MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WB dự báo: GDP Việt Nam sẽ đạt 6,3% trong năm 2017

World Bank (WB) ghi nhận kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, dần lấy lại đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2017.

Nửa đầu năm 2017, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 5,7%, đồng thời chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp và lạm phát cơ bản duy trì ở mức dưới 2%.

“Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thể hiện sức dẻo dai nhờ ưu thế của các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng Việt Nam – bao gồm sức cầu trong nước và ngành sản xuất chế tạo chế biến”, ông Sebatian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng, quyền GĐ Quốc gia của WB cho biết.

“Đà tăng trưởng vẫn được duy trì là yếu tố thuận lợi để Việt Nam xử lý những trở ngại có tính chất cơ cấu cho tăng trưởng trung hạn, đồng thời tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và tạo lập lại những khoảng đệm chính sách”, ông nói thêm.

Ngành dịch vụ hiện chiếm 40% GDP, tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ vào kết quả khả quan trong ngành bán lẻ và sự sôi động của ngành du lịch. Công nghiệp tiếp tục được cải thiện và nông nghiệp đang từng bước phục hồi.

Quan điểm chính sách tiền tệ vẫn phải cân đối giữa hai mục tiêu ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng với lãi suất khá thấp và tăng trưởng tín dụng ở mức cao, ước khoảng 20%. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế với hàm lượng và tăng trưởng tín dụng cao kéo dài có thể làm dấy lên quan ngại về chất lượng tổng tài sản, nhất là trong điều kiện nợ xấu trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để.

WB đồng thời ghi nhận cân đối tài khoản vãng lai của Việt Nam sau khi đạt thặng dư lớn trong năm 2016 đã giảm dần trong những tháng đầu năm 2017 do tăng trưởng nhập khẩu nhanh hơn xuất khẩu.

Tỷ giá hối đoái danh nghĩa vẫn tương đối ổn định nhưng tỷ giá thực tiếp tục tăng nhờ khu vực FDI có thặng dư kinh tế đối ngoại lớn. “Điều đó có thể là mối quan ngại cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước khi họ phải tiếp tục đối mặt với các thách thức lớn về năng lực cạnh tranh”, WB cho biết.

Về tăng trưởng của Việt Nam, WB đánh giá triển vọng trong trung hạn là tích cực. Theo đó, GDP được dự báo sẽ tăng nhẹ ở mức 6,3%, nhờ sức cầu trong nước, sản xuất nông nghiệp được phục hồi và ngành chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu tiếp tục được cải thiện.

Áp lực lạm phát ở mức vừa phải trong đó lạm phát cơ bản ổn định nhờ giá lương thực, thực phẩm và năng lượng dự báo vẫn ở mức thấp và các điều chỉnh giá các dịch vụ do nhà nước quản lý được phối hợp hợp lý hơn.

Trong trung hạn, WB cho rằng tốc độ tăng trưởng dự kiến được cải thiện lên mức 6,4% trong các năm 2018 – 2019 cùng với ổn định chung về kinh tế vĩ mô.

Ông Sebatian Eckardt nhấn mạnh con số 6,3% được xem là phù hợp với Việt Nam. Trong đó, Việt Nam nên chú trọng về chất lượng hơn là con số tăng trưởng, đảm bảo được tăng trưởng bền vững dựa trên những động lực của thị trường.

Những nút thắt tăng trưởng đang được gỡ

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên