MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vùng đất "bình yên" và "phú quý" sẽ thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực

Đây là vùng đất hội tụ đầy đủ các điều kiện để tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững phù hợp với xu thế của toàn cầu.

Tiềm năng phát triển của Phú Yên

Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, được biết đến là vùng đất giàu tiềm năng. Thiên nhiên ban tặng cho tỉnh những lợi thế riêng có về địa kinh tế; là cầu nối gắn kết các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Tỉnh có bờ biển dài 189 km cùng nhiều thắng cảnh đẹp (Gành Đá Đĩa, Đầm Cù Mông, Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan, Vịnh Vũng Rô, Mũi Đại Lãnh). Tài nguyên năng lượng và các cảng biển nước sâu kết nối thuận lợi nhất của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia thông qua 2 trục Quốc lộ 25 và 29 nối với Gia Lai và Đắk Lắk. Phú Yên hội tụ đầy đủ các điều kiện để tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững phù hợp với xu thế của toàn cầu. Trở thành một trong những trung tâm về kinh tế biển xanh với các ngành dịch vụ, du lịch và công nghiệp động lực gắn với hệ sinh thái năng lượng xanh.

Vùng đất

Cầu Hùng Vương, gạch nối quan trọng từ Vũng Rô đến TP. Tuy Hòa. Ảnh Sơn Hải

Năm 2023, Phú Yên đã vươn lên mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng vượt bậc, lọt top 10 các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Quy mô nền kinh tế GRDP năm 2023 cao gấp hơn 2 lần so với năm 2010. Tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 9,16%, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 65 triệu đồng, tăng 13,4%; tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt trên 24.000 tỷ đồng, tăng gần 26%; khách du lịch đến Phú Yên đạt 3,2 triệu lượt khách tăng 44% so với năm 2022.

Năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 24.018,4 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ - tạo năng lượng mới cho năm 2023 và những năm tới. Tỉnh quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, rất nhiều điểm kết nối; tích cực phối hợp các bộ, ngành triển khai các dự án của Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó, dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn qua địa bàn tỉnh đã bàn giao khoảng 97,5% mặt bằng.

Phú Yên sẽ thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực

Phú Yên đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 8,5 - 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 150 - 156 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030 với Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 34%; dịch vụ chiếm 46%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm khoảng 5,0%.

Để đạt được mục tiêu này, về công nghiệp, tỉnh cần xác định đây là một trong những động lực tăng trưởng chính và chủ chốt, tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư chiến lược.

Hạ tầng năng lượng xanh, sạch và hạ tầng số sẽ quyết định sức cạnh tranh của môi trường đầu tư bên cạnh các lợi thế về giao thông. Với tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, các dạng năng lượng mới hydro, Amoniac xanh...) kết hợp với mô hình thuỷ điện tích năng, Phú Yên cần có tư duy, giải pháp đột phá thu hút đầu tư để đi trước một bước dẫn dắt về hạ tầng năng lượng xanh thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực luyện kim, lọc hóa dầu, vận tải biển.

Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển hệ thống dịch vụ logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô và bến cảng nước sâu Bãi Gốc, cảng cạn ICD Đông Hòa, kết nối với các đô thị lớn và khu công nghiệp trên địa bàn.

Vùng đất

Vựa lúa Tuy Hòa. Ảnh Trần Quỳ

Nông nghiệp cần tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao, tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường. Là địa phương có biển, Phú Yên cần thực hiện tốt việc quản lý khai thác hải sản, không để xảy ra tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, góp phần sớm tháo gỡ "thẻ vàng" IUU trong thời gian tới.

Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, phòng, chống khai thác bất hợp pháp; đẩy mạnh đầu tư vào việc bảo tồn, phục hồi, bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái biển và đất liền.

"Chuyển nuôi trồng thuỷ sản ở bãi ngang sang nuôi biển công nghệ cao kết hợp với các trung tâm điện gió ngoài khơi là ý tưởng có tính chiến lược, đột phá đối với Phú Yên", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu trong Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến Đầu tư năm 2024.

Du lịch Phú Yên được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Phú Yên có tiềm năng bứt phá để trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực, tỉnh cần khai thác yếu tố văn hóa hơn nữa trong phát triển du lịch.

Tỉnh cần có chiến lược liên kết các ngành dịch vụ phụ trợ như dịch vụ vận tải, lưu trú, mua sắm, sức khỏe,…vốn đang là hạn chế của du lịch Phú Yên. Từ đó, tạo được giá trị gia tăng. Thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển các tổ hợp du lịch đẳng cấp quốc tế có tính chất điểm nhấn; khai thác tiềm năng di sản văn hóa và thiên nhiên để phát triển du lịch xanh trong xu thế hội nhập.

Phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững; đến năm 2050 trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung Bộ như tên gọi của tỉnh - Phú Yên một vùng đất "bình yên" và "phú quý".

Theo Pha Lê

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên