WHO cảnh báo: Đừng chủ quan, Omicron chưa phải dấu chấm hết cho đại dịch Covid-19
Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ không thể kết thúc với sự lây lan của biến thể Omicron đồng thời cảnh báo nguy cơ đột biến mới xuất hiện khi có nhiều người hơn nhiễm bệnh.
- 05-01-2022Covid-19: WHO lên tiếng về biến thể có 46 đột biến
- 30-12-2021WHO cảnh báo Omicron và Delta phối hợp gây ra 'cơn sóng thần' các ca mắc mới COVID-19
- 21-12-2021Lời cảnh báo "lạnh sống lưng" của Tổng giám đốc WHO: "Hủy một sự kiện còn hơn là bỏ cả cuộc đời"
- 19-12-2021WHO: Cứ 1,5 đến 3 ngày, số ca nhiễm Omicron lại tăng gấp đôi
"Chúng tôi nghe thấy nhiều người nói rằng biến thể Omicron sẽ là dấu chấm hết của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều đó không chính xác bởi biến thể này đang lây lan khủng khiếp trên toàn cầu", Maria Van Kerkhove, chuyên gia hàng đầu của WHO về Covid-19 cho biết.
Theo WHO, số ca nhiễm mới đã tăng 20% trên toàn thế giới trong tuần qua với 19 nước ghi nhận ca mắc biến thể này. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều với những ca lây nhiễm không được phát hiện hoặc không được thống kê.
Tiến sĩ Bruce Aylward, một quan chức cấp cao của WHO, cảnh báo việc virus lây lan mạnh có thể tạo cơ hội cho sự xuất hiện của các biến thể mới. "Chúng ta không thể lường hết hậu quả của đợt bùng phát này. Hầu hết những gì chúng ta có thể thấy là việc lây lan không kiểm soát. Chúng ta từng có những đợt bùng phát như thế và phải trả giá bằng sự xuất hiện của các biến thể mới", Aylward nói.
Bà Van Kerkhove, chuyên gia y tế cấp cao khác của WHO, nhấn mạnh: "Bây giờ không phải lúc để nới lỏng các biện pháp chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách". Bà Kerkhove cũng kêu gọi các chính phủ tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn sự lây lan của các biến thể mới, có khả năng xuất hiện trong tương lai.
"Nếu chúng ta không làm điều đó ngay bây giờ, chúng ta sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng tiếp theo. Chúng ta cần chấm dứt cuộc khủng hoảng mình đang phải đối mặt và chúng ta hoàn toàn có năng lực làm điều đó. Đây chắc chắn không phải biến thể ‘đáng quan ngại’ cuối cùng", bà Kerkhove nhấn mạnh.
Hồi tháng 12, nhóm các nhà khoa học Nam Phi đã công bố kết quả một nghiên cứu trên phạm vi nhỏ cho thấy Omicron có thể làm tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể để chống lại biến thể Delta, vốn được mô tả là nguy hiểm hơn rất nhiều so với biến thể Delta.
Tuy nhiên, Cố vấn Y tế hàng đầu của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci, khẳng định rằng vẫn còn quá sớm để dự đoán liệu omicron có phải làn sóng cuối cùng của đại dịch hay không.
"Tôi hy vọng điều đó đúng. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta không có một biến thể nào khác, có thể làm giảm khả năng miễn dịch của những người được tiêm phòng hoặc từng mắc bệnh", ông Fauci nói.
Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreysus cho biết số ca nhiễm mới đang đạt đỉnh ở một số quốc gia, làm dấy lên lo ngại rằng chưa biết bao giờ dịch bệnh mới chấm dứt. Hiện tại, chưa quốc gia nào có thể an toàn trước đợt bùng phát mới.
"Tôi kêu gọi mọi người cố gắng hết sức để cắt giảm nguy cơ lây nhiễm để giảm bớt áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Bây giờ không phải lúc để từ bỏ và vẫy cờ trắng", ông Ghebreysus nói.
WHO cũng cảnh báo rằng việc phân phối vắc xin không đồng đều trên toàn thế giới dẫn tới việc tỷ lệ tiêm phòng thấp ở các nước kém phát triển, khiến một lượng lớn dân số dễ bị tổn thương trước sự xuất hiện của các biến chủng mới.
WHO đặt mục tiêu mỗi quốc gia phải tiêm vắc xin cho 40% dân số vào năm 2021. Tuy nhiên, có tới 92 quốc gia, tức khoảng 40%, không đạt được mục tiêu đó.