'Vua tranh Tết' Trung Quốc qua đời trước thềm năm mới, để lại tâm huyết với nghề truyền thống gần một thế kỷ
'Không thể để nghệ thuật làm tranh Tết biến mất như vậy', ông Dương Lạc Thư nói trong xúc động.
- 13-01-2023Người hâm mộ TPHCM rơi nước mắt khi đội tuyển Việt Nam suýt bại trên sân nhà
- 13-01-2023Đẳng cấp dâu hào môn: Ca nương Kiều Anh "bê" cả nhà hàng fine dining "quý tộc" về nhà khiến ai cũng ghen tị
- 13-01-2023Thức thời mùa Tết: Các cửa hàng cho thuê quần áo ngày Tết mới là "át chủ bài" trong cuộc chiến thu nhập khủng
- 13-01-2023Trẻ được nghe kể chuyện khi ngủ và không nghe kể chuyện khi ngủ lớn lên có sự khác biệt lớn: Không chỉ về IQ mà còn cả khả năng ngôn ngữ
Một ngày mùa đông năm 1928, tiệm tranh Tết Đồng Thuận Đức ở thôn Dương Gia Phụ (Sơn Đông, Trung Quốc) đột nhiên gặp họa.
Như thường lệ, Dương Đức Thắng, chủ tiệm tranh Tết Đồng Thuận Đức chuẩn bị ra ngoài cùng con trai 1 tuổi. Không ngờ vừa mở cửa ra, thứ chào đón hai cha con là 3 họng súng đen ngòm.
Thì ra là đám cướp trên ngọn núi gần đó xuống thôn tìm “vài con cừu béo” để kiếm tiền đón năm mới. Thật không may, tiệm tranh Tết Đồng Thuận Đức của gia đình Dương Đức Thắng là “con cừu béo nhất” trong thôn.
Đám cướp bắt hai cha con làm con tin, gia đình phải bán tất cả tài sản và gom góp được 3.600 NDT (hơn 12,5 triệu đồng) tiền mặt để chuộc hai người. An toàn trở về, nhưng gia thế sa sút, tương lai mờ mịt.
Khi đó, một vị tăng sư đi ngang qua nhà và nói rằng: Hôm nay chịu họa, tương lai sẽ hưng thịnh vì “họa” (vẽ). Và đứa trẻ được tiền định “trong mệnh có họa”, số phận gắn liền với tranh vẽ của nhà họ Dương này chính là Dương Lạc Thư, con trai của Dương Đức Thắng.
Đó là câu chuyện mà ông Dương Lạc Thư đã kể lại với phóng viên khi chia sẻ về cuộc đời của ông - người kế thừa nghề truyền thống làm tranh Tết in bằng ván khắc gỗ.
Gần một thế kỷ làm bạn với tranh Tết in bằng ván khắc gỗ
“Tâm huyết cả đời tôi sắp tan thành mây khói rồi. Trong lòng tôi cực kỳ khó chịu”.
Đây là câu nói đầy xúc động nghẹn ngào trong cuộc phỏng vấn cuối cùng của ông lão 95 tuổi vào năm 2022. Đối diện với ống kính, ông lão không thể kìm nén nỗi lòng của mình. Nhờ vào nghề làm tranh Tết mà trở nên giàu có sung túc nhưng đến này không ai ngó ngàng tới.
Ở cái tuổi 95 gần đất xa trời, mỗi ngày còn phải cặm cụi làm tranh Tết trong thân thể gầy gò ốm yếu, vì ông không thể nhìn nghề truyền thống bị thất truyền.
Để làm ra một bức tranh Tết truyền thống, đầu tiên cần phải thiết kế bản thảo trên giấy, sau đó chạm khắc từng đường nét tỉ mỉ lên tấm ván gỗ. Sau đó dùng ván gỗ này kết hợp mới mực tàu in lên giấy chuyên dụng. Một bức tranh Tết Dương Gia Phụ thông thường cần đến 5-6 ván khắc gỗ, trong đó ván khắc gỗ chia thành ván khắc hình và ván khắc màu. Ván gỗ màu còn được chia thành mỗi màu, mỗi khối hình khác nhau.
Tranh Tết mà chúng ta thường thấy có bao nhiêu màu thì cần đến bấy nhiêu ván khắc gỗ cùng màu tương ứng. Mà nguyên liệu làm ván khắc tranh là gỗ dương liễu vô cùng cứng cáp. Do đó một bức tranh Tết in bằng ván khắc gỗ cần đến sự chuẩn bị trong 2-3 tháng.
Dòng thời gian thoi đưa, vô số ván khắc trân quý đã bị hư hại. Dương Lạc Thư đã cầm dao nhỏ tập khắc lên ván gỗ từ lúc 7 tuổi, 14 tuổi học in tranh Tết với cha, 25 tuổi nắm vững kỹ thuật chế tác tranh Tết bằng ván khắc gỗ, 30 tuổi gây dựng sự nghiệp bằng nghề làm tranh Tết. Năm 70 tuổi, ông được UNESCO công nhận là “bậc thầy mỹ thuật thủ công dân gian”. Gần 80 tuổi, ông được nhà nước trao chứng nhận là người kế thừa di sản phi vật thể nghệ thuật làm tranh Tết Dương Gia Phụ.
Mặc dù được đất nước và cả thế giới công nhận, ông Dương vẫn chỉ xem mình là “một người yêu thích tranh Tết cả đời”.
Gìn giữ nghề truyền thống gần cả một thế kỷ, đến nay ông không biết mình đã khắc nên bao nhiêu tấm ván tranh gỗ. Chỉ riêng số lượng ván gỗ dùng để in tranh chủ đề “Tứ đại danh tác” (Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký, Hồng lâu mộng) cũng lên đến con số 2.000.
Người ra đi nhưng cái tâm và nghề truyền thống vẫn còn mãi
Công việc cực khổ, nhưng với lòng nhiệt huyết và đam mê, ông Dương Lạc Thư đã in tranh Tết suốt cả đời. Vì cầm dao mấy chục năm nên ngón đầu ngón tay của ông đã bị biến dạng, chai sần và sưng phồng. Nhưng đây hoàn toàn không phải là vấn đề với Dương Lạc Thư, vì ông cho rằng được làm tranh Tết là một diễm phúc.
Tranh Tết chế tác của ông Dương Lạc Thư vừa mang nét đẹp truyền thống vừa pha chút mới mẻ sáng tạo hiện đại, in đậm phong cách cá nhân độc đáo. Màu sắc tươi sáng thể hiện mạnh mẽ cảm xúc vui vẻ, hân hoan. Nhìn vào bức tranh Tết của ông, trong lòng đong đầy niềm háo hức năm mới đầu xuân.
Trong mắt ông Dương Lạc Thư, kỹ thuật làm tranh Tết được lưu truyền mấy trăm càng trở nên quý giá. Ông yêu cầu toàn bộ tranh Tết trong xưởng của mình phải hoàn toàn làm thủ công, giấy in tranh là giấy xuyến (giấy kính).
Song hiện tại, tranh Tết truyền thống không còn là vật phẩm cần thiết trong ngày năm mới của Trung Quốc.
Quan niệm thẩm mỹ của công chúng ngày càng được đổi mới, tranh Tết truyền thống trở thành vật dùng để hoài niệm và sưu tập. Ông Dương Lạc Thư nắm bắt cơ hội, tiếp tục đổi mới trên cơ sở những bức tranh Tết truyền thống ban đầu. Năm 1980, ông cho ra mắt bộ "Lịch treo tường tranh Tết in bằng ván khắc gỗ" đầu tiên, đã trở nên rất phổ biến trong một thời gian.
Ngoài chế tác tranh Tết, ông Dương cũng rất chú trọng đến việc kế thừa. Xưởng tranh của ông được chính quyền địa phương trao chứng nhận: Cơ sở làm tranh Tết in ván khắc gỗ truyền thống Dương Gia Phụ.
“Không thể để nghệ thuật làm tranh Tết biến mất như vậy”, ông Dương Lạc Thư nói.
Ngoài con trai cả và cháu trai vẫn đang sản xuất tranh Tết, ông Dương còn thu nhận rất nhiều học viên. Chỉ cần thanh niên trẻ muốn học nghề làm tranh Tết, ông luôn chào đón với tâm thế cởi mở nhất.
Ngày 7/1/2023, ông Dương Lạc Thư đã nhắm mắt xuôi tay, mang theo gần một thế kỷ tâm huyết với nghề làm tranh Tết đến với cõi vĩnh hằng.
Người ta thường nói cảnh giới cao nhất của một người thợ chính là “chọn một việc, làm cả đời”. Giống như ông Dương Lạc Thư, trong muôn vàn ngành nghề, tranh Tết in ván khắc gỗ đã trở thành một mảnh ghép, một phần ký ức và người bạn đồng hành với ông suốt đời.
Nguồn: Sohu
Thể thao văn hóa