MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WeWork sắp phá sản: Startup từng trị giá 47 tỷ USD nay chỉ còn là đống đổ nát với khoản nợ 2,9 tỷ USD, là thất bại đáng xấu hổ Masayoshi Son muốn chôn vùi

01-11-2023 - 11:11 AM | Tài chính quốc tế

WeWork sắp phá sản: Startup từng trị giá 47 tỷ USD nay chỉ còn là đống đổ nát với khoản nợ 2,9 tỷ USD, là thất bại đáng xấu hổ Masayoshi Son muốn chôn vùi

WeWork nộp đơn phá sản đã cho thấy kỷ nguyên thao túng tâm lý nhà đầu tư, bơm thổi các doanh nghiệp bất động sản dưới cái mác startup công nghệ đã đến hồi kết.

Hãng tin Reuters cho hay startup WeWork đang có kế hoạch nộp đơn xin phá sản vào đầu tuần tới do không thể đối phó được với tình trạng nợ nần ngập đầu và thua lỗ nặng.

Thông tin này được tờ Wall Street Journal (WSJ) đăng tải vào ngày 1/11/2023 khiến giá cổ phiếu của startup được đầu tư bởi Masayoshi Son này rớt 32% giá trị. Kể từ đầu năm đến nay, WeWork đã mất 96% giá trị cổ phiếu.

Trước đó, WeWork từng cho biết đang thỏa thuận với các chủ nợ nhằm hoãn việc thanh toán một số khoản nợ đáo hạn tới đây.

Hiện công ty này đang có khoản nợ ròng dài hạn lên đến 2,9 tỷ USD tính đến cuối tháng 6/2023, cùng với hơn 13 tỷ USD tiền thuê bất động sản phải trả.

WeWork sắp phá sản: Starup từng trị giá 47 tỷ USD nay chỉ còn là đống đổ nát với khoản nợ 2,9 tỷ USD, là thất bại đáng xấu hổ Masayoshi Son muốn chôn vùi - Ảnh 1.

Theo Reuters, việc lãi suất tại Mỹ tăng cao đã ảnh hưởng nặng nề đến những doanh nghiệp trong mảng bất động sản thương mại như WeWork khi chi phí vay tăng mạnh.

Việc WeWork nộp đơn phá sản sẽ gây sốc trên thị trường khi doanh nghiệp này có tổng giá trị tài sản đến 47 tỷ USD vào năm 2019, qua đó tạo nên vết nhơ khó xóa nhòa với Softbank cũng như Masayoshi Son khi đã đổ hàng tỷ USD cho startup này.

Trên thực tế, WeWork đã gặp vấn đề kể từ khi có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2019.

Nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về mô hình kinh doanh của WeWork khi thuê dài hạn các bất động sản rồi cho thuê lại trong ngắn hạn làm văn phòng, địa điểm họp hành...với những startup hay doanh nghiệp khác.

Lãi suất tăng cao cùng những biến động về nền kinh tế khiến WeWork phải thanh toán nhiều chi phí hơn, trong khi thị trường startup bắt đầu xì hơi khiến nhiều nhà khởi nghiệp phá sản do nhà đầu tư đã mất kiên nhẫn khi bị “đốt vốn” mà không đem về lợi nhuận.

Sau năm 2019, WeWork liên tục gặp những rắc rối khiến danh tiếng của Masayoshi Son chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cho dù cuối cùng cũng được IPO vào năm 2021 với giá trị thấp hơn dự kiến nhưng Softbank, nhà đầu tư đã đổ hàng tỷ USD cho startup này vẫn chịu thua lỗ từ dự án, qua đó cho thấy mô hình kinh doanh kém hiệu quả của WeWork.

Vào tháng 8/2023, WeWork khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động khi hàng loạt giám đốc cấp cao, bao gồm cả CEO Sandeep Matharani đã từ chức.

WeWork sắp phá sản: Starup từng trị giá 47 tỷ USD nay chỉ còn là đống đổ nát với khoản nợ 2,9 tỷ USD, là thất bại đáng xấu hổ Masayoshi Son muốn chôn vùi - Ảnh 2.

Masayoshi Son và Adam Neumann

Nổi lên nhờ “bơm thổi”

Startup WeWork được hình thành vào năm 2010 khi mảng khởi nghiệp bắt đầu bùng nổ trong quãng thời gian suốt 10 năm sau đó.

Đây là thời kỳ vàng son của những nhà đầu tư thiên thần như Masayoshi Son khi hàng loạt startup như Alibaba của Jack Ma thành công rực rỡ.

Nhà sáng lập Adam Neumann của WeWork cùng với tài ăn nói diễn thuyết của mình đã giúp startup này gọi vốn được hàng tỷ USD và mở rộng nhanh chóng với doanh thu tăng 100% mỗi năm.

Tại thời kỳ đỉnh cao, WeWork thậm chí là một trong những startup được định giá cao nhất tại Mỹ và có chi nhánh ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Công ty này cũng tiếp cận nhiều dự án khác như WeGrow- chuyên mở trường tiểu học tư nhân, hay WeLive-chuyên cho thuê căn hộ, Rise By We-chuyên kinh doanh phòng tập gym.

Tuy nhiên đến tháng 9/2019, mức định giá của WeWork đã lao dốc từ 50 tỷ USD xuống chỉ còn 10-12 tỷ USD, tạo nên cú sốc cực lớn cho các nhà đầu tư khi bị rơi vào cái bẫy định giá cũng như bơm thổi trên thị trường startup.

Theo tờ WSJ, hãng WeWork thực chất chỉ là một công ty cho thuê bất động sản thương mại dưới vỏ bọc startup công nghệ.

Doanh nghiệp này đi thuê các tòa nhà cả chục năm trời để cho thuê lại ngắn hạn, lấy ngắn nuôi dài và mô hình này bị đánh giá là không khả thi.

Việc Adam Neumann thao túng tâm lý nhà đầu tư khi quảng cáo WeWork sẽ có tăng trưởng bùng nổ như những hãng công nghệ, trong khi thực chất chỉ là một hãng bất động sản đã bị nhà đầu tư nhìn thấu.

WeWork sắp phá sản: Starup từng trị giá 47 tỷ USD nay chỉ còn là đống đổ nát với khoản nợ 2,9 tỷ USD, là thất bại đáng xấu hổ Masayoshi Son muốn chôn vùi - Ảnh 3.

Văn hóa độc hại

Một yếu tố nữa đã giết chết WeWork là văn hóa làm việc. Tờ WSJ cho biết văn hóa độc hại như tiệc tùng xuyên màn đêm, sử dụng rượu bia và thậm chí là cả ma túy trong quá trình làm việc cũng khiến startup này dần lụi tàn.

Thế rồi câu chuyện Neumann cùng vợ nhân nhượng với người nhà nhưng hà khắc với nhân viên càng khiến việc kinh doanh của WeWork đi xuống.

“Cách quản lý của WeWork sẽ không mang lại lợi ích cho cổ đông. Đây có thể xem là hồi chuông cảnh báo cho những công ty muốn lên thị trường đại chúng chỉ để nhanh chóng tăng vốn. Các nhà đầu tư giờ đã thắt chặt hầu bao của họ”, chuyên gia Kathleen Smith của quỹ đầu tư Renaissance cho biết

Tính đến quý I/2021, khoản lỗ của WeWork phình to gấp 4 so với cùng kỳ. Bản thân startup này cũng mất hơn 1/4 khách hàng.

Trong nửa đầu năm 2023, WeWork đã lỗ 700 triệu USD sau khi ‘mất trắng’ 2,3 tỷ USD vào năm 2022 vì hoạt động kinh doanh quá tiêu cực.

Tình hình ngày càng tệ hại và gần đây WeWork cũng đã phải thừa nhận họ khó có thể gồng lỗ thêm được nữa. Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu WeWork đang được giao dịch ở mức 0,11 USD. Hiện định giá WeWork không nổi 250 triệu USD.

*Nguồn: WSJ, Reuters

Theo Băng Băng

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên