MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

World Cup là sự lãng phí khổng lồ về tiền bạc?

21-11-2022 - 19:32 PM | Tài chính quốc tế

World Cup là sự lãng phí khổng lồ về tiền bạc?

Chi phí bỏ ra và lợi ích thu lại luôn là bài toán khó cho các nước chủ nhà World Cup, giải bóng đá lớn nhất hành tinh diễn ra 4 năm một lần.

Qatar hiện đang là chủ nhà của World Cup. Kể từ khi giành quyền đăng cai giải đấu này 12 năm trước, quốc gia Ả rập đã chi 300 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng. Đổi lại, Qatar chỉ hy vọng giải đấu sẽ bơm 17 tỷ USD trở lại vào nền kinh tế của họ.

Phần nhiều trong số tiền 300 tỷ USD này được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ 1,5 triệu du khách dự kiến sẽ tới đây thưởng thức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, các nhà tổ chức nhấn mạnh rằng những công trình này sẽ tiếp tục được sử dụng ngay cả khi trái bóng ngừng lăn. Thực tế, họ nên đạt được mục tiêu đó.

Theo nghiên cứu từ Đại học Lausanne, từ năm 1964 đến năm 2018, 31 trong số 36 sự kiện lớn, chẳng hạn như World Cup hoặc Thế vận hội mùa hè và mùa đông, đều để lại những tổn thất nặng nề về kinh tế. Trong số 14 kỳ World Cup mà họ phân tích, chỉ có một kỳ duy nhất mà nước chủ nhà có lãi. Đó là năm 2018 tại Nga, nơi mà nước chủ nhà thặng dư 235 triệu USD nhờ một thỏa thuận khổng lồ về bản quyền phát sóng. Tuy nhiên, giải đấu chỉ thu được 4,6% lợi tức đầu tư.

World Cup là sự lãng phí khổng lồ về tiền bạc? - Ảnh 1.

Hầu hết các quốc gia đều lỗ khi đăng cai tổ chức World Cup.

Trong khi đó, hầu hết các chi phí tổ chức do nước chủ nhà chi trả. FIFA, cơ quan quản lý của môn thể thao này, chỉ đài thọ các chi phí hoạt động. Dẫu vậy, họ hưởng phần lớn doanh thu, từ bán vé, tài trợ và tiền bản quyền phát sóng. Ví dụ, kỳ World Cup gần nhất mang về cho FIFA 5,4 tỷ USD, một phần trong số đó sau này được chuyển cho các đội tuyển tham gia.

Những dữ liệu mà Lausanne tổng hợp chỉ bao gồm các khoản liên quan đến địa điểm (chẳng hạn như xây dựng sân vận động) và hậu cần (chẳng hạn như chi phí nhân sự). Nó bỏ qua các dự án gián tiếp, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng tàu điện hay khách sạn.

Một số dự án cơ sở hạ tầng theo sau các sự kiện thể thao này giúp các nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn trong dài hạn. Tuy nhiên, nhiều sân vận động được xây dựng với khoản tiền khổng lồ sau này không còn được sử dụng mấy. Và các sự kiện như World Cup hiếm khi thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở các khu vực xung quanh.

Cư dân ở các thành phố chủ nhà cũng bắt đầu đặt câu hỏi về những lợi ích họ nhận được sau khi chính phủ chi hàng tỷ USD cho các sự kiện thể thao lớn. Kết quả là, ngày càng có ít quốc gia tình nguyện đăng cai tổ chức các sự kiện này. Có ví dụ cho điều đó. Năm 2016, có 7 thành phố muốn đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa hè. Năm 2024, chỉ có 2 thành phố cạnh tranh vị trí này.

Tuy nhiên, những chi phí khổng lồ cũng mới xuất hiện gần đây. World Cup năm 1966 có 16 đội tham gia với chi phí khoảng 200.000 USD/mỗi cầu thủ (theo tỷ giá năm 2018). Đến năm 2018, chi phí này đã nhảy lên tới 7 triệu USD.

Chi phí cao còn được thúc đẩy bởi việc xây dựng thêm nhiều sân vận động phụ vụ giải đấu. Riêng ở Qatar năm nay, 7 trong số 8 sân tổ chức thi đấu được xây mới. Trong khi đó, năm 1966, nước Anh không xây thêm bất cứ sân vận động nào mới để tổ chức sự kiện này.

Tham khảo: The Economist

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên