MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WB dự báo thương mại toàn cầu phục hồi, các nước xuất khẩu tăng trưởng trở lại

Ngân hàng Thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trở lại và đạt mức 2,7% năm 2017 nhờ mức tăng sản xuất và thương mại, tăng niềm tin thị trường, tăng giá nguyên vật liệu giúp các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển dựa vào xuất khẩu nguyên vật liệu tăng trưởng trở lại.

Các nước xuất khẩu nguyên vật liệu sẽ tăng trưởng trở lại sau khi giá xuất khẩu chạm mức thấp kỷ lục

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu do Ngân hàng Thế giới công bố tháng 6/2017 các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ tăng tốc và đạt mức tăng trưởng 1,9% năm 2017 và sẽ tác động tích cực lên các đối tác thương mại của các nước này. Điều kiện tàichính toàn cầu sẽ tiếp tục thuận lợi, và giá nguyên vật liệu đã ổn định. Trong bối cảnh đó các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển sẽ đạt mức tăng trưởng chung cả nhóm là 4,1% năm nay, tăng hơn so với mức 3,5% năm 2016.

Tuy nhiên Báo cáo cũng lưu ý mối quan ngại về tình trạng nợ và thâm hụt tăng tại các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển làm cho lãi suất có thể tăng đột ngột hoặc làm cho điều kiện vay vốn bị thắt chặt hơn và dẫn đến hậu quả tiêu cực. Vào thời điểm cuối năm 2016 nợ chính phủ đã vượt mức 2007 tương ứng với 10 điểm phần trăm GDP tại trên một nửa số nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển.

“Tin vui ở đây là thương mại đã hồi phục,” ông Paul Romer, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới nói. “Đầu tư vẫn còn yếu và gây lo ngại. Vì vậy ta phải chuyển hướng ưu tiên và cấp vốn cho những dự án hứa hẹn sẽ kéo theo đầu tư tư nhân.”

Đểm sáng trong tiến trình này là thương mại đã tăng trở lại và đạt mức 4% sau khi xuống thấp mức kỷ lục 2,5% sau khi trải qua khủng hoảng vào năm ngoái. Báo cáo cũng hướng sự chú ý tới một điểm yếu trong thương mại toàn cầu, đó là giao dịch buôn bán giữa các doanh nghiệp không cùng sở hữu. Thương mại dựa trên các kênh thuê ngoài (outsource) đã giảm nhanh hơn mức giảm giao dịch nội bộ trong một số năm gần đây. Nhân sự việc này, báo cáo kêu gọi chú ý đến tầm quan trọng của mạng lưới thương mại toàn cầu lành mạnh đối với các doanh nghiệp có mức độ liên kết thấp. Đây chính là các doanh nghiệp chiếm đa số.

Khu vực Đông Á Thái Bình Dương hồi phục nhưng không chắc chắn

Tăng trưởng khu vực Đông Á Thái Bình Dương sẽ đạt 6,2% năm 2017 và 6,1% năm 2018. Xu thế giảm tăng trưởng tại Trung Quốc sẽ làm giảm mức tăng trưởng chung của cả khu vực, mức tăng này được bù lại chủ yếu bởi sự khởi sắc trở lại của các nước xuất khẩu nguyên vật liệu. Tăng trưởng tại Trung Quốc dự kiến sẽ xuống mức 6,5% năm nay và 6,3% năm 2018.

Việt Nam được dự báo đạt mốc tăng trưởng 6,3 %, tăng nhẹ so với năm 2016. Tuy nhiên WB cũng lưu ý một số rủi ro xuất phát từ các yếu tố bên ngoài. Trong đó phải kể đến mức độ bất ổn chính sách ngày càng tăng tại Hoa Kỳ. Hiện nay Hoa Kỳ đang xem xét lại chính sách thương mại, nhập cư, và tài khóa. Sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu cũng ảnh hưởng lên niềm tin của các nhà đầu tư và cũng ảnh hưởng lên các nước trong khu vực. Tâm lý bảo hộ tại các nền kinh tế phát triển lớn tạo sự bất ổn về tương lai của các mối quan hệ thương mại cũ. Nếu điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt nhanh hơn dự kiến thì nó sẽ kìm hãm mức tăng trưởng khu vực và làm trầm trọng thêm những yếu kém tài chính hiện có.


Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Linh Bùi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên