MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Warren Buffett chia sẻ lý do không xuống tiền khi thị trường sợ hãi: "Cuộc khủng hoảng lần này rất khác"!

04-05-2020 - 12:41 PM | Tài chính quốc tế

"Chúng tôi vẫn chưa hành động bởi vì không nhìn thấy thứ gì hấp dẫn", Buffett nói. Ông chia sẻ những thương vụ của năm 2008 và 2009 không phải được thực hiện để "khẳng định điều gì đó với thế giới".

Trong cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất, Warren Buffett đã có được những món hời khi đầu tư vào các cổ phiếu Goldman Sachs và General Electric. Những khoản đầu tư này sinh lời rất cao, giúp ông kiếm bộn tiền sau khi sáng suốt nhảy vào thị trường trong lúc mọi người đang sợ hãi trước khủng hoảng.

Nhưng lần này Buffett đã tỏ ra thận trọng hơn.

Trong đại hội cổ đông thường niên được tổ chức trực tuyến của Berkshire vừa diễn ra cuối tuần qua, Buffett đã trả lời thắc mắc của cổ đông về việc tại sao ông vẫn chưa hành động trong khi hiện tại đang xuất hiện rất nhiều cơ hội với các công ty chật vật tìm kiếm nguồn tiền mặt vì phải tạm thời đóng cửa để ngăn chặn đại dịch lây lan. Theo Buffett, cuộc khủng hoảng lần này rất khác.

"Chúng tôi vẫn chưa hành động bởi vì không nhìn thấy thứ gì hấp dẫn", Buffett nói. Ông chia sẻ những thương vụ của năm 2008 và 2009 không phải được thực hiện để "khẳng định điều gì đó với thế giới". "Đó là những thứ sáng suốt và khi đó chúng tôi cũng không thực sự phải đối mặt với nhiều cạnh tranh trên thị trường".

Danh tiếng nhà đầu tư nổi tiếng cho phép Buffett đóng vai trò như người cho vay cuối cùng trong khủng hoảng tài chính 2008, thực hiện những thương vụ tạo ra mức cổ tức hàng năm lên tới 10% từ những công ty nổi tiếng. Nhưng lần này khi nỗi lo sợ về virus và hiện trạng nền kinh tế gần như đóng băng khiến cổ phiếu cắm đầu lao dốc trong tháng 3, thậm chí sự hoảng loạn lan sang cả thị trường nợ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã "đánh bại" ông với một loạt những biện pháp khẩn cấp chưa từng có tiền lệ.

"Có một khoảng thời gian ngay trước khi Fed hành động, chúng tôi đã bắt đầu nhận được những cuộc gọi", Buffett chia sẻ. "Đó không phải là những lời mời chào thực sự hấp dẫn, nhưng chúng tôi đã nhận được những cuộc gọi như vậy. Và sau khi Fed hành động thì khá nhiều công ty đã nhận được tiền giải cứu với những điều khoản mà rõ ràng là chúng tôi không thể cung cấp giống như vậy".

Phản ứng thận trọng của Buffett trong cuộc khủng hoảng lần này thu hút được rất nhiều sự chú ý của nhà đầu tư. Mặc dù Berkshire đã mua lại 1,7 tỷ USD cổ phiếu quỹ trong quý I, tập đoàn đã bán ròng cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu của 4 hãng hàng không lớn ở Mỹ.

Cách tiếp cận đó khiến ông gia nhập nhóm nhiều nhà đầu tư nổi tiếng khác cho rằng có lẽ thị trường vẫn chưa trải qua những tác động tồi tệ nhất của đại dịch. Buffett cho biết kể cả triển vọng mua lại cổ phiếu quỹ của chính Berkshire cũng không hấp dẫn hơn quá nhiều quá so với thời điểm tháng 1, dù giá đã giảm.

Việc bán tháo cổ phiếu Delta Air Lines, Southwest Airlines, American Airlines và United Airlines tiếp tục khiến mối duyên giữa Buffett và ngành hàng không trở nên gập ghềnh hơn. Sau khi thương vụ đầu tư vào USAir thất bại, ông đã tránh xa ngành này trong vài năm, đến 2016 mới quay trở lại. Đến tháng 3, ông vẫn nói với Yahoo Finance rằng ông sẽ không bán cổ phiếu hàng không.

Buffett, Chủ tịch kiêm CEO của Berkshire, trở nên nổi tiếng nhờ biến 1 công ty dệt may đang đứng trên bờ vực phá sản thành tập đoàn khổng lồ hiện đã có giá trị 444 tỷ USD. Tuy nhiên khi mà Berkshire càng phình to thì vị tỷ phú càng cảm thấy khó khăn khi đi tìm động lực tăng trưởng trong bối cảnh TTCK Mỹ tăng điểm mạnh mẽ suốt chục năm qua. Điều này cũng đè nặng lên giá cổ phiếu Berkshire, với cổ phiếu loại A giảm 19% kể từ đầu năm đến nay trong khi S&P 500 chỉ giảm hơn 12%.

Hiện Berkshire dư thừa 137 tỷ USD tiền mặt, tương đương gần 31% giá trị vốn hóa của tập đoàn. Buffett thừa nhận rằng Berkshire không cần nhiều tiền mặt đến vậy, và cũng khẳng định mục tiêu giữ công ty như "kho vàng Fort Knox", đủ kiên cường để thích ứng với đại dịch.

Buffett không hứa hẹn Berkshire sẽ đánh bại chỉ số S&P trong thập kỷ tới, nhưng ông khẳng định sẽ không bất cẩn. Chính tính kỷ luật là thứ giúp Berkshire có được những nhà đầu tư dài hạn, theo James Armstrong, chủ tịch Henry H. Armstrong Associates và cũng là 1 cổ đông của Berkshire.

"Ông ấy rất có trách nhiệm và không bao giờ quên rằng Berkshire là của ông ấy. Bất chấp báo chí và cả một số cổ đông kêu gào ông phải giải ngân số tiền mặt đó, Buffett vẫn kiên nhẫn ngày ngày tính toán cẩn trọng và nhận thấy cơ hội tốt vẫn chưa xuất hiện".

Đại hội cổ đông năm nay của Berkshire thiếu vắng người bạn đồng hành Charlie Munger cũng như hàng nghìn người hàng năm vẫn háo hức tới dự sự kiện tại Omaha, Nebraska. Buffett cho biết Munger (năm nay 96 tuổi), vẫn khỏe nhưng ông khó có thể đi từ California tới Omaha. Phó Chủ tịch Ajit Jain cũng vắng mặt vì các quy định giãn cách xã hội.

Phó chủ tịch khác, Greg Abel, đã có mặt cùng Buffett vì chỉ sống cách Omaha vài giờ xe chạy. Là người đang phụ trách các mảng còn loại ngoài bảo hiểm, Abel vẫn được xem là ứng viên sẽ thay thế trở thành CEO khi Buffett nghỉ hưu. Trong dịp này mặc dù chủ yếu vẫn là Buffett chia sẻ nhưng Abel cũng phát biểu về các cuộc gọi trước khi Fed hành động, đem đến cho nhà đầu tư một số cảm nhận về phong cách lãnh đạo của ông.

Các hoạt động kinh doanh của Berkshire cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh đóng cửa. Tập đoàn đường sắt BNSF bị giảm khối lượng vận chuyển do hoạt động thương mại đứt đoạn, trong khi lợi nhuận của mảng dệt may và da giày giảm 34% trong quý I.

Cách đây không lâu Munger cho biết một số mảng của Berkshire sẽ không thể mở cửa trở lại sau khi dịch kết thúc. Buffett đã nói rõ thêm về điều đó, cho biết Berkshire sẽ không sẵn sàng cứu vớt hoạt động kinh doanh mà bị thua lỗ quá nhiều. "Có những mảng đã có vấn đề từ trước đó và giờ rắc rối càng lớn hơn", ông nói.

Buffett vẫn rất thận trọng về cuộc khủng hoảng hiện nay, cho rằng những kịch bản có thể xảy ra là "quá rộng" và khó đoán. Tuy nhiên đến cuối buổi ông vẫn đưa ra 1 lưu ý lạc quan rằng mọi người đừng bao giờ đặt cược chống lại nước Mỹ. Và Berkshire sẽ quay trở lại những ngày thực hiện các vụ thâu tóm lớn.

"Thị trường đã thay đổi đáng kể khi Fed hành động, nhưng ai biết được điều gì sẽ xảy ra trong tuần tới, tháng tới hay năm tới? Fed không biết, tôi không biết và không ai biết cả", Buffett nói. "Có rất nhiều kịch bản có thể xảy ra. Và trong một số kịch bản chúng tôi sẽ chi rất nhiều tiền, nhưng trong vài trường hợp điều đó là không thể".

Thu Hương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên