doanh nghiệp họ nghĩ mình sẽ tuân thủ đầy đủ các điều khoản hợp đồng là "phục vụ" tốt cho đối tác, nhưng họ không lường trước được những rủi ro trong quá trình làm ăn với đối tác.

"Nhìn chung, một số thoả thuận làm ăn giữa các doanh nghiệp gỗ ở Đồng Nai với công ty Global Home đều có một công thức chung, một khi xảy ra tranh chấp, phần thiệt thòi đầu tiên là doanh nghiệp", vị này cho biết.

Đại diện công ty luật của Gia Hân cho rằng, phía đối tác đã có dấu hiệu của sự gian dối ngay từ đầu. Doanh nghiệp cung cấp đã chịu thiệt ngay từ khi ký hợp đồng với những điều khoản bất cập.

Hiện cả hai luật sư bảo vệ cho công ty Gia Hân đang củng cố toàn bộ bằng chứng để chuẩn bị "đối phó" và khởi kiện Global Home ra toà nhằm đòi lại quyền lợi cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Ngọc - đại diện Gia Hân thừa nhận điều này khi cho biết, thị trường xuất khẩu gỗ rất cạnh tranh, để giành được một hợp đồng không hề đơn giản. Do vậy, ngay khi ký hợp đồng với Global Home, Gia Hân dựa trên uy tín là chính chứ chưa tham khảo luật sư về hợp đồng.

Công ty này luôn luôn khẳng định nội dung cơ bản nhất trên bản hợp đồng kinh tế giữa hai bên là thoả thuận giao hàng tại cảng ICD TP.HCM (FOB) sau khi đã được bộ phận kiểm định của Global Home đóng dấu đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.

Thông thường, trong hợp đồng, theo điều khoản FOB, việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ được thực hiện ở mạn tàu, ở đây được hiểu chính là cổng của kho ngoại quan. Khi hàng đã vào kho ngoại quan không còn của Việt Nam nữa mà là hàng xuất đi. Nhà nhập khẩu chỉ chờ gom đủ hàng từ các nhà sản xuất cho vào container là mang về.

Khi đó, hàng được coi là đã sang tay và khách hàng phải trả tiền. Tuy nhiên, trong hợp đồng ký 1 lần duy nhất giữa Gia Hân và Global Home năm 2012 thì điều khoản lại là: trả chậm trong vòng 30-37 ngày.

Sau khi xem xét hợp đồng, một luật sư cho biết, đây là hợp đồng 1 chiều, tức là các điều khoản đều theo hướng có lợi cho 1 bên. Điều khoản thanh toán sau 30 ngày là điểm yếu "chết người".

Đáng ra phải thanh toán luôn, hoặc phải có bảo lãnh, theo nguyên tắc buôn bán quốc tế. Cụ thể, phải có chứng thư bảo lãnh hoặc áp dụng hình thức thanh toán luôn là: "tiền trao cháo múc".

Đây cũng là điều khoản mà công ty Xuất nhập khẩu gỗ Việt Mỹ, Trường Phát và một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Gỗ TP.HCM (HAWA) đang vướng. Theo như lời của các doanh nghiệp này, họ cũng thực hiện những thoả thuận cung cấp sản phẩm từ gỗ thông qua thư điện tử, giao hàng sau đó chờ nhận tiền chuyển về từ Global Home.

Tuy nhiên, sau khi giao hàng, "mẫu số chung" mà phía Global Home đưa ra để từ chối trả tiền là hàng không đảm bảo chất lượng!

Chẳng hạn, cũng từng gửi đơn tố cáo Global Home đến Bộ Công an vào cuối năm 2015, Chi nhánh Chế biến Gỗ Đà Nẵng - Xí nghiệp Chế biến Gỗ Đà Nẵng (Vinafor Đà Nẵng) cũng đã bị đối tác từ chối nhận số lượng thành phẩm theo đơn đặt hàng tồn kho trị giá gần 300.000 USD.

Theo hợp đồng ký kết, sản phẩm sau khi được đóng gói sẽ giao hàng FOB cảng ở Đà Nẵng. Qua nhiều lần thương lượng, Global Home sẽ nhận lại hàng đã đặt trừ khi Vinafor Đà Nẵng giảm giá cho họ từ 30%, rồi đến 50%. Trong khi đó, Vinafor khẳng định chỉ giảm giá được 15% để xuất hàng và đòi lại số nợ trên từ Global Home.

Riêng đối với trường hợp của Gia Hân, hợp đồng cũng chỉ có phiên bản tiếng Anh, ký một lần duy nhất sau đó mỗi đợt sản xuất từng lô hàng được thông báo qua thư điện tử. Nhà cung ứng sản xuất ở Việt Nam, người nhập hàng ở Cộng hoà Czech nhưng tranh chấp xảy ra được quy định được giải quyết tại Tòa trọng tài ở Hong Kong và vận dụng pháp luật của Anh quốc. Đây là một khó khăn rất lớn.

Cũng theo luật sư này, với những giấy tờ mà Gia Hân đưa ra, kiện là thắng. Tuy nhiên, câu chuyện thực thi phán quyết của trọng tài là một vấn đề.

Nó còn phụ thuộc vào việc các bên ký tương trợ tư pháp hay chưa, rồi còn phải tuân theo nguyên tắc quy chế ngoại giao có đi có lại. Chẳng hạn, Hong Kong công nhận và thi hành bản án của Việt Nam vài lần rồi thì bây giờ khi phán quyết của Hồng Kông chuyển sang thi hành ở Việt Nam buộc phải thi hành. Nhưng bản án của Việt Nam chuyển sang Hồng Kông có đâu!

(Kỳ sau: Với cùng lý do hàng kém chất lượng, vì sao Global Home chịu trả nợ cho công ty này nhưng từ chối với công ty khác?)

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên