Xây dựng thương hiệu nông sản: Bỏ ngỏ, lệ thuộc nước ngoài
Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn, mỗi năm thu hàng tỷ USD, nhưng hầu hết sản phẩm chưa có thương hiệu. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; việc xây dựng thương hiệu còn bỏ ngỏ, lệ thuộc vào nước ngoài...
- 07-08-2015Việt Nam đang thiếu thương hiệu và chất lượng hàng nông sản
- 12-09-2013Khó tìm thương hiệu nông sản xuất khẩu
- 25-04-2013Thương hiệu nông sản Việt Nam: Được ít, mất nhiều!
90% xuất khẩu dưới dạng thô
Tại tọa đàm “Xây dựng thương hiệu cho nông sản và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh”, do Tổng hội NN&PTNN Việt Nam vừa tổ chức, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNN Việt Nam Hồ Xuân Hùng cho biết, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu nông sản, được thị trường nước ngoài đánh giá cao, nhưng 90% nông sản xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị thấp.
Nguyên nhân do doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp còn khiêm tốn, chỉ chiếm 1% so với các ngành khác vì phải đối mặt với nhiều rủi ro như: Thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường, vốn, tích tụ đất đai đều kém. Nhiều địa phương và DN chưa thấy rõ được tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức Triệu Tiến Ích cho biết, Hội có 50ha nhãn chín muộn đạt chuẩn VietGAP. Năm 2015, nhãn chín muộn Hoài Đức dự kiến xuất khẩu sang Mỹ, song do chưa có thương hiệu và không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu nên vẫn “giậm chân tại chỗ”. Sở dĩ phần lớn nông dân chỉ quan tâm tới sản xuất chưa chú trọng xây dựng thương hiệu vì giá bán còn thấp.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam Đỗ Văn Nam cho rằng, cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu mạnh của Việt Nam, nhưng việc quảng bá thương hiệu vẫn yếu, giá trị xuất khẩu kém 10-20% so với các nước cùng xuất khẩu mặt hàng này. Theo bà Nguyễn Thị Thủy, một trong những DN kinh doanh cà phê ở tỉnh Sơn La, trung bình mỗi năm công ty xuất khẩu hàng chục tấn cà phê nhưng vẫn xuất dưới dạng thô, qua một DN nước ngoài để chế biến và gắn thương hiệu, còn công ty chỉ ăn chênh lệch.
Theo ông Trần Văn Giá - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, ngành chè Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 5 trên thế giới, nhưng các DN trong nước không chú trọng tới xây dựng thương hiệu, dẫn tới giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ đạt 1.750 USD/tấn, bằng 50% giá chè của thế giới.
Đầu tư và hỗ trợ hợp lý
Để giúp các DN nông nghiệp quảng bá thương hiệu, từ năm 2015 đến nay, Tổng hội NN&PTNN Việt Nam đã quan tâm xây dựng và tổ chức vinh danh được 138 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Việc làm này giúp các DN tăng cường hợp tác, liên kết, xây dựng và phát triển thương hiệu, góp phần mở rộng và phát triển thị trường.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, hiện vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có sự quan tâm thích đáng. Để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản trong xu thế hội nhập kinh tế, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân và DN cần quan tâm đến xây dựng thương hiệu. Trước mắt, cần lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu nhằm tạo ra sự bứt phá về sản lượng, bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt, đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh.
Bà Bùi Thị Thanh Hà - Chủ cơ sở rau an toàn ở Thường Tín (Hà Nội) cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ DN trong đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN vay vốn ưu đãi để mua sắm máy móc, trang thiết bị đầu tư khoa học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm…
Ngoài ra, để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu, các DN phải thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, đặc biệt là kiểm soát nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, xây dựng được hình ảnh thương hiệu thông qua việc quảng bá nông sản, phát triển hệ thống phân phối ở các cửa hàng để giới thiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Các DN cần liên kết lại với nhau để đầu tư khoa học - công nghệ từng bước hạn chế xuất khẩu thô, chuyển dần sang chế biến tinh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm…
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện cả nước có 964 đặc sản nông nghiệp gắn với 733 địa danh nhưng chỉ có 23 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và 20% nhãn hiệu nông sản Việt Nam được đăng ký. Đặc biệt, chỉ có 36/173 DN ngành nông nghiệp đăng ký thương hiệu trong nước, 5 DN đăng ký thương hiệu ở nước ngoài; 15/58 hội viên Hiệp hội Trái cây Việt Nam đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước. Số còn lại không có thương hiệu, nhãn mác nên giá trị sản phẩm không cao.
Báo Hà Nội mới