MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WB: Làn sóng nợ toàn cầu đang lan rộng với tốc độ nhanh nhất từ những năm 1970, có nguy cơ 'bùng phát' thành khủng hoảng tài chính

10-01-2020 - 12:29 PM | Tài chính quốc tế

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu khác, kêu gọi chính phủ và ngân hàng trung ương các nước nên nhận ra rằng lãi suất thấp có thể sẽ không đủ để bù đắp cho ảnh hưởng lan rộng khi khủng hoảng tài chính xảy ra.

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (GEP) mới công bố, tổ chức này cho biết đã có 4 cuộc khủng hoảng nợ tích luỹ đã diễn ra trong 50 năm qua. "Cơn sóng" nợ hiện tại - bắt đầu từ năm 2010, được cho là sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng lớn nhất, kéo đến nhanh nhất, lan rộng nhất và có quy mô lớn nhất kể từ những năm 1970.

WB cho biết, trong bối cảnh thế giới đang ở trong môi trường lãi suất thấp - khi thị trường tài chính dự kiến sẽ duy trì trong trung hạn, có thể giảm thiểu một số rủi ro liên quan đến việc mức nợ tăng cao, thị 3 cuộc khủng hoảng quy mô lớn trước đó đều gây ra khủng hoảng tài chính ở nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi.

Ayhan Kose, giám đốc của Prospects Group thuộc WB, cho biết trong bản báo cáo: "Môi trường lãi suất thấp trên toàn cầu mang đến sự bảo vệ không vững chắc khi đối mặt với những cuộc khủng hoảng tài chính. Những làn sóng khủng hoảng nợ trước cho thấy xu hướng này có thể sẽ có kết cục không tốt đẹp. Trong một môi trường kinh tế 'mong manh' như vậy, thì việc cải thiện chính sách là rất quan trọng để giảm thiểu những rủi ro liên quan đến làn sóng nợ hiện tại."

Năm 2018, khối nợ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục là khoảng 230% so với tổng GDP, WB cho hay. Trong khi đó, tổng nợ của các nền kinh tế mới nổi và phát triển đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 170% GDP. Điều này cho thấy mức tăng của khối nợ là 54 điểm phần trăm GDP kể từ năm 2010. Trung Quốc chiếm phần lớn trong quá trình tạo nên khối nợ khổng lồ này, nhưng WB nhấn mạnh rằng tình trạng nợ tích luỹ gia tăng đã lan rộng kể từ năm 2010.

"Làn sóng nợ thứ 4" được cho là có nhiều điểm tương đồng với 3 đợt trước đó: xảy ra trong bối cảnh môi trường tài chính toàn cầu đang có nhiều thay đổi, tạo ra nhiều "lỗ hổng" và lo ngại về việc sử dụng vốn vay không hiệu quả. 3 làn sóng nợ tích luỹ toàn cầu trước đó được xác định xảy ra bắt đầu từ 1970-1989, 1990-2001 và 2002-2009.

Tổ chức này cũng đưa ra một số gợi ý về việc thay đổi chính sách đối với các quốc gia, nhằm giảm khả năng làn sóng nợ hiện tại có thể tạo thành khủng hoảng tài chính và nếu khủng hoảng xảy ra thì những tác động cũng được giảm thiểu.

Thứ nhất, WB cho biết hoạt động quản lý nợ hợp lý và minh bạch các khoản nợ sẽ giúp giảm chi phí đi vay và kiềm chế rủi ro tài chính. Thứ hai, khung chính sách tiền tệ, tỷ giá hối đoái và tài khoá chặt chẽ có thể bảo vệ các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trước môi trường kinh tế dễ bị tác động tiêu cực. Thứ ba, quy định và việc giám sát cẩn trọng ngành tài chính sẽ giúp các ngân hàng trung ương nhận biết và giải quyết những rủi ro mới. Thứ tư, quản lý tài chính và chính sách công hiệu quả - thúc đẩy hoạt động quản trị doanh nghiệp, có thể giúp đảm bảo rằng nợ đã được sử dụng đúng mục đích.

Ngoài ra, WB cũng nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên mức 2,5% cho năm 2020, tăng từ ước tính trước đó là 2,4% nhưng cảnh báo vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Ceyla Pazarbasioglu - phó chủ tịch Equitable Growth, Finance and Institutions, cho biết trong bản báo cáo: "Khi tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển và mới nổi có xu hướng chậm lại, thì các nhà hoạch định chính sách nên thực hiện các bước cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng trên diện rộng - điều cần thiết để giảm tỷ lệ đói nghèo. 

Bà nhận định thêm: "Các bước để cải thiện môi trường kinh doanh, luật pháp, quản lý nợ và năng suất có thể giúp họ đạt được sự tăng trưởng bền vững." 

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên