MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ ô nhiễm từ Nhà máy nước sông Đà: Nếu đi kiện, người tiêu dùng có cơ hội như thế nào?

"Có cơ chế nào để bảo vệ người tiêu dùng khi chưa có đạo luật xác định tính pháp lý cho dịch vụ công?" là câu hỏi được đặt ra tại toạ đàm Thị trường hàng hoá dịch vụ công nhìn từ nước sạch sông Đà do Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông IPS tổ chức chiều 21/10.

Bình luận về vụ việc ô nhiễm Nhà máy nước sông Đà, chuyên gia Luật Nguyễn Tiến Lập (Hội đồng khoa học Viện IPS) chỉ ra 5 vấn đề liên quan đến dịch vụ công; sức khoẻ người dân; môi trường; cách xử lý khủng hoảng quản trị công của chính quyền thành phố; pháp luật. Trong đó, ông đặc biệt lưu ý đến góc độ pháp lý của vụ việc đối với người tiêu dùng.

Nghĩa là có cơ chế nào để bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh chưa có đạo luật xác định tính pháp lý cho dịch vụ công - tức nước sạch trong câu chuyện này? Hay nói một cách nôm na, người dân có cơ sở để khởi kiện vụ việc trước toà nhằm đòi quyền lợi?

Ông Nguyễn Tiến Lập cho biết để khởi kiện một vụ việc, cần phải nhìn nhận trên một số góc độ.

Thứ nhất là khung pháp luật. Việt Nam có Luật về hợp đồng dân sự. Như vậy, khách hàng có thể kiểm tra lại hợp đồng mua bán nước sạch xem có điều khoản nào có cơ sở để bảo vệ người tiêu dùng hay không.

"Tôi cũng giật mình khi xem hợp đồng. Nó rất khó để kiện bên cung cấp nước", ông nói. Hợp đồng mua bán nước là hợp đồng mẫu, do bên cung cấp đưa ra, người tiêu dùng không có sự lựa chọn nếu muốn sử dụng dịch vụ.

Ngoài luật về hợp đồng dân sự, ông Lập cho biết có thể xét đến khung khổ pháp lý thứ hai là Luật bảo vệ người tiêu dùng. Với khung này thì không cần viện đến hợp đồng, miễn là một sản phẩm gây hại cho người tiêu dùng, họ có thể khởi kiện được người cung cấp.

Ngoài ra còn khung Luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân, được ban hành năm 1989, quy trách nhiệm cho nhà nước. Điều số 8 của Luật này quy định các bên cung cấp nước cho người dân phải hợp vệ sinh, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ông Lập cho rằng Luật này dù quy định nhưng quá chung chung nên ít có tính khả thi.

Thứ hai, để khởi kiện một vụ việc dân sự ra toà án, cần phải chứng minh là có vi phạm.

"Vi phạm đó đầu tiên là xem xét hợp đồng, các luật liên quan xem có vi phạm gì không. Nhưng nghe chừng nước của Nhà máy sông Đà là tiêu chuẩn đảm bảo cả. Trong hợp đồng không có điều khoản nào ghi nếu nước có mùi là vi phạm hợp đồng!", ông Lập nói.

Mặt khác, vụ việc cần phải chứng minh được là có gây ra thiệt hại hay không. Thiệt hại ở đây theo ông Lập có thể là khoản tiền người dân bỏ ra để mua nước hàng ngày, nhưng phải chứng minh được tại sao cần phải mua nước.

"Người tiêu dùng phải chứng minh được là nước đó không sử dụng được thì mới hợp thức hoá được chi phí bỏ ra là hợp lý. Nếu không, khi ra toà sẽ bị bác đơn", ông Lập nói. Còn với vấn đề chứng minh thiệt hại về sức khoẻ, ông nhấn mạnh đấy yếu tố cực kỳ khó khăn bởi thực tế cho thấy rất nhiều vụ kiện khác đã rơi vào bế tắc với vấn đề này. 

Ngoài ra, ông cho biết có thể dựa vào chứng minh yếu tố lỗi. Trong vụ việc nhà máy nước sông Đà, ông cho rằng hành động từ chối xin lỗi chính thức của lãnh đạo công ty đã được tư vấn pháp lý.

"Họ không muốn tạo thành bằng chứng pháp lý vì nó là yếu tố cấu thành một vụ kiện. Nó hàm ý lỗi không thuộc về doanh nghiệp, lỗi là ở những người cố ý đổ dầu thải vào nguồn nước. Sắp tới khi vụ án hình sự đổ dầu thải vào nguồn nước kết thúc, lỗi thuộc về các nghi phạm xả thải, còn có thể những người khác là vô can", ông nói.

Còn nếu kiện theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, ông Lập cho rằng nó sẽ là vụ kiện liên quan đến hàng triệu người. "Hàng triệu người có làm được vụ kiện tập thể hay không. Và có được ủng hộ hay không?", ông nói và nhận xét cơ hội cho một vụ kiện như thế là rất khó.

Theo ông, đối với những dịch vụ công như điện, nước, nếu không có một khung khổ pháp lý riêng thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi lẽ đây làn những hàng hoá đặc thù, không có thị trường tự do, người tiêu dùng không có khả năng lựa chọn. Do vậy, thị trường này cần có sự tham gia của Nhà nước, ông nhấn mạnh.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên