WSJ: USD không phải là đối thủ của bitcoin
Nhiều người dân đã không còn tin tưởng vào đồng tiền của quốc gia họ. Họ muốn sử dụng bitcoin để làm một phương tiện phòng ngừa hoặc một công cụ thanh toán và chuyển nhượng thay thế khi tiền pháp định không còn có thể thực hiện hiệu quả những chức năng cơ bản.
- 06-07-2017Goldman Sachs: Bitcoin có thể tăng lên mức gần 4.000 USD
- 05-07-2017Sàn giao dịch Bitcoin lớn thứ 4 thế giới bị hacker tấn công, đánh cắp hàng tỷ Won
- 27-06-2017Bitcoin, Ethereum, Ripple thi nhau tụt đỉnh
- 24-06-2017Bitcoin chỉ là "tép riu" trên sân chơi tài sản toàn cầu?
Trong bài báo có tựa đề "Tại sao bitcoin lại bùng nổ" được đăng tải trên WSJ ngày 9/7, giáo sư ngành luật trường ĐH Northwestern - John O. McGinnes đã đưa ra một phép so sánh về giá trị tiềm năng của tiền ảo và tiền giấy.
Cùng với luật sư Kyle W. Roche, ông McGinnes cho rằng: "Để tiếp tục tăng giá, bitcoin không cần phải trở thành một nơi lưu trữ tài sản ổn định hơn so với đồng USD. Thay vào đó, nó có thể leo lên nấc thang quyền lực bằng cách giành được sự tin cậy nhiều hơn".
Giá trị pháp lý của bitcoin từ lâu vẫn luôn bị coi là chủ đề để chỉ trích của các trang báo chính thống. Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ - SEC đã thẳng tay từ chối đơn xin thành lập quỹ ETF bitcoin cho phép các nhà đầu tư nhỏ có thể mua vào bitcoin trên thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, đồng tiền ảo này vẫn liên tục lập đỉnh mới kể từ đầu năm đến nay.
Lý do cơ bản là bởi nhiều người dân đã không còn tin tưởng vào đồng tiền của quốc gia họ. Họ muốn sử dụng bitcoin để làm một phương tiện phòng ngừa hoặc một công cụ thanh toán và chuyển nhượng thay thế khi tiền pháp định không còn có thể thực hiện hiệu quả những chức năng cơ bản.
Giá trị và tính ổn định của một loại tiền giấy phụ thuộc vào chính phủ sản xuất ra nó. Trong khi một số chính phủ có các tổ chức tạo niềm tin như Cục dự trữ Liên bang của Mỹ, một số khác lại có những biện pháp khá khiên cưỡng. Chính phủ Argentina đã liên tục phá giá tiền tệ cho đến tận cuối năm ngoái. Trung Quốc cũng nổi tiếng với những biện pháp kiểm soát vốn, hạn chế chuyển tiền ra nước ngoài ngặt nghèo. Đây cũng là 2 quốc gia có khối lượng giao dịch bitcoin lớn trên thế giới.
Không giống với tiền pháp định, với bitcoin, niềm tin không được xác định bởi chính phủ mà theo thứ tự phân cấp của những người làm ra giao dịch bitcoin - hay gọi cách khác là thợ mỏ.
Bitcoin được tạo ra bằng một quy trình phân quyền, không có một tổ chức nào có thể điều khiển mạng lưới bitcoin. Bất cứ ai truy cập được internet đều có thể tạo ra bitcoin bằng cách sử dụng máy tính giải quyết các vấn đề toán học. Điều đó có nghĩa là sẽ không có chuyện tiền bốc hơi khỏi túi của bạn gần như trong chớp mắt khi chính phủ quyết định phá giá tiền tệ hay in tiền mới.
Các thợ mỏ bitcoin có một vai trò rất quan trọng bởi họ là người quyết định số lượng bitcoin. Đôi khi, họ không đạt đồng thuận về cách tạo ra bitcoin, như cuộc tranh cãi mới đây về khối lượng mỗi block. Nhưng tính ưu việt của bitcoin là sự liên kết chặt chẽ giữa các thợ mở và giá trị của bitcoin. Sau khi một thợ mỏ mã hóa xong một giao dịch trong blockchain thì họ cũng sẽ nhận được 1 bitcoin.
Trái lại, ở một số nền kinh tế, các chính trị gia đặt lợi ích của chính họ hoặc phe phái chính trị thay vì trách nhiệm xã hội.
Nếu bitcoin tiếp tục duy trì được trạng thái ổn định trong thời gian dài, nó sẽ trở nên thực sự cạnh tranh bởi ngay cả đồng tiền pháp định mạnh nhất cũng phải chịu rủi ro chính trị. Các cuộc xung đột quốc gia và quốc tế tiếp tục là động lực cho đà tăng của bitcoin. Những vấn đề bất ổn ở khu vực đồng tiền chung euro, Brexit và tỷ lệ nợ quốc gia ở mức cao đang đe dọa giá trị của những đồng tiền pháp định.