'Vua nhôm' Trung Quốc 'ngã ngựa': Từng là tỷ phú giàu nhất một tỉnh nhưng giờ vỡ nợ, vì đâu nên nỗi?
Sở hữu doanh nghiệp kinh doanh nhôm đầy tiềm lực ở Trung Quốc, tuy nhiên tỷ phú Liu Zhongtian đã vướng vào rất nhiều cáo buộc phức tạp và chưa thanh toán khoản nợ 60 tỷ USD.
Từng là nhà sản xuất nhôm định hình lớn nhất châu Á, Zhongwang đã phát triển mạnh mẽ vào những năm 2000. Khi đó, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc bùng nổ, thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại này trong hoạt động xây dựng. Sau đó, nền kinh tế hạ nhiệt, hoạt động kinh doanh của công ty cũng bắt đầu đi xuống. Họ chịu hậu quả của tình trạng bành trướng quá nhanh và mua tài sản bằng những khoản nợ.
Vào tháng 9, một toà án ở Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc, đã chấp thuận đơn xin phá sản từ các chủ nợ Zhongwang. 252 công ty con và công ty mẹ sẽ tiến hành tái cơ cấu để hợp nhất, do không có khả năng thanh toán các khoản nợ.
Zhongwang giờ đã rơi vào trạng thái vỡ nợ hoàn toàn. Các kiểm toán viên của Mazars - công ty có trụ sở ở Hong Kong, thông báo các khoản nợ của công ty này có tổng giá trị là 459,8 tỷ NDT (64 tỷ USD), được nắm giữ thông qua các công ty con, tính đến cuối tháng 3. Trong khi đó, tổng giá trị tài sản chỉ là 202 tỷ NDT.
Vốn hoá của Zhongwang đã rơi từ mức đỉnh 30 tỷ HKD (3,8 tỷ USD) vào tháng 7/2019 xuống 9 tỷ HKD vào tháng 8/2021. Cổ phiếu công ty bị tạm ngừng giao dịch và chưa được giao dịch trở lại.
Tỷ phú Liu Zhongtian làm ăn ra sao trước khi vỡ nợ?
Zhongwang đã giúp nhà sáng lập Liu Zhongtian trở thành người giàu nhất tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, từ năm 2014 đến 2017, theo dữ liệu do Forbes tổng hợp.
Ông Liu là một trong những doanh nhân nắm bắt thành công cơ hội khởi nghiệp khi Trung Quốc bắt đầu cải cách. Năm 14 tuổi, ông đã bắt đầu sản xuát và bán sơn chống cháy cho các nhà máy tại địa phương chỉ với 200 tệ đi vay. Khi lĩnh vực này sôi nổi hơn, ông thành lập chuỗi nhà máy.
Năm 1989, ông mới bắt đầu kinh doanh nhôm. Nhưng phải đến năm 2002, vị tỷ phú mới bắt đầu chuyển hướng hoàn toàn sang sản xuất các sản phẩm nhôm công nghiệp. Chỉ 2 năm sau, nhờ các đơn hàng cung cấp cho ngành đường sắt, Zhongwang đã có được lợi nhuận ổn định. 7 năm sau, Zhongwang chính thức niêm yết và huy động được hơn 1 tỷ USD, ông Liu nắm giữ 75% cổ phần.
Tỷ phú Liu Zhongtian.
Năm 2015, vị tỷ phú này sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 4,3 tỷ USD và đứng thứ 690 trong sách những người giàu nhất thế giới của Forbes. Ông là người giàu thứ 53 Trung Quốc. Hiện tại, tài sản của ông trị giá khoảng 1,8 tỷ USD.
Ông Liu đã đa dạng hoá hoạt động kinh doanh của công ty để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, mở rộng dây chuyền sản xuất ở thành phố Thiên Tân vào năm 2016. Mục đích là để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn từ các lĩnh vực hàng không, hàng hải và sản xuất xe cộ. Zhongwang thực hiện thương vụ thâu tóm ở nước ngoài đầu tiên vào tháng 9/2017, tiếp quản Aluminiumwerk Unna của Đức - nhà sản xuất ống không hàn (seamless tube) được sử dụng trong máy bay.
Zhongwang đã thâu tóm SilverYatchs - công ty chế tạo du thuyền của Úc vào năm 2017 với kỳ vọng đưa sản phẩm của mình vào ngành đóng thuyền cao cấp. Song, tham vọng của ông Liu lại trở thành tín hiệu báo động đỏ về việc sử dụng lượng đòn bẩy quá lớn, khiến công ty sụp đổ.
Bước vào con đường "lầm lỡ"
Tuy nhiên, tham vọng bành trướng ra nước ngoài của Zhongwang đã va phải sự chú ý của các cơ quan quản lý. Trong cùng năm thực hiện thương vụ M&A trên, Zhongwang đã phải ngừng kế hoạch mua lại nhà sản xuất Aleris của Mỹ trị giá 1,1 tỷ USD. Nguyên nhân là do Uỷ ban Đầu tư Nước ngoài (CFI) của Mỹ nêu lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Năm ngoái, Washington Post đưa tin, khi Zhongwang mới niêm yết, Liu đã thao túng giá cổ phiếu bằng lấy danh nghĩa mua bán độc lập để đưa cổ phiếu công ty tăng cao, sau đó họ huy động được gần 1,3 tỷ USD.
Bộ Thương mại Mỹ áp thuế 374% với các hợp đồng tương lai nhôm định hình từ Trung Quốc vào năm 2011, do cáo buộc Trung Quốc bán vào Mỹ với mức giá thấp hơn thị trường. Zhongwang là một trong những công ty trực tiếp bị ảnh hưởng. Song, vì quy định này lại không bao gồm các sản phẩm nhôm hoàn chỉnh nên Liu đã lách luật.
Liu đã chuyển hàng trăm triệu USD thông qua các công ty vỏ bọc ở nam California, lấy danh nghĩa là các khoản cho vay. Sau đó, ông sử dụng để nhập khẩu một lượng lớn nhôm vào Mỹ. Theo các công tố viên, từ năm 2011 đến 2012, Zhongwang đã bán 2,2 triệu pallet nhôm cho một công ty Mỹ mà Liu kiểm soát. Các cơ sở nung nhôm đã nung chảy các tấm pallet đó trở thành nhôm thô và bán lại cho những công ty vỏ bọc và bán ra thị trường.
Một nhà máy của Zhongwang ở tỉnh Liêu Ninh.
Năm 2019, các công tố viên Mỹ đã cáo buộc 6 doanh nghiệp ở nam California có liên quan đến vụ trốn 1,8 tỷ USD tiền thuế nhập khẩu nhôm của ông Li. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, 6 công ty trên đã được lênh bồi thường 1,83 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, cả đại diện của Zhongwang và ông Liu đều không có mặt tại toà.
Ngoài những thương vụ ở nước ngoài, Zhongwang cũng có các khoản đầu tư trong nước vào lĩnh vực tài chính để mở rộng hoạt động. Công ty này đã tự huy động vốn nhờ mở công ty tín dụng Zhongwang Finance nhưng đã phá sản cùng ngày với công ty mẹ.
Việc tái cơ cấu Zhongwang được thực hiện nhằm "duy trì chuỗi cung ứng nhôm đã được thực hiện bởi 253 công ty của Zhongwang". Theo Wan Ling, nhà phân tích ngành nhôm tại CRU, cơ sở sản xuất ở Thiên Tân vẫn đang hoạt động nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và tiếp tục sản xuất bo mạch cho các loại xe cùng lon nhôm.
Zhongwang cho đến nay vẫn nỗ lực chứng minh khả năng sản xuất vẫn không bị ảnh hưởng. Họ đã công bố một thoả thuận về nguồn cung với Hyundai Rotem - nhà sản xuất tàu, và cam kết sẽ giao hàng vào cuối năm nay. Dẫu vậy, vụ phá sản cũng để lộ những điểm yếu trong mô hình kinh doanh tập đoàn mà Zhongwang theo đuổi. Nhiều nhà thầu cũng như chủ nợ đã chịu ảnh hưởng lớn từ sự sụp đổ đó.
Tổng hợp
Nhịp sống thị trường