Xây dựng đô thị sân bay Tân Sơn Nhất, cần gì?
Khát vọng xây dựng mô hình đô thị sân bay Tân Sơn Nhất sẽ gặp phải 2 thách thức lớn cần phải giải
Ngày 23-12, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM phối hợp với UBND quận Tân Bình tổ chức hội thảo "Định hướng quy hoạch, quản lý đô thị các địa phương gắn với mô hình đô thị sân bay quốc tế áp dụng thí điểm cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất".
Hội thảo nhằm tìm giải pháp mới trong công tác quy hoạch phát triển đô thị để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, hướng đến phát triển đô thị bền vững trong tương lai.
Góp ý thẳng thắn
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ ra những cơ hội cũng như thách thức khi muốn xây dựng đô thị sân bay, vốn được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
TS.KTS Hoàng Ngọc Lan (Trường đại học Kiến trúc TP HCM) cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố và hình thành sẵn các công trình thương mại dịch vụ phục vụ hành khách đi sân bay. Đây là cơ hội lớn nhất để mình phát triển mô hình đô thị sân bay mà trên thế giới đang áp dụng.
TS Hoàng Ngọc Lan cho rằng hạn chế về giao thông, quỹ đất có thể giải quyết được nếu quyết tâm xây dựng đô thị sân bay.
Tuy nhiên, TS Hoàng Ngọc Lan cũng chỉ ra nhiều thách thức, đó là nghiên cứu, xây dựng mô hình phù hợp với đặc thù Tân Sơn Nhất và nguồn lực để hiện thực hóa mô hình này.
“Riêng hạn chế về kết nối giao thông với khu trung tâm, quỹ đất quanh sân bay đều có thể giải quyết được nếu muốn làm" – bà Hoàng Ngọc Lan nói.
Trong khi đó, dưới góc nhìn chuyên gia hàng không, TS Lương Hoài Nam thẳng thắn cho rằng xưa nay Tân Sơn Nhất không phát triển theo mô hình đô thị sân bay.
"Hôm nay chúng ta bàn việc đó, trong điều kiện thực tế là quỹ đất quanh sân bay không còn nhiều. Nhưng đây là chuyện đáng bàn, đáng làm" – TS Lương Hoài Nam nhận định.
Nêu giải pháp, TS Lương Hoài Nam cho rằng khi mở rộng sân bay (xây dựng nhà ga T3) nên kết hợp xem xét quy hoạch phát triển trong và ngoài sân bay, đồng thời tăng kết nối trung tâm TP với sân bay để tạo sự cộng hưởng tối đa cho sự phát triển.
TS Lương Hoài Nam cho rằng xây dựng đô thị sân bay là điều đáng bàn, đáng làm.
"Nhìn chung phát triển quỹ đất, hạ tầng giao thông, kết hợp chỉnh trang đô thị là hướng đáng để TP HCM theo đuổi trong thời gian tới để sân bay tận dụng tối đa công suất và vùng cận sân bay sử dụng đất hiệu quả nhất, gắn kết kinh tế thành phố với sân bay" – ông Lương Hoài Nam nói.
Đồng quan điểm, KTS Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng với quỹ đất và kết nối giao thông hạn chế nên cần sớm xây dựng đường trên cao, đồng thời nghiên cứu khai thác không gian ngầm quanh sân bay, đặc biệt là công viên Hoàng Văn Thụ (rộng hơn 10 ha).
Tạo động lực phát triển gắn với sân bay
Nhìn góc độ vĩ mô, Ths.KTS Đỗ Nguyên Phong (Viện Quy hoạch xây dựng) cho rằng chiến lược phát triển quận Tân Bình gắn với đô thị sân bay Tân Sơn Nhất nên được nhìn trong tổng thể quy hoạch TP HCM, vùng TP HCM và miền Nam, phải xây dựng trên tiềm năng lợi thế đặc biệt của quận và có chiến lược cụ thể.
Về giải pháp, ông Đỗ Nguyên Phong cho rằng chuyển đổi đất quân sự sang dân dụng là rất quan trọng và câu chuyện này sẽ mất khá nhiều thời gian do liên quan đến pháp lý và an ninh quốc phòng nên cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến về việc phát triển không gian ngầm và không gian trên cao để phát triển thương mại, dịch vụ; tăng cường kết nối văn hóa, du lịch với hoạt động sân bay.
Chủ tịch UBND quận Tân Bình (TP HCM) Nguyễn Bá Thành cho biết sẽ tổng hợp ý kiến và đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế địa phương gắn với sân bay.
Chủ tịch UBND quận Tân Bình Nguyễn Bá Thành cho biết sẽ tiếp thu ý kiến chuyên gia để nghiên cứu, đề xuất giải pháp phù hợp trong bối cảnh quỹ đất hạn hẹp.
“Quận sẽ phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc để xem xét lại quy hoạch của quận trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, trong đó gắn kết với sân bay Tân Sơn Nhất để tạo nguồn lực phát triển thương mại dịch vụ, mở ra không gian đô thị về đêm, ngày cuối tuần.
Ngoài kết nối các tuyến giao thông, quận cũng sẽ nghiên cứu thêm không gian ngầm. Quận sẽ phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc và các ban ngành để nghiên cứu, đề xuất giải pháp quy hoạch và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội được đồng bộ" – Chủ tịch UBND quận Tân Bình nói.
Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết những đề xuất phù hợp tại hội thảo sẽ là "chất liệu" cho quá trình điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM.
Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết hội thảo sẽ giúp Tân Bình và các quận xung quanh sân bay nhìn lại điều kiện phát triển đô thị, chỉnh trang khu phố, khu vực gắn với động lực phát triển từ sân bay.
"Sở sẽ tiếp thu ý kiến chuyên gia về bổ sung một số chức năng đô thị cho khu vực lân cận sân bay như quận Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp. Theo đó, xem xét điều chỉnh quy hoạch cũng như gia tăng chỉ tiêu cho các khu vực để cải thiện bộ mặt đô thị và tạo điều kiện cho địa phương phát triển dịch vụ, hoạt động logistics…" - ông Nguyễn Thanh Nhã cho hay.
Ông nói những kết quả nghiên cứu, ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp và đưa vào "bức tranh" điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM sắp tới và điều chỉnh quy hoạch phân khu cho phù hợp.
Người lao động