MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vừa mới ra mắt, chứng quyền có bảo đảm (CW) đồng loạt "cháy hàng"

Thị trường thời điểm này tuy là khó tăng mạnh nhưng khả năng giảm sâu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Chưa kể trong tương lai, người trong cuộc kỳ vọng dòng vốn sẽ đổ vào thị trường Việt Nam, khi đó những đơn vị tiên phong phát hành chứng quyền có bảo đảm trong đợt này sẽ có nhiều cơ hội hơn trong sân chơi mới.

Chính thức được giới thiệu từ năm 2017, đến nay Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã cấp phép chào bán Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) cho công ty chứng khoán đầu tiên thực hiện. Cập nhật tới hiện tại, có 7 công ty chứng khoán được cấp phép chào bán 9 mã chứng quyền, bao gồm SSI, BSC, HSC, MBS, KIS, VND và VPS.

Mặc dù chỉ dừng lại phát hành số lượng nhỏ (so với quy mô chứng khoán cơ sở) nhằm trải nghiệm sản phẩm mới, đợt chào bán "demo" của các đơn vị như SSI, VPS hay MBS ghi nhận kết quả khá bất ngờ, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và CW tạo được độ "hot" nhất định.

Cháy hàng đợt đầu tiên, lượng đăng ký cho mã MBB tại SSI hơn 2 lần lượng chào bán

Đơn cử với đợt chào bán đầu tiên của SSI cho mã MBB, số lượng đăng ký hợp lệ đến thời điểm đạt hơn 6,4 triệu đơn vị với 270 khách hàng tham gia, bao gồm 269 nhà đầu tư cá nhân mua 92% và 1 nhà đầu tư tổ chức chiếm 8% số lượng phát hành. Kết quả đơn vị này ghi nhận gấp đôi số lượng chào bán là 3 triệu CW, mặc dù trong đợt đầu, SSI là công ty chứng khoán chào bán quy mô lớn nhất, đồng thời tỷ lệ đăng ký đấu giá cũng lớn nhất thị trường.

Chia sẻ chi tiết bên lề hội thảo CW của HoSE mới đây, ông Nguyễn Duy Linh – Phó Giám đốc khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng cá nhân SSI cho biết: "Sau hơn 1 ngày thực hiện IPO, kết quả đạt được hết sức ấn tượng với tổng số lượng đăng ký đạt 6.431.780 CW, gấp 2,1 lần so với lượng phát hành. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của sản phẩm CW nói chung và sản phẩm CW cho mã MBB do SSI phát hành nói riêng".

Hay MBS trong đợt phát hành ngày 7/6 mới đây cũng "cháy hàng", số lượng đăng ký cho CW mã HPG vượt 38%, con số tại mã PNJ vượt 29% so với tổng phát hành. Tỷ lệ đăng ký mua chứng quyền qua kênh online lên tới 99.6%, do đó Công ty đã phải thực hiện phân bổ theo quy định công bố trước đó ở Bản cáo bạch.

Còn với VPS, lượng phát hành trong đợt đầu tiên là 1,5 triệu CW, trong đó Công ty mục tiêu không phát hành hết. Chính thức IPO vào ngày 12/6, kết quả cho thấy nhà đầu tư rất là quan tâm, số lượng đăng ký cũng vượt số lượng phát hành. Hiện, VPS đã bán hơn 2/3 tổng số lượng đợt đầu, trong đó VPS sẽ đi theo quy định khách hàng nào đến trước sẽ được mua trước. Sau đợt demo này, ban lãnh đạo có được nhiều kinh nghiệm để tiếp tục mở bán cho 3 mã còn lại, bà Phạm Thị Thùy - Phụ trách mảng phát triển sản phẩm VPS – chia sẻ.

Hay trong đợt chào bán đầu vào ngày 17/6 tới đây, HSC sẽ chọn cách tương đối thận trọng, vì trong điều kiện thị trường hiện nay thì Công ty cho rằng khá nhiều rủi ro, và cũng chưa biết chắc khẩu vị nhà đầu tư như thế nào? Dầu vậy, đại diện HSC tin rằng, thời gian đầu sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia, bởi đợt phát hành đầu tiên này cũng là cơ hội để nhà đầu tư tìm hiểu rõ về CW.

Hiện tại là thời điểm phù hợp để phát hành CW

Với lợi thế tỷ suất sinh lời cao, mức lỗ tối đa được biết trước, đặc biệt chi phí ban đầu bỏ ra thấp hơn nhiều so với chứng khoán cơ sở, CW đang được ưa chuộng trên các thị trường chứng khoán phát triển như Hồng Kông, Đài Loan…

Tại Việt Nam, nơi nhà đầu tư có khẩu vị mạo hiểm, chấp nhận rủi ro cao để có được mức sinh lời lớn hơn, đồng thời với tâm lý chuộng lướt sóng, nắm giữ trong thời hạn ngắn, CW theo nhiều chuyên gia sẽ được chào đón.

Chưa dừng lại, trong bối cảnh chỉ số thị trường Việt Nam đang khá lình xình, xu hướng không rõ ràng trong khi dễ bị tác động mạnh trước biến động của trường thế giới, đặc biệt diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, câu hỏi được đa số nhà đầu tư quan tâm: "Liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để vận hành CW?".

Trả lời, đại diện HSC dù không phủ nhận thị trường đúng là khó đoán, mức độ biến động rất mạnh thậm chí có thể thay đổi hoàn toàn xu hướng chỉ sau 1 đêm, và như vậy mua CW thực tế sẽ rất khó để nhà đầu tư quyết định.

Xét khía cạnh khác thì thời gian đầu sẽ là giai đoạn cho nhà đầu tư trải nghiệm sản phẩm, vị này nghĩ là phù hợp, vì sau khi giao dịch phái sinh nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có nhiều loại sản phẩm khác trên thị trường, bao gồm CW.

Thị trường thời điểm này tuy là khó tăng mạnh nhưng khả năng giảm sâu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Chưa kể trong tương lai, người trong cuộc kỳ vọng dòng vốn sẽ đổ vào thị trường Việt Nam, khi đó những đơn vị tiên phong phát hành trong đợt này sẽ có nhiều cơ hội hơn trong sân chơi mới.

Vừa mới ra mắt, chứng quyền có bảo đảm (CW) đồng loạt cháy hàng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Thông – Giám đốc Giao dịch Phái sinh.

Đồng quan điểm, đại diện SSI – ông Nguyễn Đức Thông – Giám đốc Giao dịch Phái sinh cho rằng hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam đang có một số yếu tố tích cực và một số yếu tố chưa tích cực lắm.

Trong đó về rủi ro thị trường, ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một rủi ro khá lớn, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường Việt Nam ngắn hạn và tích cực trong dài hạn (do các công ty chuyển từ Trung Quốc ra các nước lân cận, trong đó có Việt Nam).

"Tuy nhiên, tỷ trọng của thị trường Việt Nam tại rổ ETF MSCI Frontier Market được tăng là một tin đáng mừng và hi vọng sẽ có thêm dòng tiền vào thị trường Việt Nam trong tương lai gần. Ngoài ra, việc FED đưa ra tính hiệu có thể cắt lãi suất trong năm nay là một tin tốt cho thị trường chứng khoán trên thế giới", ông Thống nhấn mạnh.

Do đó, trong tình thế mà thị trường có thể giảm do chiến tranh thương mại hoặc tăng do nhu cầu mua cao vì giá rẻ, đầu tư vào chứng quyền có thể là lựa chọn tốt cho nhà đầu tư vì tính chất hạn chế rủi ro và đòn bẩy cao có thể giúp cho nhà đầu tư tối ưu hóa được lợi nhuận của mình.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên