MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ “đề nghị nhập gà Trung Quốc”: Đừng chở củi về rừng

15-05-2016 - 12:35 PM | Thị trường

Theo các chuyên gia, nguồn cung gà giống trong nước không những có chất lượng tốt, giá cả thấp mà đang thừa cung, nên không cần thiết phải cho nhập gà giống từ Trung Quốc (TQ).

Sau khi thông tin Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đề xuất cho nhập khẩu gà giống thương phẩm Trung Quốc (Tuổi Trẻ ngày 13-5), hầu hết chuyên gia đều lên tiếng khuyến cáo nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước.

* Ông Lê Bá Lịch (chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN):

Ai chịu trách nhiệm nếu lây lan dịch bệnh?

Trong khi VN chỉ cho phép nhập gà giống đời cụ, kỵ (rất ít con giống ông, bà) từ những nước có nền nông nghiệp phát triển như Pháp, Mỹ... nhưng Cục Thú y lại đề xuất cho nhập gà giống một ngày tuổi từ TQ là chuyện rất kỳ lạ, bởi gà giống từ TQ có chất 
lượng không cao.

Nếu cho nhập gà giống một ngày tuổi từ TQ, cơ quan chức năng có đảm bảo được ngăn chặn dịch bệnh hay không? Cách thức kiểm soát dịch bệnh như thế nào?... Trường hợp gà giống nhập từ TQ lây lan dịch bệnh cho ngành chăn nuôi trong nước, ai sẽ chịu trách nhiệm? Nhưng nói gì thì nói, ngay cả nhập gà giống bất kể từ đâu cũng chỉ nên cho phép nhập giống gốc hoặc giống cụ, kỵ, ông, bà chứ không nhập 
giống thương phẩm.

* Ông Nguyễn Văn Ngọc (phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ):

Đừng rước dịch bệnh gia cầm vào VN

Cùng với một số công ty sản xuất con giống trong nước, tại Đồng Nai hiện còn có năm “đại gia” sản xuất con giống đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Hà Lan, Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, hầu hết các công ty này đều sản xuất dưới công suất do cung vượt cầu, hiện chỉ cung ứng 2 - 2,2 triệu con giống/tuần nhưng vẫn còn thừa.

Giá gà giống hiện cũng rất rẻ, trang trại và nông dân được mua với giá ổn định nguyên năm 8.000 - 8.500 đồng/con một ngày tuổi. Trong khi đó chưa bàn đến chất lượng, giá gà giống TQ lên tới 18.000 - 19.000 đồng/con một ngày tuổi.

Do đó, theo tôi, đề xuất cho nhập gà giống thương phẩm từ TQ của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) là quá vô lý. Việc lấy lý do kiểm soát dịch bệnh như cơ quan thú y đưa ra cũng không thuyết phục. Tóm lại, tôi cho rằng đừng rước dịch bệnh gia cầm vào VN với gà giống TQ.

* Ông Chamnan Wangakkarangkul (phó tổng giám đốc Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam):

Rất khó kiểm soát dịch bệnh

Các nước chỉ cho nhập khẩu con giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ để về cải tạo giống vật nuôi trong nước, sản xuất con giống thương phẩm chất lượng cao. Quá trình lai tạo này đã tạo ra thế hệ con giống thích ứng với các điều kiện chăn nuôi tại địa phương và có sự quản lý về tiêm văcxin, phòng dịch bệnh khi đưa từ nơi sản xuất con giống đến trang trại chăn nuôi.

Tại VN, các công ty chăn nuôi lớn đều đã chủ động sản xuất đủ con giống cung cấp cho hệ thống trang trại liên kết và bán ra thị trường, nên không cần thiết phải nhập khẩu gà giống một ngày tuổi từ TQ nữa, chưa kể không thể kiểm soát dịch bệnh.

* Ông Lê Hồng Mận (phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN):

Tôi phản đối nhập gà giống TQ

Tôi phản đối đề xuất nhập gà giống một ngày tuổi từ TQ. Không thể lấy lý do cho nhập chính ngạch để đảm bảo quản lý bởi chúng ta không thiếu gà giống có 
chất lượng tốt.

Tại một số địa phương giáp biên giới với TQ như Quảng Ninh, Lạng Sơn..., tình trạng gà giống nhập lậu từ TQ diễn ra nhiều năm nay chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn, rủi ro cho người chăn nuôi và thị trường trong nước. Lẽ ra Bộ NN&PTNT phải phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức ngăn chặn nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, thay vì đề xuất cho nhập chính ngạch với lý do để 
kiểm soát dịch bệnh.

* Ông Phạm Đức Bình (phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN):

Phải xây dựng hàng rào kỹ thuật chặt chẽ

Đề xuất cho nhập khẩu chính ngạch gà giống TQ có lẽ xuất phát từ quan điểm rằng lâu nay cả gà thịt và gà giống một ngày tuổi TQ cũng được nhập lậu vào các tỉnh phía Bắc theo đường tiểu ngạch. Việc cho nhập chính ngạch sẽ giúp việc kiểm dịch thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo tôi được biết, đến nay phía TQ vẫn chưa cho phép nhập chính ngạch đối với heo VN, việc xuất heo sang TQ chủ yếu là tiểu ngạch với nhiều rủi ro. Do đó nếu muốn cho nhập gà giống TQ, chúng ta cũng phải yêu cầu phía TQ mở cửa nhập khẩu chính ngạch đối với heo VN.

Đặc biệt, VN phải xây dựng được hàng rào kỹ thuật chặt chẽ, đảm bảo gà nhập đạt chất lượng tốt và an toàn dịch bệnh nếu muốn cho phép nhập chính thức.

* PGS.TS Hoàng Văn Tiệu (nguyên viện trưởng Viện Chăn nuôi):

Hết sức thận trọng

Do có đường biên giới dài với TQ, dù chính thức chưa cho phép nhưng gà giống nhập lậu từ TQ đã vào VN nhiều năm qua mà không được kiểm soát. Gà giống nhập lậu tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng và dịch bệnh vì không có cơ quan nào thống kê và giám sát. Việc cho phép nhập khẩu gà giống TQ sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát được nguồn gốc và chất 
lượng gà giống về VN.

Tuy nhiên, TQ cũng là nơi xuất phát của các chủng loại virút cúm gà và nhiều dịch bệnh khác, do đó cần hết sức thận trọng trong nhập khẩu gà giống TQ.

* Giám đốc một công ty chăn nuôi FDI:

Từng phải tiêu hủy gà giống

Gần 20 năm kinh doanh trong ngành chăn nuôi tại VN, tôi đã chứng kiến nhiều đợt các công ty sản xuất gà giống phải đưa gà con một ngày tuổi đi tiêu hủy vì làm ra không biết bán đi đâu. Chúng tôi cũng đã chủ động thải loại sớm đàn gà bố mẹ. Thậm chí trứng để ấp nở thành gà con cũng bị đưa ra bán trứng thương phẩm trên thị trường. Giá thành chăn nuôi gà tại VN đã tiệm cận với giá thành của các nước hàng đầu trong khu vực, cho thấy chất lượng con giống đã được cải thiện đáng kể. Vì vậy, tôi không thấy có lý do gì để nhập khẩu gà giống TQ bởi cực kỳ rủi ro về kiểm soát dịch bệnh cho ngành chăn nuôi trong nước.

Nhập lậu gà từ Trung Quốc rất phức tạp

Số liệu từ Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết trong năm tháng đầu năm 2016, các chi cục hải quan trên địa bàn đã bắt giữ ba vụ nhập lậu gà giống với hơn 31.000 con, toàn bộ số gà giống này đã bị thu giữ và đưa đi tiêu hủy.

Tuy nhiên, Cục Hải quan Quảng Ninh thừa nhận hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng thực phẩm gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại vùng giáp biên này vẫn diễn biến hết sức phức tạp, dù các cơ quan chức năng liên quan đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát.

Đ.HIẾU

Theo Trần Mạnh - Công Trung - Lê Thanh

Tuổi trẻ

Trở lên trên