Vùng nào có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước?
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định. Khu vực Đồng bằng sông Hồng được chọn là gốc để so sánh giá của 5 vùng còn lại.
- 24-09-2022Độ tuổi nghỉ hưu năm 2023 của người lao động có gì thay đổi so với năm nay?
- 24-09-2022Lâm Đồng được đầu tư 2 dự án điện gió hơn 4.000 tỷ đồng
- 24-09-2022Thu ngân sách của địa phương có lợi thế như "Việt Nam thu nhỏ" đạt kỷ lục, bám sát nút Quảng Ninh trên bảng xếp hạng 63 tỉnh thành
Năm 2021, vùng Đồng bằng sông Hồng giữ vị trí có giá cả đắt đỏ nhất cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2020. Vị trí thứ hai là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chỉ số SCOLI năm 2021 bằng 99,61%, giảm 0,83% so với năm 2020.
Trong những năm trước đây, chỉ số SCOLI vùng Trung du và miền núi phía Bắc thường cao hơn Đồng bằng sông Hồng ở các nhóm hàng giao thông, nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, hàng ăn và dịch vụ ăn uống… do nhiều hàng hóa không sản xuất tại vùng cao, đường xá đi lại khó khăn nên giá cước vận chuyển cao.
Một số nhóm hàng có mức giá bình quân thấp hơn Đồng bằng sông Hồng như: Nhóm bưu chính và viễn thông bằng 74,7%; nhóm giáo dục bằng 97,63%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép 98,01%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế 99,11%. Có 3 nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn vùng Đồng bằng sông Hồng: Thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 105,35%; văn hóa, giải trí và du lịch 103,51%; đồ uống và thuốc lá 100,03%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Vùng Đông Nam Bộ là vùng có mức giá sinh hoạt đắt thứ 3 cả nước, với chỉ số SCOLI bằng 99,04%. Trước đấy, năm 2019 và 2020, Đông Nam Bộ đều xếp thứ nhất về mức độ đắt đỏ. Trong năm 2021, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của dịch Covid-19. Giỏ hàng của người tiêu dùng thay đổi, các nhóm hàng được tiêu dùng ít có mức giá thấp hơn so với vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tiếp theo là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với chỉ số SCOLI bằng 98,74%, giảm 1,3% và giảm 1 bậc thứ hạng so với năm 2020. Trong đó, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép bằng 92,43%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống 96,23%; bưu chính viễn thông bằng 97,01%. Một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn vùng Đồng bằng sông Hồng như đồ uống và thuốc lá bằng 101,57%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 103,03%; giáo dục bằng 105,44%.
Tây Nguyên xếp ở vị trí thứ 5 về mức độ đắt đỏ với chỉ số SCOLI bằng 97,57%. Giá cả ở Tây Nguyên thấp hơn mức giá của vùng Đồng bằng sông Hồng chủ yếu ở các nhóm hàng sau: May mặc, mũ nón và giày dép bằng 93,4%; đồ uống và thuốc lá bằng 97,23%; bưu chính viễn thông bằng 78,76%; giáo dục bằng 82,12%.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có chỉ số SCOLI thấp nhất cả nước trong năm 2021, chỉ bằng 95,12% vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong 11 nhóm hàng chính có 8 nhóm hàng có mức giá bình quân thấp hơn mức giá bình quân của vùng Đồng bằng sông Hồng. Nguyên nhân chủ yếu do đây là vùng có địa hình bằng phẳng, điều kiện khí hậu và thủy văn thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp nên các mặt hàng lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình có mức giá thấp, cụ thể: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 92,57% vùng Đồng bằng sông Hồng; may mặc, mũ nón và giày dép bằng 85,52%; giao thông bằng 93,87%; nhóm giáo dục bằng 93,96%.
Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam có những bước tăng tốc mạnh mẽ, ngày càng được mở rộng và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến, số lượng người dùng Internet mua sắm tăng trưởng mạnh. Giá hàng hóa công khai, minh bạch, dịch vụ vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, do vậy mức giá hàng hóa gần như thống nhất trên toàn quốc, giá hàng hóa giữa các địa phương chủ yếu chỉ chênh lệch phần chi phí vận tải. Mức giá giữa các vùng ngày càng đồng đều hơn khi các kênh bán hàng qua mạng phát triển.
Nhịp sống kinh tế